Tôi vẫn còn nhứ như in những kỷ niệm của con gái tôi hồi cháu học cấp 2. Đó là một lớp học nhỏ chỉ có 20 trò, giáo viên chủ nhiệm là một cô giáo luống tuổi, cực kỳ nghiêm khắc.
Ngay trong kỳ họp phụ huynh đầu tiên, cô đưa ra thống kê về thời gian được phép truy cập Facebook của tất cả đám trò trong lớp và cảnh báo về việc sử dụng thời gian của các con.
Không ít lần, cô đã yêu cầu một số trò mặc váy ngắn phải thay đổi bằng quần ngay tại trường do cô bỏ tiền riêng ra mua. Cô nắm trong tay gần như toàn bộ mối quan hệ phức tạp của đám trẻ đang ở tuổi dậy thì.
Cô đã sống cùng bọn trẻ và theo dõi đầy sát sao, thậm chí gay gắt cuộc sống của những đứa trẻ mới lớn dư liều lĩnh mà thiếu hụt nhiều kỹ năng.Với nhiều đứa trẻ trong lớp con tôi mắc lỗi, cô thường gặp riêng trao đổi, tâm tình chứ không trừng phạt chúng trước lớp.
Tôi còn nhớ hôm chia tay đám trẻ vào cấp 3, đám trẻ khóc, phụ huynh cũng khóc. Đám trẻ gọi cô là “má” và phụ huynh đứng lên nói lời cảm ơn cô vì không chỉ dạy kiến thức, cô đã giữ cho đám trẻ một tuổi mới lớn êm ả, bình yên mà không kém phần thú vị.
Hoang mang với bạo lực học đường hay với truyền thông báo chí? |
Tôi thốt nhiên nhớ lại câu chuyện của con tôi khi những ngày này dày đặc các thông tin về trường học xấu xí trên truyền thông. Chỉ trong hai tuần đầu của tháng Tư, liên tiếp 3 vụ học trò đánh nhau được tường thuật tràn ngập ở khắp các loại hình báo chí.
Một nữ sinh bị đánh hội đồng, lột đồ ngay tại lớp ở Hưng Yên. Một học sinh khác bị đánh nhập viện ở Quảng Ninh. Một bé gái lớp 7 bị nhóm bạn bắt quỳ để …đánh ở Nghệ An. Rồi vụ nghi vấn thầy giáo Toán dâm ô nam sinh tại một trường học ở Hà Nội lại rộ lên, như những vụ thầy cô ngược đãi học trò bị phơi bày trên báo chí trước đó.
Trong một góc khác, thông tin phụ huynh “ăn miếng trả miếng” với giáo viên, những người dạy dỗ con mình bằng bạo lực cũng trở thành đề tài hot của báo chí.
Truyền thông đưa tin, bài như vậy khiến công chúng phẫn nộ và làm dấy lên những lo ngại về những rạn nứt, thậm chí đổ vỡ thần tượng về nghề giáo, vốn khuôn vàng thước ngọc.
Tất nhiên, tôi nghĩ, công chúng phẫn nộ là chuyện có thể hiểu được. Song, ở chiều ngược lại, những bài báo đó đã góp phần phá hỏng truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc có triết lý “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Tất cả những thông tin dồn dập về bạo lực học đường như trên dường như đã thiết lập trong công chúng niềm tin rằng, sự thiếu an toàn của môi trường học đường là có thực.
Báo chí ngày nay, từ phóng viên, biên tập viên của nhiều tòa soạn, đang bị cuốn đi trong cuộc chạy đua tăng view và chiều chuộng độc giả.
Bạn tôi, một người làm quản lý phóng viên ở một tòa soạn kể lại, 7 giờ sáng chị đã bị sếp mắng xối xả vì phóng viên địa bàn đã đưa tin nữ sinh đánh nhau muộn hơn các báo 4 tiếng.
Tất nhiên, các tòa báo luôn chú trọng những tin tức là khác lạ, những yếu tố “bất thường” để đưa lên mặt báo.
Không quá để nói rằng, nếu không bất thường thì tin tức sẽ không còn là tin tức. Đó cũng chính là lý do mà các bản tin về sự bất thường trong mỗi quan hệ giữa trò với trò, giữa thầy/trò; phụ huynh/thầy giáo được ưu tiên xuất hiện dày đặc trên truyền thông.
Đành rằng, phản ánh là nhiệm vụ của báo chí nhưng hai trong số những đặc tính quan trọng của phản ánh là “phản ánh có chọn lọc” và “phản ánh có tính tự giác tức là có mục đích” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lao động báo chí.
Nói một cách khác, với báo chí truyền thông, mục đích của phản ánh thông tin là giúp nhiều người cùng hiểu biết, cùng thống nhất nhận thức hoặc thu hẹp dần sự khác biệt để giải quyết các vấn đề nhằm thúc đẩy xã hội phát triển.
Báo chí không thể tung ra một mớ thông tin cho công chúng hoảng sợ, hoặc tệ hơn là làm cho người đọc dần dần thấy những bất thường trở nên quen quá đến mức trở thành bình thường, trở thành mặc nhiên chấp nhận.
Những bản tin dày đặc về những sự kiện bất thường trong trường học xung quanh các mối quan hệ thầy /trò rất tiếc, trong những ngày qua, chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh đơn thuần.
Rất hiếm những bài báo có tính chất bình luận, phân tích để “phản ánh có tính tự giác”.
Thế cho nên, công chúng khó tìm thấy những thông điệp qua góc nhìn của nhà báo. Khi đó, sự kiện bản thể đã được nhà báo phát hiện, nhận thức dưới các góc độ để tìm kiếm giá trị thông tin, chuyển hóa nó thành sự kiện nhận thức.
Công chúng sẽ tìm thấy ở đó những bài học về ứng xử trong môi trường học đường hay những bài học về giáo dục, đạo đức.
Tiếc rằng, những tác phẩm báo chí như thế xung quanh sự kiện này không nhiều nếu không muốn nói là quá ít ỏi.
Và như thế, cả một chuỗi tin bài, nếu chỉ dừng ở mức độ phản ánh đơn thuần mà không có thông điệp thì báo chí đạt được mục đích gì, hay lại chỉ để gây hoang mang cho công chúng về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự mất an toàn của môi trường học đường?
Trong khi thực tế không hoàn toàn như vậy. Những câu chuyện đẹp đẽ trong nhà trường vẫn ngày ngày được viết nên, chỉ có điều rất có thể nó sẽ bị lút đi bởi không được truyền thông quan tâm, bởi trong nó không chứa đựng yếu tố “lạ” của tin tức.
Đó còn là là chưa kể, những thông tin dày đặc phản ánh theo kiểu thấy gì tường thuật nấy của báo chí còn có thể kiến tạo nhận thức xã hội của công chúng để đến một mức độ nào đó, họ sẽ thấy những sự kiện thầy đánh trò/ trò đánh trò sẽ trở nên bình thường, không còn là khủng khiếp nữa và vì thế họ sẵn sàng có những hành động tương tự.
Thực tế cho thấy, thông tin nào được truyền thông sắp đặt lựa chọn đưa thường xuyên, liên tục, đậm nét thì dần dần sẽ hình thành những ghi nhớ về nó trong nhận thức của công chúng.
Những điểm nhấn xấu xí về sự mất an toàn trong trường học mà những ngày qua báo chí “thiết lập” thì cuối cùng nội dung được ghi nhớ trong công chúng sẽ là gì ngoài sự hoang mang?
Tôi vẫn luôn nhớ những giọt nước mắt của con gái tôi và các bạn cùng lớp hôm chia tay cấp 3 năm nào khi chúng quất quít quanh cô giáo chủ nghiệm. Kỷ niệm của cháu và các bạn trong những câu chuyện chúng nói với nhau về tuổi thơ – quãng thời gian tốt đẹp nhất – vẫn đầy ắp trong trẻo và yêu thương.
Bình luận