(GD&TĐ) - Hồ Chí Minh là con người của lịch sử, của thời đại. Người là kết tinh tư tưởng, đạo đức, nhân cách và tình cảm của dân tộc cũng như những giá trị nhân văn cao cả của nhân loại. Người là tấm gương vô cùng sáng trong, nguyên vẹn để mỗi chúng ta soi mình và hoàn thiện.
Sinh thời, con người của Bác giản dị, gần gũi, chan hoà với nhân dân. Đạo đức, tư tưởng của Người không cao siêu, vời vợi. Có lẽ vì thế mà nhân dân yêu kính, trìu mến gọi Người là Bác, là Cha:
(Tố Hữu)
Cho nên cảm nhận chung của mọi người khi gặp Bác là sự gần gũi, thân yêu. Người thấu hiểu đất nước, dân tộc, nhân dân trong một giai đoạn đau thương nhất của lịch sử. Có lẽ vì thế mà trái tim của Người chan chứa lòng nhân ái bao la; tư tưởng của Người được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu. Đó chính là sức hút mạnh mẽ của con người Hồ Chí Minh, là cội nguồn yêu thương của nhân dân đối với Bác.
(ảnh tư liệu) |
Bác Hồ luôn là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng để mỗi chúng ta học tập và làm theo, từ những điều bình dị nhất. Bất cứ ai sau khi gặp Người hoặc nghe kể về Người cũng đều rút ra những bài học để tu sửa mình.
Suy ngẫm về cuộc đời của Bác, nhất là đạo đức cách mạng trong sáng, thanh cao của Bác, chúng ta không chỉ nghĩ đến những điều vĩ đại cao cả, mà nó toát lên ngay cả trong cuộc sống đời thường hằng ngày của Bác. Chính điều này làm ảnh hưởng xã hội của Bác rất thấm thía trong lòng dân. Một trong những điều giản dị mà mỗi người đều có thể học được ở Bác, đó là việc sử dụng thời gian rảnh rỗi.
Như chúng ta đều đã biết, ngoài các ngoại ngữ phổ biến như Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga, Bác Hồ của chúng ta còn có thể sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác nữa như: Thái Lan, Tây Ban Nha, Ả Rập, tiếng của rất nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam… Vốn ngoại ngữ đó của Bác không phải do "thiên bẩm" mà có, tất cả đều xuất phát từ sự khổ công luyện tập... Rồi những hình ảnh khác như Người xắn quần lội ruộng, cùng tát nước, cùng đạp guồng nước chống úng với bà con nông dân; Người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, bắt nhịp Bài ca Kết đoàn… Những điều đó khiến Người càng trở nên gần gũi, càng khiến tất cả phải khâm phục. Nếu không miệt mài học tập, học tập cả trong những khi rảnh rỗi hiếm hoi, liệu Người có thể nói hàng chục ngoại ngữ, làm việc nhà nông, chỉ huy dàn nhạc… được như vậy? Có cảm tưởng, khái niệm “thời gian rảnh rỗi” hầu như không tồn tại trong cuộc sống của con người vĩ đại ấy. Cũng bởi thế mà chúng ta sẽ không thể nào quên được hình ảnh một Chủ tịch nước không nghỉ trưa mà dành thời gian ngồi tự mình khâu lấy chiếc khuy áo.
Bác Hồ đến thăm hội nghị phổ biến máy cấy công cụ cải tiến ở Từ Liêm, Hà Nội, tháng 7/1960. Ảnh tư liệu. |
Từ cuộc hành trình lịch sử tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm, cho tới khi trở về nước, Bác bận trăm công nghìn việc... Song như Bác đã từng nói: “Ở đời ai cũng là con người, không có ai là thánh thần”. Bác vĩ đại vì Bác là con người bằng xương bằng thịt, sống cuộc sống bình thường chứ không phải là siêu nhân thoát tục. Ngay trong những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, Bác đã cho chúng ta gợi ý chân thực sinh động về cách sống và xử sự các quan hệ. Khi từ châu Âu về Pắc Bó, Bác tới thăm các làng bản, thấy các cháu bé đầu bù tóc rối, toàn thân ghẻ lở, Bác đã dắt các cháu ra bờ suối, múc nước tắm gội sạch sẽ. Sau những giờ làm việc căng thẳng, Bác cầm ống bương đi lấy nước bên suối để tưới rau, cũng có khi dắt trẻ thơ đi dạo. Ngày ở chiến khu Việt Bắc, Bác tập võ, tập thể thao, đi dạo bờ suối, có khi câu cá, lại có khi trồng rau… Khi đã là Chủ tịch nước sống trong khu nhà sàn giữa Thủ đô, nếp quen sinh hoạt hằng ngày nơi chiến khu vẫn được Bác giữ nguyên... Chúng ta cũng không nên quên Bác Hồ còn là con người tài hoa đa diện, là nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ... Thời trẻ, Bác đã từng vẽ tranh minh họa cho bìa sách của mình.... Để làm được những việc như thế, Bác phải học. Và Bác đã sử dụng tất cả những thời gian ít ỏi được gọi là rảnh rỗi ấy để học, để phụng sự nhân dân và đất nước. Chúng ta đã và đang phát động phong trào rộng khắp trong cả nước học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là một chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng nhân dân đối với đất nước. Tuy nhiên, việc tổ chức học tập có nơi, có lúc còn nặng về hình thức, chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Có những cuộc học tập ở cơ quan tập trung hàng trăm người, kéo dài hàng ngày. Chủ toạ lên diễn đàn cứ thao thao bất tuyệt còn mọi người ngồi dưới thoải mái chuyện trò, làm việc riêng. Đôi khi chúng ta biến những điều giản dị thành phức tạp. Còn Bác Hồ thì ngược lại, cho nên nhân dân không khó để tiếp cận những giá trị tư tưởng đạo đức của Người.
Vấn đề đặt ra là làm sao việc học tập, làm theo Người vừa nhẹ nhàng, vừa thiết thực, đem đến sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của mỗi người. Chỉ cần chúng ta học và làm được mấy chữ Bác dạy: Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư là đã tạo ra một sự đột phá mạnh mẽ trong xã hội rồi. Nếu cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức quyền làm trước, làm tốt thì chắc chắn nhân dân cả nước sẽ đồng thuận, noi theo.
Mấy chữ Bác dạy nói trên là cái gốc căn bản làm nên đạo đức, tư cách của người cán bộ, đảng viên, làm nên cái “hồng” và “chuyên” mà Bác thường nhắc nhở. Thiếu đi một trong những chữ đó thì không thể bảo rằng tôi là người cán bộ, người đảng viên gương mẫu, hết lòng vì nước, vì dân
Duy Xuân-Phương Nguyên