Hoạt động giáo dục tạo môi trường trải nghiệm thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hoạt động giáo dục có vai trò quan trọng tạo cho học sinh môi trường trải nghiệm thực tiễn.

Học sinh CLB Mĩ thuật cùng nhau thiết kế các sản phẩm STEM phục vụ chuyên đề.
Học sinh CLB Mĩ thuật cùng nhau thiết kế các sản phẩm STEM phục vụ chuyên đề.

Mục tiêu quan trọng

Chương trình GDPT 2018 xác định mục tiêu trọng tâm là bảo đảm phát triển phẩm chất năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống.

Để thực hiện được mục tiêu trên, mỗi nhà trường cần xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình các môn học bảo đảm đủ số tiết/năm học quy định của chương trình và kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục một cách khoa học, linh hoạt, sáng tạo và đảm bảo phù hợp với đặc điểm từng trường.

Vì thế, bên cạnh thực hiện tốt nội dung, chương trình các môn học thì việc xây dựng các chủ đề dạy học gắn với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, bám sát mục tiêu của chương trình GDPT 2018 là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi nhà trường phổ thông.

Hoạt động giáo dục này do nhà trường định hướng, thiết kế và hướng dẫn học sinh thực hiện, giúp các em được tiếp cận với thực tiễn, huy động được kiến thức, kỹ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng đang cùng học sinh CLB Mĩ thuật Trường THCS Trường Thọ làm đàn Đáy.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng đang cùng học sinh CLB Mĩ thuật Trường THCS Trường Thọ làm đàn Đáy.

Thông qua các chủ đề được thiết kế, thực hiện, học sinh từng bước tự khám phá được năng lực bản thân và thế giới xung quanh, phát triển đời sống tâm hồn phong phú, biết rung động trước cái đẹp thiên nhiên và tình người, có quan niệm sống và ứng xử đúng đắn. Đồng thời, bồi dưỡng học sinh tình yêu đối với quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn, bản sắc dân tộc. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát triển các giá trị tốt đẹp của bản sắc văn hóa, con người Việt Nam.

Hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, trong công văn 5512 của Bộ GD&ĐT nêu rõ, song hành với hoạt động chuyên môn, các nhà trường chủ động kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục. Các hoạt động giáo dục có thể được tổ chức theo hình thức tham quan, cắm trại, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.

Hiệu trưởng các nhà trường tổ chức xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học và điều kiện cụ thể của từng trường; tạo cho học sinh một môi trường được trải nghiệm, được vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn.

Để có những giờ trải nghiệm thú vị

Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới mà các nhà trường, thầy cô vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện do thiếu nguồn lực về đội ngũ, CSVC và cũng có nhiều trở ngại liên quan đến tâm lý "ngại đổi mới", sức ỳ của đội ngũ.

Điều quan trọng để có một kế hoạch tổ chức các hoạt giáo dục đảm bảo tính khả thi, phù hợp, hiệu quả thì mỗi tổ nhóm chuyên môn các nhà trường cần hiểu rõ, làm sáng tỏ các vấn đề: chủ đề, hình thức thực hiện, yêu cầu cần đạt, số tiết thực hiện, thời điểm và địa điểm thực hiện, đơn vị tổ chức, đơn vị phối hợp.

Kế hoạch giáo dục được xây dựng từ đầu năm học và chọn thời điểm thích hợp để thực hiện. Mỗi trường học có thể xây dựng 1-2 hoạt động giáo dục ngoại khoá trong 1 năm phù hợp với điều kiện của nhà trường. Điều đáng nói, nhà trường cần nắm chắc quy trình thực hiện đảm bảo chất lượng giáo dục.

Sản phẩm STEM do học sinh Trường THCS tự tay làm.

Sản phẩm STEM do học sinh Trường THCS tự tay làm.

Thời gian này, thầy trò Trường THCS Trường Thọ, huyện An Lão, TP Hải Phòng đang rạo rực chuẩn bị các hoạt động cho tiết chuyên đề cấp thành phố. Chuyên đề lấy nguồn cảm hứng từ niềm tự hào về các giá trị di sản văn hóa của quê hương Hải Phòng như: Ca trù Đông Môn (Thủy Nguyên), Lễ hội Núi Voi (An Lão). Từ đó, gợi mở cho các em học sinh tìm hiểu thêm các giá trị di sản khác của quê hương mình.

Thầy Bùi Văn Sang, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Thọ cho hay, để giải quyết các nội dung chuyên đề đặt ra, giáo viên và học sinh của 2 khối lớp 7,8 đã sử dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học như Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, GCCD, Âm nhạc, Mỹ thuật, trong đó, kiến thức lõi thuộc môn Lịch sử và Âm nhạc.

Quê hương An Lão cũng như nhiều miền quê khác của Hải Phòng có những nét đẹp di sản văn hoá độc đáo, vì thế tiết hoạt động thiết thực, ý nghĩa khi thầy trò cùng tìm hiểu về quê hương với niềm tự hào, trân quý. Học trò không chỉ được vận dụng kiến thức liên môn vào các hoạt động văn nghệ, diễn xuất mà còn tự tay làm ra các sản phẩm STEM phục vụ cho diễn xuất như cây đàn Đáy.

Tại phòng chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thị Hằng đang cùng học sinh CLB Mĩ thuật nhà trường làm đàn Đáy. Điều đáng nói, chiếc đàn để phục vụ cho chuyên đề được các em học sinh làm từ tấm giấy bìa, xốp vật liệu tái chế.

Em Vũ Thị Thảo Nguyên, thành viên CLB Mĩ thuật nhà trường cho hay, sau khi được cô giảng dạy và hướng dẫn về đàn Đáy, thành viên CLB đã lên ý tưởng, vẽ, thực hiện. Quy trình làm đàn chỉ mất khoảng 2-3 tiếng.

Thành viên CLB Mĩ thuật nhà trường hào hứng với sản phẩm từ vật liệu tái chế.

Thành viên CLB Mĩ thuật nhà trường hào hứng với sản phẩm từ vật liệu tái chế.

Em Trần Ngọc Anh, lớp 7B cho biết, chúng em rất hào hứng với chuyên đề vì qua đó học sinh được thể hiện tài năng, năng khiếu và được vui chơi với các hoạt động ý nghĩa.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT An Lão, để thực hiện tiết hoạt động trong chương trình mới, Phòng đã giao cho Trường THCS Trường Thọ xây dựng kế hoạch, lựa chọn tên chuyên đề, phân công nhiệm vụ cụ thể cho tổ, nhóm chuyên môn có liên quan để xác định các bước dạy học phù hợp trong kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của tổ chuyên môn đối với khối lớp 7,8.

Được biết, quá trình chuẩn bị chuyên đề, nhà trường đã linh hoạt các hoạt động cho phù hợp với học sinh, tận dụng nhiều nguồn lực sẵn có để giản tiện chi phí. Các loại trang phục dân tộc học sinh sử dụng trong chuyên đề nhà trường đều liên hệ mượn được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ