Tiêu chuẩn mới đánh giá học sinh trung học vì sự tiến bộ của người học

GD&TĐ - Đó là một điểm nhấn giáo dục tuần qua cùng với các nội dung công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, đợt 2; Tổng kết năm học 2020 – 2021 bậc Mầm non và Giáo dục thường xuyên.

Ảnh minh hoạ/INT
Ảnh minh hoạ/INT

Tiêu chuẩn mới để đánh giá học sinh trung học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT. Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 và thực hiện theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) đối với cấp trung học.

Cụ thể, từ năm học 2021-2022 áp dụng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đối với lớp 6. Từ năm học 2022-2023 áp dụng tiếp cho lớp 7 và lớp 10. Từ năm học 2023-2024 thực hiện tiếp nối việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đối với lớp 8 và lớp 11. Từ năm học 2024-2025 thực hiện đánh giá theo Thông tư này cho 2 lớp còn lại là lớp 9 và lớp 12.

Thông tư 22 thay thế cho hai Thông tư 58 và 26 quy định về đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT được ban hành trước đó.

Một số điểm mới của Thông tư nhận được ủng hộ lớn của dư luận xã hội.

Đánh giá vì sự tiến bộ của người học: Mục đích của việc đánh giá là xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong CT GDPT. Hoạt động này nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập; cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thông qua đó cũng có sự điều chỉnh hoạt động dạy học cho phù hợp.

Nhiều môn chỉ đánh giá bằng nhận xét: Thông tư 22 cho phép một số một chỉ thực hiện đánh giá bằng nhận xét. Cụ thể, các môn: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, kết quả học tập theo môn học chỉ được đánh giá bằng nhận xét theo một trong hai mức: Đạt, Chưa đạt.

Bỏ tính điểm trung bình tất cả các môn học: Thông tư 22 quy định, điểm trung bình học kì và năm học chỉ được tính của riêng cho từng môn học.

Thay vì xếp loại học lực Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém như Thông tư 58, thì Thông tư 22 vì đánh giá sự phát triển năng lực của người học theo yêu cầu cần đạt của chương trình, nên đánh giá kết quả học tập của người học theo 4 mức “Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt” đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số và 2 mức “Đạt, Chưa đạt” đối với môn chỉ đánh giá bằng nhận xét.

Việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh ở Thông tư 22 được đánh giá theo một trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt; thay vì xếp loại Hạnh kiểm: Tốt, khá, trung bình, yếu như Thông tư 58.

Ảnh minh hoạ/INT
Ảnh minh hoạ/INT

Côngbố điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 2

Tuần qua, 13 Hội đồng thi tốt nghiệp THPT đợt 2 đã công bố điểm thi. Thống kê cho thấy, môn Giáo dục Công dân vẫn dẫn đầu khi có số lượng điểm 10 quán quân. Trong khi đó, môn Văn là môn trong 9 môn thi của đợt này không có điểm 10.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có 3.989 thí sinh dự thi bài thi Khoa học Tự nhiên, 7.433 thí sinh dự thi bài thi Khoa học xã hội, 10.209 thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ, 11.283 thí sinh dự thi môn Ngữ văn và 11.304 thí sinh dự thi môn Toán.

Đợt 1, cả nước có 24.555 điểm 10 thi tốt nghiệp THPT, nhiều gấp hơn 4 lần so với năm 2020. Trong đó môn Giáo dục Công dân có 18.680 điểm 10, nhiều gấp 4,45 lần năm 2020 (năm 2020 có 4195 điểm 10 môn này).

Môn Ngoại ngữ có 4.582 điểm 10, nhiều gấp 13,9 lần năm 2020. Môn Toán có 52 điểm 10, môn Sinh học có 582 điểm 10 (gấp hơn 4 lần năm 2020), môn Hóa có 149 điểm 10, môn Vật lý có 14 điểm 10, môn Sử có 266 điểm 10, môn Địa lý có 277 và môn Ngữ văn có 3 điểm 10.

Trong đợt 2, thí sinh có điểm khối A cao nhất đạt 28,6 điểm; điểm khối B cao nhất đạt 29,75 điểm đồng thời là Á khoa khối B cả nước; điểm khối C cao nhất đạt 28,75 điểm; điểm khối D cao nhất đạt 28,5 điểm.

Ảnh minh hoạ/INT
Ảnh minh hoạ/INT

Tổng kết năm học 2020 – 2021 bậc Mầm non và GDTX

Trong 2 ngày (18 - 19/8), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non (GDMN) và Giáo dục thường xuyên (GDTX).

Năm học 2020-2021, toàn quốc có 15.480 nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, 21.236 điểm trường lẻ. So với năm học trước tăng 19 trường, giảm 2.724 điểm trường lẻ. Toàn quốc huy động 5.357.046 trẻ em mầm non đến cơ sở GDMN, tăng 50.725 trẻ so với năm học trước. Cuối năm học 2020-2021, tỉ lệ trẻ em được học 2 buổi/ngày đạt 99,2% (tăng 0,2%), tỉ lệ trẻ em mầm non được tổ chức ăn bán trú đạt 93,3% (tăng 0,3%). Đáng chú ý, tỉ lệ trẻ em ngoài công lập đạt 23,2%, tăng 1,1% so với năm học trước.

Hiện tổng số đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có 529.531 người. Bình quân 1,84 GV/lớp (tăng 0,02). Tỉ lệ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo Luật Giáo dục 2019 đạt 78,9% (tăng 5,2%).

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với Giáo dục mầm non, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Với bậc học mầm non, phải phấn đấu trẻ em tới lớp được yên vui, thầy cô công tác được yên tâm, cha mẹ gửi con được yên lòng”.

Với bậc học mầm non, theo Bộ trưởng có 4 quan điểm cần thống nhất: Trước hết, toàn xã hội, toàn ngành cần quan tâm hơn nữa, quan tâm một cách chính đáng, hiệu quả, thiết thực tới bậc học này. Chăm lo tới giáo dục mầm non chính là quan tâm phát triển toàn diện trẻ em, coi trọng yếu tố nhân cách và con người.

Cần tăng cường thêm các biện pháp, chính sách sao cho phù hợp; Cần tiếp tục ban hành chính sách, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên về cấp phép hoạt động với các nhóm trẻ.

Ngày 19/8, Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với Giáo dục thường xuyên, do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT. Gần 900 điểm cầu khác được nối tới 63 Sở GD&ĐT, các Phòng GDĐT và trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX).

Đánh giá kết quả sau một năm của GDTX, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận nỗ lực của các địa phương, cơ sở GDTX trong điều kiện dịch bệnh đã chủ động, linh hoạt thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành chương trình, đảm bảo chất lượng. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX căn cứ thực tế diễn biến dịch ở địa phương để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, đảm bảo an toàn và chất lượng trong năm học tới.

“Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên các tỉnh thành. Vì vậy, cơ sở GDTX cần chủ động xây dựng kịch bản tổ chức thực hiện chương trình. Ở cấp THCS, THPT, chúng ta dạy kiến thức cho học sinh nhưng đồng thời cũng giáo dục để hình thành nhân cách cho các em, nên cần phối hợp hài hoà giữa dạy trực tiếp và trực tuyến”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ