Hoàn thiện xây dựng bộ công cụ đánh giá sự phát triển trí tuệ của học sinh phổ thông

GD&TĐ - Theo các chuyên gia giáo dục, để đánh giá học sinh phổ thông đáp ứng yêu cầu về phát triển năng lực cá nhân theo tinh thần nghị quyết 29/NQ-TW thì cần làm rõ khái niệm trí tuệ và năng lực.

Cuộc họp Hội đồng tư vấn, đánh giá học sinh phổ thông theo hướng phát huy tiềm năng cá nhân theo Nghị quyết 29 của Đảng do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì vào sáng 27/4. Ảnh: Khôi Nguyên.
Cuộc họp Hội đồng tư vấn, đánh giá học sinh phổ thông theo hướng phát huy tiềm năng cá nhân theo Nghị quyết 29 của Đảng do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì vào sáng 27/4. Ảnh: Khôi Nguyên.

Tập trung đánh giá năng lực học sinh

Sáng 27/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ đã chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ Xây dựng bộ công cụ đánh giá sự phát triển trí tuệ của học sinh phổ thông đáp ứng yêu cầu phát huy tiềm năng của cá nhân theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Mã số đề tài: KHGD/16-20.ĐT.045. Tổ chức chủ trì là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; PGS.TS Trần Huy Hoàng làm Chủ nhiệm đề tài. 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT đã xây dựng gần 50 đề tài khoa học cấp quốc gia. Ông đánh giá cao sự nỗ lực của nhóm đề tài dù điều kiện dịch bệnh nhưng vẫn cố gắng hoàn thiện các công việc liên quan. Thứ trưởng cho rằng, đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực là một bài toán không dễ. Việc đánh giá theo hướng phát triển trí tuệ của học sinh trong bối cảnh mới khi thực hiện theo Nghị quyết 29/NQ-TW là rất cần thiết. Đề tài đã nêu rõ các mục tiêu cụ thể cùng những giải pháp thiết thực để hiện thực hóa mục tiêu. 

Đại diện cho nhóm nghiên cứu, PGS.TS Trần Huy Hoàng - chủ nhiệm đề tài cho biết, sự ra đời của Nghị quyết 29 khẳng định Đảng, Nhà nước và xã hội đang đòi hỏi ngành Giáo dục phải phát huy được tiềm năng của người học trên cơ sở thực hiện một chương trình giáo dục phát triển năng lực người học. Kết quả giáo dục phải được đánh giá dựa theo các tiêu chí tiên tiến trên thế giới. Để có thể phát huy được tiềm năng của người học, điều quan trọng là cần có những công cụ được xây dựng dựa theo thuyết đa trí tuệ. Tuy nhiên công cụ đánh giá trí tuệ hiện nay của nước ta còn nhiều bất cập.

PGS.TS Trần Huy Hoàng - Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại cuộc họp.
PGS.TS Trần Huy Hoàng - Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại cuộc họp. 

Vì không xây dựng khung đánh giá và tiêu chí đánh giá trí tuệ, dẫn đến khó kết nối được tiêu chỉ, chỉ số đánh giá trí tuệ thông minh, sáng tạo và cảm xúc với chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục hiện hành (năm 2006) và mức độ yêu cầu về năng lực qui định trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Mục tiêu cụ thể của đề tài là xây dựng khung đánh giá trí tuệ của học sinh phổ thông theo thuyết đa trí tuệ; xây dựng bộ công cụ mẫu để đo lường và đánh giá sự phát triển trí tuệ của học sinh phổ thông theo lý thuyết đa trí tuệ. Từ đó, đề xuất giải pháp sử dụng công cụ đánh giá trí tuệ để phát huy tiềm năng và phát triển năng lực của học sinh.

Về khung đánh giá trí tuệ học sinh, nhóm nghiên cứu tập trung vào 3 trí tuệ Phân tích, Sáng tạo và Thực hành trong thuyết Tam giác trí tuệ của Sternberg bởi vì: Thuyết của Sternberg góp phần quan trọng tạo nên khung các kỹ năng thế kỷ 21; Thực hiện đo lường đơn giản vì chỉ có 3 loại trí tuệ; Sternbreg đã chỉ rõ mỗi loại trí tuệ được thể hiện và được sử dụng trong các năng lực nào; đã mô hình hóa ‘trí tuệ’ của Sternberg bằng phương pháp nhân tố đa cấp; đã phát triển STAT-A và STAT-C đo lường khả năng trí tuệ cho mọi lứa tuổi. 

Vận dụng mô hình BEAR, nhóm nghiên cứu đã xây dựng đường phát triển trí tuệ và đường phát triển năng lực theo các bước: Mô hình hóa biến ẩn (xác định khái niệm và cấu trúc năng lực; phác thảo đường phát triển năng lực); Thiết kế câu hỏi/nhiệm vụ đo lường các mức độ phát triển đó; Thiết kế không gian kết quả thực hiện của học sinh; Mô hình hóa chỉ số năng lực của học sinh và điều chỉnh đường phát triển... 

Góp ý từ chuyên gia

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, ủy viên hội đồng phản biện cho hay, đây là một công trình nghiên cứu có quy mô và tác động lớn. Các khái niệm về trí thông minh, trí tuệ, năng lực có sự thay đổi. Các bộ công cụ để đánh giá trí tuệ, năng lực của học sinh cũng thay đổi. Trong bối cảnh hiện nay đang có nhiều đổi mới, cải cách về chương trình giáo dục phổ thông, điều này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của đo lường năng lực người học.

Các thành viên trong hội đồng tham gia góp ý với đề tài của nhóm nghiên cứu.
Các thành viên trong hội đồng tham gia góp ý với đề tài của nhóm nghiên cứu.

"Các bộ công cụ cần chuẩn hóa để giúp giáo viên đánh giá được đúng năng lực của học sinh theo chương trình giáo dục hiện hành. Đây là đề tài được nghiên cứu bài bản gồm các thành viên chuyên sâu về đánh giá khoa học giáo dục từ lý thuyết, công cụ đo lường trên thế giới và tại Việt Nam. Bộ công cụ này được thử nghiệm và có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Do đó, tôi đề xuất nghiệm thu đề tài này của nhóm nghiên cứu" - bà Bích Hiền nói. 

Đồng tình với những ý kiến góp ý của các thành viên phản biện khác, TS Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết: Ta đang gắn với đo lường trí tuệ và đo lường năng lực của học sinh. Tuy nhiên, ông Huy cũng đặt ra vấn đề liệu việc đánh giá năng lực thể chất của học sinh có được đề cập trong kết quả nghiên cứu hay không. Nhóm nghiên cứu cần tiếp tục làm rõ hơn điểm này trong quá trình phát triển đề tài. 

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh bày tỏ sự đồng tình với các góp ý trên. Ông nhấn mạnh, những nội dung về học thuật trong đề tài được đánh giá cao. Đây là một đề tài khó; cách tiếp cận về loại công cụ, khung công cụ trong đề tài là một điểm mạnh. Nhóm sử dụng kỹ thuật thống kê đạt yêu cầu. Nhóm chú trọng hướng tiêu điểm trong đề tài và có tính cập nhật. Nhóm đã chú ý về đặc trưng độ tuổi, năng lực ở từng nhóm tuổi, nhóm năng lực khác nhau của học sinh. Đồng thời, có định hướng rất rõ về sử dụng từng phần trong đề tài, kết quả đề tài có giá trị vì đóng góp cho ngành giáo dục, các vụ cục khác nhau...

Sau khi nghe báo cáo từ đại diện nhóm nghiên cứu cùng tất cả ý kiến phản biện, góp ý từ các thành viên trong hội đồng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu khi thực hiện đề tài này. Việc triển khai một đề tài khó, mang tính tổng thể và liên quan trực tiếp đến việc đánh giá học sinh phổ thông theo hướng phát triển năng lực cá nhân là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, với những gì đã thực hiện và kết quả bước đầu như vậy là rất đáng ghi nhận. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ