(GD&TĐ) - Hoàng Phạm Trà Mi - hiện là học sinh trung cấp 1 Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, là “đệ tử” ruột của Tiến sĩ Tạ Quang Đông. Ngày 22.03.2012, Mi được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề cử. Gương mặt sáng và nụ cười luôn rạng rỡ, “quý cô” 15 tuổi này đã lưu tên mình vào bộ nhớ các giám khảo châu Âu trong cuộc thi Piano quốc tế lần 3 Rosario Marciano (7.8.2011 – 14.8.2011) tại Vienna, Áo với giải nhì, nhóm 2 (độ tuổi dưới 15) và giải nhất Nuits Pianistiques (27.8.2011) tại Aix En Provence, Pháp.
Trà Mi sinh năm 1997 trên đất Moskva, Liên bang Nga. Từ khi chập chững 3 tuổi, ba mẹ đã tạo điều kiện cho Mi học múa hát. Lên 5, một thầy giáo dạy piano nhận thấy tố chất đặc biệt và năng khiếu thiên bẩm của Mi ở bộ môn này nên đã hết lòng chỉ bảo, hướng Mi thành một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp. Từ đó, cô nàng mê đắm với tiếng dương cầm và chính thức đặt chân vào trường âm nhạc Edvard Grieg mà ở đó cô Lubov Pavlova, một cô giáo dày dạn kinh nghiệm từng là giáo sư từ nhạc viện Tchaikovsky, đứng ra đào tạo cho Mi. Năm lớp 8 (2009), Trà Mi trở về Việt Nam và theo học tại khoa Piano ở Học viện Âm nhạc Quốc gia dưới sự dìu dắt của Ts. Tạ Quang Đông để rồi từ đó chấp cánh cho một Trà Mi mà chúng ta biết hôm nay.
Giải thưởng lớn & những tâm sự nhỏ
“Trà Mi”, cái tên dễ thương cho một cô gái, và trong đó cũng có tên nốt E (nốt Mi) trong âm nhạc. Nhiều người cứ đùa rằng Mi như thiên thần của âm nhạc, lấy âm nhạc làm ngôn ngữ để trò chuyện, ca hát và có lẽ vì sự đồng điệu trong ngôn ngữ đặc biệt này mà hiện Mi đang được các chuyên gia âm nhạc thế giới đánh giá rất cao.
Nuits Pianistiques và Rosario Marciano đều là những cuộc thi âm nhạc cổ điển đẳng cấp quốc tế, trong đó các giám khảo là những nhà sư phạm, nhà biểu diễn nổi tiếng của Áo, Anh, Đức, Ba Lan, Nhật, Mỹ. Các thí sinh tham dự cũng đều rất xuất sắc từ nhiều quốc gia vốn có nền giáo dục âm nhạc lâu đời và bài bản. Tại Nuits Pianistiques, bảng 2 mà Mi tham gia có 16 thí sinh, trong đó các thí sinh từ học viện Gnhexin (Moskva, Nga) trình diễn xuất sắc. Cả những thí sinh từ Trung Quốc và Nhật Bản cũng ghi dấu ấn sâu đậm tại buổi thi.
Khi thi, Trà Mi phải trình bày 3 bản nhạc: Sonata số 10 chương 1 (KV 330) của W.Mozart giọng C Major, Prelude – Fuga giọng A Minor BWV 889 của J.Bach và Etude “La Campanella” của F.Liszt. Ngay khi trình diễn xong, Mi đã được ông Stephan Moller - Chủ tịch Hiệp hội Piano Quốc tế Vienna và các giám khảo chúc mừng ngay trong giờ giải lao khi vừa trình bày xong phần dự thi vì có rất ít thí sinh đạt kĩ thuật tốt như vậy.
Mi thổ lộ: “Đó là một cuộc thi chuyên nghiệp, các bạn đến tham dự có trình độ cao. Ban giám khảo có kinh nghiệm chấm các cuộc thi nổi tiếng như cuộc thi Tsaikowsky. Ngay cả khán giả cũng chuyên nghiệp, nhiệt tình và yêu âm nhạc thực sự. Trước cuộc thi mình thấy lo lắng, hồi hộp, nhưng rồi tự động viên bản thân rằng: Đó chỉ là cuộc đi chơi, được gặp mọi người yêu âm nhạc giống mình… Điều đó đã giúp mình thành công”.
Không chỉ có vậy, Mi còn được nhiều người yêu mến và khâm phục trước thành tích học tập cực đỉnh, điểm tuyệt đối 5/5 (tương đương điểm 10 của Việt Nam) khi học ở Nga và hiện nay cũng là một học sinh xuất sắc trường THPT Nga (Đại sứ quán Nga tại Việt Nam).
Quả không sai khi nói tài năng thật sự luôn đi liền với khiêm tốn, Mi nhẹ nhàng nói: “Không có gì ghê gớm đâu! Mình luôn dành thời gian để học văn hóa và luyện piano mỗi ngày. Quan trọng nhất là phải đạt hiệu quả. Có thể bạn ngồi hàng giờ đồng hồ nhưng không tập trung thì hiệu quả công việc sẽ không cao. Hãy tập trung cao độ cho việc bạn đang làm, bạn sẽ nhận thấy ngay sự thay đổi theo chiều hướng tích cực”. Câu trả lời chân thành và thẳng thắn cũng là lời chia sẻ bí quyết của Mi. Nhờ vận dụng “tuyệt kĩ” này, Mi còn giỏi luôn cả 3 ngoại ngữ Nga, Anh, Pháp. Thật là nể quá xá!!! “Đó chỉ là nhờ năng khiếu một chút thôi. Nhưng điều đó thật sự giúp ích cho mình trong mỗi lần đi thi, mình có thể tự tin giao lưu với các bạn bè quốc tế, đặc biệt mình là phiên dịch ‘bất đắc dĩ’ cho mẹ mỗi lần dự thi ở nước ngoài” (cười).
Mi thẳng thắn, khiêm tốn nhưng đồng thời cũng bộc lộ rõ nét sự bản lĩnh, cá tính. Mi khẳng định mình rất kính trọng nghệ sĩ Đặng Thái Sơn nhưng có người hỏi rằng Mi có dự định viết nên chương tiếp theo của nghệ sĩ không thì cô gái trả lời thẳng: không muốn trở thành một Đặng Thái Sơn thứ hai!
Suy ngẫm một chút
Ngoài Trà Mi, Việt Nam còn một số nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng khác như Trang Trịnh (học viện hoàng gia Anh – RAM) cũng đi lên bằng tình yêu âm nhạc. Hay huyền thoại dương cầm 93 tuổi Thái Thị Liên (mẹ Đặng Thái Sơn) vốn là nghệ sĩ nhân dân và xem âm nhạc như lẽ sống. Tuy nhiên nếu nhìn toàn cục thì quả là làng âm nhạc hàn lâm của Việt Nam trên bản đồ thế giới vẫn “nhỏ xíu” và cho đến nay chưa ghi dấu ấn đậm nét. Giới trẻ Việt Nam tuy có yêu âm nhạc nhưng đại bộ phận lại theo dòng nhạc nhẹ, một số chọn nhạc thị trường làm phân khúc cho mình. Tình hình này khiến cho nền âm nhạc nước ta thiếu bản sắc riêng mà chỉ như một mớ hỗn độn Đông Tây kim cổ.
Hy vọng những tài năng trẻ như Hoàng Phạm Trà Mi sẽ vững bước trên con đường âm nhạc và ngọn lửa tình yêu âm nhạc ngày càng cháy mạnh hơn nữa tạo nên một dòng nhạc rõ nét ở Việt Nam.
Vinh Nguyễn