Hiệu quả từ mô hình giảm nghèo ‘3 cây 3 con’ ở huyện miền núi Quảng Nam

GD&TĐ - Mô hình “3 cây 3 con” đang mang lại giá trị kinh tế cao, thúc đẩy giảm nghèo bền vững tại huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam).

Người dân Nam Giang mở rộng mô hình vườn cây ăn quả, tìm hướng thoát nghèo bền vững.
Người dân Nam Giang mở rộng mô hình vườn cây ăn quả, tìm hướng thoát nghèo bền vững.

Thay đổi phương thức sản xuất

Huyện Nam Giang (Quảng Nam) có đặc thù địa hình miền núi cao, gặp khó trong việc chủ động được nguồn nước tưới tiêu, ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh tế của người dân.

Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2011, Huyện ủy Nam Giang ban hành Nghị quyết số 03 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với định hướng tìm hướng đi phù hợp giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Bà Alung Ích (xã Tà Pơơ) cho biết, từ nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, bà mạnh dạn đầu tư trồng hơn 300 cây bòn bon. Bởi loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, đến mùa thì trái trĩu cành, mỗi cây chừng trên dưới 50kg, cho doanh thu cả trăm triệu đồng.

Nhiều mô hình sinh kế trong cộng đồng được hình thành sau thời gian triển khai Nghị quyết số 03 của Huyện ủy Nam Giang.

Nhiều mô hình sinh kế trong cộng đồng được hình thành sau thời gian triển khai Nghị quyết số 03 của Huyện ủy Nam Giang.

“Giá bòn bon cũng lên xuống theo mùa, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức trung bình từ 25.000-30.000/kg, mỗi mùa gia đình cũng thu lãi cả chục triệu đồng. Bên cạnh việc trồng bòn bon, tôi cũng kết hợp chăn nuôi lợn bản địa, nguồn thu nhập cũng khá. Hiện gia đình tôi đã thoát khỏi diện nghèo, kinh tế ổn định dần và đang vươn lên”, bà Alung Ích chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở hộ gia đình, mô hình “3 cây, 3 con” ở huyện miền núi Nam Giang đã và đang liên kết các hộ lại thành nhóm để sản xuất theo chuỗi, đảm bảo nguồn hàng đầu ra thị trường.

Đơn cử như Hợp tác xã Nông lâm nghiệp A Liêng (xã Tà Bhing), sau gần 2 năm thành lập đã trở thành điểm sáng trong hoạt động chăn nuôi heo cỏ địa phương tổ chức theo nhóm hộ. Mô hình này ban đầu có 15 hộ đăng ký tham gia, trong đó đa số hộ nghèo và cận nghèo, vốn quen với lối chăn nuôi truyền thống. Nguồn vốn chủ yếu từ các chính sách của UBND tỉnh Quảng Nam, và sự đóng góp về kỹ thuật của các hộ chăn nuôi sản xuất giỏi.

Mô hình “3 cây 3 con” đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương, giúp họ thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Mô hình “3 cây 3 con” đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương, giúp họ thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Ông Zơrâm Đa - Trưởng thôn A Liêng cho biết, từ nguồn vốn ban đầu do tỉnh cấp, Hợp tác xã tập trung đầu tư con giống, thức ăn và tập huấn kỹ thuật cho các hộ thành viên. Đồng thời tranh thủ nguồn hỗ trợ của huyện để xây dựng chuồng trại, hạ tầng giao thông, cũng như đầu tư các trang thiết bị khác theo quy trình chăn nuôi khép kín. Đến tháng 10/2022, mô hình hoàn thành, tổng kinh phí đầu tư hơn 900 triệu đồng, với quy mô 120 con heo giống bản địa theo hình thức nuôi bán chăn thả trên diện tích 3.000m2.

“Qua gần 2 năm triển khai, mô hình này đã phát huy hiệu quả, với lượng heo giống và heo thịt xuất ra thị trường đều đặn với giá 120.000-150.000/kg, mỗi năm hợp tác xã thu về khoảng 300 triệu đồng. Đây là một trong những mô hình sử dụng vốn đầu tư từ các cấp hiệu quả, qua đó giúp cho nhiều thành viên trong hợp tác xã có thu nhập đáng kể để sinh hoạt. Sắp đến, hợp tác xã sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng trang trại, cải thiện thu nhập cho các thành viên, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương”, ông Zơrâm Đa nói.

Thúc đẩy giảm nghèo

Với việc đổi mới tư duy trong phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, những năm qua, nhiều hộ dân ở Nam Giang nhanh chóng tiếp cận các mô hình sinh kế hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập. Tiêu biểu như các mô hình chăn nuôi heo đen, phát triển rừng trồng bòn bon, sâm bảy lá, nuôi cá lồng bè… Những mô hình này được hưởng chính sách hỗ trợ từ đề án phát triển kinh tế hộ gia đình theo Nghị quyết số 03 của chính quyền huyện Nam Giang.

Theo đó, từ những trợ lực của Nghị quyết số 03, nhất là sau thời gian triển khai Kết luận số 05 (năm 2016) của Huyện ủy về tiếp tục triển khai Nghị quyết số 03 với mô hình “3 cây 3 con”, công tác giảm nghèo ở Nam Giang có nhiều chuyển biến tích cực, từ 52,36% (năm 2016) xuống còn 35,58% (năm 2023).

Hợp tác xã Nông lâm nghiệp A Liêng (xã Tà Bhing), là điểm sáng trong hoạt động chăn nuôi heo cỏ địa phương theo nhóm hộ.

Hợp tác xã Nông lâm nghiệp A Liêng (xã Tà Bhing), là điểm sáng trong hoạt động chăn nuôi heo cỏ địa phương theo nhóm hộ.

Báo cáo của địa phương cho thấy, giai đoạn 2016 - 2023, toàn huyện có 380 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và trung ương, hơn 2.524 hộ đạt danh hiệu cấp huyện và gần 9.600 hộ đạt danh hiệu cấp xã.

Trong gia đoạn này, Nam Giang trồng hơn 231,2ha cây ăn quả (chủ yếu là bưởi da xanh, cam, bơ và măng cụt), gần 55ha cây dược liệu các loại; thực hiện di thực 1.000 cây sâm Ngọc Linh và chứng nhận cây đầu dòng cho sâm bảy lá một hoa tại xã Chơ Chun.

Ngoài ra, địa phương nỗ lực bảo tồn các vườn cây lòn bon tại Tà Pơơ; phát triển vườn cam vàng tại Chơ Chun; duy trì và phát triển các vườn cây cao su đại điền hơn 1.337ha, đưa vào khai thác hơn 765,5ha với sản lượng khai thác mủ bình quân đạt 750-800 tấn/năm, tạo thu nhập đáng kể cho người dân miền núi.

Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách, từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trên địa bàn huyện với tổng nguồn vốn đầu tư 19,2 tỷ đồng. Huyện cũng hỗ trợ cho người dân hơn 831.700 cây giống các loại và hơn 3.600 con giống bò, heo…

“Sau nhiều năm triển khai, mô hình “3 cây 3 con” đã thực sự phát huy hiệu quả. Nhiều hộ dân ở Nam Giang đã vươn lên thoát nghèo, nhờ biết vận dụng đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Qua đó, Nghị quyết số 03 của Huyện ủy đã tạo sự chuyển biến và hưởng ứng tích cực từ cộng đồng dân cư. Thông qua việc lồng ghép, khai thác nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, làm thay đổi diện mạo địa phương”, ông Lalim Hậu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Giang đánh giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.