Khuyến khích khai thác và sử dụng phần mềm mã nguồn mở để thiết lập hộp thư điện tử và website |
Đó là 1 nội dung trong thông tư quy định về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục ĐH Bộ GD&ĐT vừa ban hành.
Theo quy định tại Thông tư, Mỗi cơ sở giáo dục đại học phải thiết lập hệ thống thư điện tử có cấu trúc theo mẫu chung là Tên-hộp-thư@Tên-miền-riêng. Khuyến khích khai thác và sử dụng phần mềm mã nguồn mở để thiết lập. Hộp thư điện tử này được cung cấp miễn phí cho các đơn vị trực thuộc; giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên khác; snh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh…
Các thành viên của cơ sở giáo dục ĐH phải dùng hộp thư điện tử theo tên miền riêng của mình khi giao dịch công tác với các cơ quan, đoàn thể và cá nhân. Các loại văn bản mật không được gửi qua hệ thống thư điện tử này.
Về trang thông tin điện tử (website), Bộ GD&ĐT nhận định, đây là tiêu chí quan trọng để tự thể hiện năng lực, trách nhiệm công khai thông tin của cơ sở giáo dục đại học đối với xã hội và phải chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật. Bộ khuyến khích khai thác và sử dụng công nghệ phần mềm mã nguồn mở để xây dựng website hoặc cổng thông tin điện tử (portal). Ưu tiên sử dụng định dạng văn bản mở khi đưa thông tin lên Website.
Nhiệm vụ của Website các trường ĐH được quy định: Công bố công khai, đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin của cơ sở giáo dục đại học; Xây dựng mối quan hệ trực tuyến giữa cơ sở giáo dục đại học với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật.
Nội dung thông tin, dữ liệu trên Website phải được cung cấp và cập nhật nhanh, kịp thời, cụ thể: Đưa ngay sau khi văn bản và dữ liệu được ký và đóng dấu trong ngày; Không quá 10 ngày kể từ khi kết thúc các sự kiện khác.
Nội dung thông tin trên website được quy định cụ thể, gồm: Thông tin chung về tổ chức, hành chính; công tác đào tạo; thông tin thi và kết quả học tập của sinh viên; thông tin về thi tuyển sinh; thông tin về đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; thông tin về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên; thông tin về công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn; thông tin về thư viện sách và thư viện học liệu điện tử; thông tin về công nghệ giáo dục, học điện tử (e-Learning); tổ chức phòng họp và lớp học ảo qua web; thông tin về công tác kế hoạch, tài chính và đấu thầu, dự án; niên giám thống kê về giáo dục; trang tin bằng tiếng nước ngoài và thông tin hợp tác quốc tế; thông tin về cơ sở vật chất; hoạt động hỗ trợ học tập và sinh hoạtt; hông tin kiểm định chất lượng đào tạo…
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2010.
Hiếu Nguyễn