Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, các vụ, cục chức năng của Bộ. Phía địa phương có ông Lê Văn Dung - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.
Năm học vừa qua, nhiều Sở GD&ĐT đã thực hiện đổi mới hoạt động thanh tra theo tinh thần của Nghị quyết 42 và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Đội ngũ cán bộ thanh tra và cộng tác viên thanh tra từng bước được kiện toàn, được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Hoạt động thanh tra từng bước chuyển trọng tâm từ thanh tra nặng về chuyên môn sang thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Tăng cường thanh tra đối với hoạt động giáo dục chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng trên địa bàn theo phân cấp.
Thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã thực hiện có hiệu quả theo tinh thần đổi mới. Bên cạnh thanh tra cắm chốt đã tăng cường thanh tra lưu động không báo trước, qua đó góp phần vào thành công của kì thi, được dư luận đánh giá cao.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành đã tập trung vào một số nội dung gây bức xúc trong xã hội như các vấn đề dạy thêm học thêm, thu chi đầu năm, chế độ chính sách đối với nhà giáo, chỉ đạo thực hiện đề án ngoại ngữ 2020 tại các địa phương…
Một số Sở GD&ĐT đã thanh tra việc thực hiện cam kết thành lập trường, mở mã ngành đào tạo, liên kết đào tạo, việc thực hiện quy định công khai chất lượng giáo dục, việc thực hiện quy định về chỉ tiêu tuyển sinh. Phối hợp thanh tra thi tuyển sinh đối với các trường đại học, cao đẳng, TCCN thuộc thẩm quyền quản lý.
Qua thanh tra đã đánh giá đúng thực trạng tình hình của từng đơn vị, đôn đốc việc tuân thủ các quy định, tư vấn các giải pháp khả thi để phát huy ưu điểm, khắc phụ khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học của các cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên trong năm học vừa qua, hoạt động thanh tra vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Số lượng cán bộ thanh tra chưa được chuyển ngạch còn nhiều. Năng lực, kinh nghiệm công tác thanh tra còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới hoạt động thanh tra giáo dục hiện nay.
Việc phối hợp giữa thanh tra tỉnh với thanh tra Sở GD&ĐT trong việc thực hiện thanh tra theo Nghị định 42 và Nghị định 115 còn hạn chế. Việc công khai kết luận thanh tra, công khai xử lý vi phạm, theo dõi đôn đốc, kiểm tra xử lý sau thanh tra còn nhiều bất cập…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày các báo cáo tham luận liên quan đến công tác thanh tra giáo dục như: Đẩy mạnh hoạt động thanh tra chuyên ngành (Sở GD&ĐT Quảng Bình), Thực hiện giảng dạy phòng chống tham nhũng trong trường phổ thông (Sở GD&ĐT Bến Tre), Thanh tra hoạt động dạy thêm, học thêm và thu chi các khoản đóng góp tự nguyện (Sở GD&ĐT Nam Định).
Trong năm học 2014 - 2015, công tác thanh tra sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chính như: Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra hành chính ở các cơ sở giáo dục đào tạo, các đề án, dự án; Thanh tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, Thanh tra việc thực hiện đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào trường học...
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu kết luận hội nghị |
Những thắc mắc của các đại biểu đến từ các địa phương đã được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng giải đáp và ghi nhận.
Phát biểu kết luận hội nghị, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao thành tích mà Thanh tra Bộ, Thanh tra các Sở GD&ĐT đã thực hiện trong năm học vừa qua.
Năm 2014 là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết 29. Việc kiểm tra đánh giá được xác định là khâu đột phá để đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo tinh thần của Nghị quyết 29.
Thứ trưởng lưu ý, việc thanh tra cần phải tạo điều kiện chủ động cho giáo viên để phát hiện những nhân tố mới, sáng tạo. Trong quá trình thanh tra cần phải phát hiện và nhân rộng những điển hình làm tốt, có tính đột phá.
Trong đổi mới quản lý cần có sự phân cấp, nếu cấp dưới làm tốt thì có thể phân quyền, tạo điều kiện cho làm. Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ, không buông lỏng. Cần tách bạch quản lý nhà nước, quản trị nhà trường với việc quản lý chuyên môn.