Thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV, môi trường học tập an toàn cho HS được dư luận quan tâm

GD&TĐ - Tuần qua, nhiều thông tin giáo dục được dư luận quan tâm, trong đó có câu chuyện về thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, hiểu sao cho đúng?; “quyền được học tập trong môi trường an toàn” của học sinh sẽ được luật hóa trong Luật GD (sửa đổi)…

Tạo môi trường học tập an toàn cho học sinh là mục tiêu của ngành giáo dục
Tạo môi trường học tập an toàn cho học sinh là mục tiêu của ngành giáo dục

Luật hóa quy định về quyền được học tập trong môi trường an toàn

Theo đó, vấn đề đặt ra là Luật GD (sửa đổi) lần này cần có điều khoản quy định về “quyền được học tập trong môi trường an toàn” như một “tuyên ngôn” và cam kết về trách nhiệm của ngành GD nói chung, của nhà trường và các cơ sở GD nói riêng đối với gia đình, xã hội và người học.

Liên quan đến vấn đề này, nhóm nghiên cứu Trường ĐH Luật TPHCM cho biết: Thực trạng về bạo lực học đường (BLHĐ) đã làm cho cha mẹ, người giám hộ, người học, nhà trường, xã hội rất lo lắng và đặc biệt quan tâm.

Mặc dù ngày 17/7/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện phòng chống bạo lực học đường; nhưng hiệu quả thực thi còn hạn chế, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu gia đình, nhà trường và xã hội.

Người học cần phải được học tập trong một “môi trường an toàn” theo nghĩa rộng của nó, bao gồm các yếu tố liên quan đến hành vi của người dạy, người học, cơ sở vật chất và môi trường xã hội nơi có trụ sở của trường học và cơ sở GD.

Quy định liên quan đến xây dựng môi trường an toàn cho người học cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến. Theo đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Cụ thể: Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Dự thảo Luật đã bổ sung quyền của người học được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với nhà trường các giải pháp góp phần xây dựng nhà trường, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người học (Điều 82).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ, nghe báo cáo việc giải quyết các vấn đề liên quan đến BLHĐ
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ, nghe báo cáo việc giải quyết các vấn đề liên quan đến BLHĐ

Bộ GD&ĐT rốt ráo với các vấn đề bạo lực trong trường học

Trong tuần qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã có buổi làm việc với lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ để nghe báo cáo việc giải quyết các vấn đề liên quan đến BLHĐ gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Chính trị và công tác HSSV, thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã vào cuộc rất quyết liệt để giải quyết các vấn đề liên quan đến BLHĐ, đã làm việc với lãnh đạo Bộ LĐTBXH, Trung ương Đoàn để bàn các biện pháp bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực học đường, triển khai công tác phòng chống BLHĐ hiệu quả hơn trong thời gian tới, rà soát các nội dung công tác Đoàn Đội để triển khai tại các nhà trường được tốt hơn.

Thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn ngành quán triệt về công tác, yêu cầu, giải pháp, công tác đảm bảo an ninh trường học, phòng chống BLHĐ với sự tham dự của 64 điểm cầu trong cả nước.

Bộ GD&ĐT cũng sớm kí chương trình phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống BLHĐ cho thế hệ trẻ, lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt trong xã hội. 

Bộ trưởng sẽ sớm kí ban hành chỉ thị về triển khai các giải pháp phòng chống BLHĐ. Bộ cũng sẽ phối hợp thành lập tổ công tác liên ngành đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn trường học và phòng chống BLHĐ với các Bộ ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ LĐ, TB và XH, Bộ VH, TT và DL, Bộ TTTT và Trung ương Đoàn.

Cùng nội dung này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì cuộc họp bàn về các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì cuộc họp bàn về các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì cuộc họp bàn về các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.

Tại cuộc họp, hai bên thống nhất tiếp tục triển khai một số nội dung phối hợp như đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lí, công tác xã hội trong trường học, tăng cường giáo dục pháp luật cho GV và HS, đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tập huấn cho đội ngũ GV làm tổng phụ trách đội, bí thư đoàn về kĩ năng xử lí BLHĐ hay các vụ việc xảy ra ngoài trường học.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề xuất với Trung ương Đoàn tham gia tổ công tác liên ngành phòng chống BLHĐ với sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan. Chỉ đạo hệ thống các cơ quan báo chí của 2 ngành để truyền thông các tấm gương người tốt việc tốt và công tác chỉ đạo, xây dựng và đảm bảo môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, thân thiện, phòng ngừa, xử lí nghiêm BLHĐ.

Chỉ đạo các tổ chức Đoàn, Đội, GV nắm bắt tình hình, tiếp thu, chuyển tiếp kịp thời các tâm tư nguyện vọng của HS, SV đến lãnh đạo các nhà trường và các cấp để giải quyết. Phối hợp tổ chức biên tập, sản xuất các sản phẩm truyền thông về xây dựng và đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống xâm hại và phòng ngừa xử lí nghiêm BLHĐ.

Ngoài ra, cần tăng cường tổ chức các hội thảo, tập huấn cho các cán bộ Đoàn, Đội, GV chủ nhiệm về kĩ năng, sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em. Tăng cường tổ chức các diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp- phòng chống BLHĐ trong các cơ sở GD; truyền thông về những tấm gương HSSV, GV, giảng viên trẻ thông qua các hình thức trên mạng xã hội, trang facebook mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp.

Thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV, môi trường học tập an toàn cho HS được dư luận quan tâm ảnh 3
Bồi dưỡng và thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là quyền lợi của giáo viên 

Thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

5 năm trở lại đây, vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp được đông đảo giáo viên (GV), cán bộ QLGD và cả xã hội quan tâm. Bởi đây là một nội dung mới khi thực hiện Luật Viên chức, tác động đến nhà giáo ở tất cả cấp học. Nhưng hiểu cho đúng, cho đủ về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV, cho đến thời điểm này, vẫn là câu chuyện cần phải bàn.

Khi giảng dạy các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, câu mà tôi luôn hỏi GV là: Việc đi thi thăng hạng với các thầy cô có bắt buộc hay không?

Một số ít GV trả lời chắc chắn là không bắt buộc, phần lớn GV trả lời là không rõ lắm vì hầu như không biết đích xác, chỉ nghe người này, người kia nói rằng có thấy cơ quan quản lý bắt đi thi thì đi. Trong khi một số ít khẳng định rất chắc chắn việc thăng hạng là bắt buộc, không đi không được.

Theo bà Nguyễn Hương (Cục NG&CBQL), Thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên là không bắt buộc

Theo quy định GV các cấp học được xếp vào 3 hạng (I, II, III đối với GV THCS, THPT; II, III, IV đối với GV mầm non, tiểu học). Trong đó, sau khi được xếp vào hạng thấp nhất, GV sẽ có quá trình tích lũy các điều kiện (về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ) để đủ điều kiện tham dự thi hoặc xét thăng hạng lên hạng cao hơn liền kề. Việc thăng hạng bắt buộc phải được thực hiện thông qua một kỳ thi hoặc xét do cơ quan có thẩm quyền tổ chức quyết định.

Nếu một GV từ lúc vào nghề cho đến khi nhận quyết định nghỉ chế độ không tham gia thăng hạng và vẫn chỉ ở hạng thấp nhất cũng không sao, miễn là GV đó đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng hiện giữ và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, không vi phạm các quy định của ngành, thì họ vẫn được hưởng lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có) theo quy định.

Còn trong trường hợp, GV có nhu cầu thăng lên hạng cao hơn thì bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng mong muốn được bổ nhiệm vào. Để được thăng hạng, cá nhân GV phải có kế hoạch và lộ trình cho việc tích lũy các điều kiện, minh chứng, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ cần thiết cho kỳ thi hoặc xét thăng hạng do cấp có thẩm quyền quy định.

Điều này, nếu hiểu đúng bản chất thì việc thăng hạng vốn là một chính sách rất minh bạch và sòng phẳng. Bởi, việc thăng hạng không đơn thuần là giải quyết chế độ chính sách mặc dù trong thăng hạng có thể có tăng lương (tăng nhiều hay ít tùy thời điểm, nếu GV thăng hạng càng sớm thì càng có lợi về lương và ngược lại). Thăng hạng thể hiện sự phát triển chuyên môn, nghiệp vụ vị trí và đẳng cấp của GV trong phát triển nghề nghiệp.

Trong thiết kế về kết cấu hạng chức danh nghề nghiệp GV, hạng càng cao thì ngoài lợi ích được hưởng, GV sẽ phải cống hiến nhiều hơn, làm những việc khó hơn mà người ở hạng thấp không làm được hoặc không có cơ hội để làm. Như vậy, nếu GV muốn được hưởng lợi ích nhiều hơn về lương và khẳng định vị thế nghề nghiệp, họ bắt buộc phải nỗ lực cố gắng, tích lũy các minh chứng để đủ điều kiện thăng hạng, còn nếu không, họ chỉ cần đáp ứng đủ các điều, tiêu chuẩn của hạng đang giữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ