Thuận lợi và khó khăn lần đầu triển khai
Việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22 tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh Phú Thọ về cơ bản thuận lợi. Lý giải sự thuận lợi này, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, cho rằng: Thông tư 22 có kế thừa nhiều nội dung của Thông tư 26 đã thực hiện từ năm 2020. Cùng với đó, ngay từ đầu năm sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT đã tổ chức tập huấn, quán triệt rất kỹ tới cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng được chú trọng triển khai.
Trong quá trình triển khai thực hiện, sở/phòng GD&ĐT luôn chủ động nắm bắt tình hình và kịp thời giải đáp vướng mắc, khó khăn của giáo viên, các nhà trường… Tuy nhiên, đánh giá theo Thông tư 22 cũng có một số khó khăn, như: Kỹ năng đánh giá bằng nhận xét của một số giáo viên chưa tốt; giáo viên phải dạy nhiều lớp, nhiều học sinh nên đánh giá bằng nhận xét chưa cụ thể, chưa giúp đỡ được học sinh về phương pháp học tập…
Dạy Lịch sử và Địa lý lớp 6, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm, cô Lã Thị Hè, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) qua thực tiễn triển khai cũng cho biết giáo viên cần nhiều thời gian hơn để đánh giá theo quy định mới. Theo đó, thầy cô đánh giá học sinh thường xuyên qua từng bài học, tiết học, mỗi hoạt động, bài kiểm tra, vở viết hàng ngày của học sinh.
Với giáo viên dạy môn ít tiết, môn đặc thù, bình quân chỉ dạy 1 tiết/1 tuần, thời gian quan sát, tiếp xúc với học sinh không nhiều nên việc đánh giá chất lượng học sinh sẽ khó chính xác. Đa số phụ huynh còn nặng về thành tích qua điểm số thay vì đánh giá, nhận xét thành tích bằng lời nói. Một số giáo viên phải thực hiện đồng thời 2 Thông tư nên chưa quen.
Sau 1 học kỳ triển khai, thầy Đinh Tiến Hoàng, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn, Nghệ An ghi nhận nhiều ưu điểm của cách đánh giá theo Thông tư 22. Trước hết là đánh giá bằng nhận xét của giáo viên khách quan hơn, thầy cô phải thông qua xem xét cả quá trình học tập lâu dài của học sinh; ngoài ra, phải chọn lọc thông tin, tham khảo ý kiến của học sinh và phụ huynh qua bảng tự đánh giá của họ. Trong đánh giá thường xuyên quy định rõ về cách đánh giá, phương thức đánh giá, thúc đẩy học sinh chăm chỉ hơn trong quá trình học tập.
Quy định khen thưởng học sinh tiên tiến không còn, thay vào đó chỉ có danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, đòi hỏi các em phải nỗ lực hơn trong quá trình học tập, góp phần gia tăng động lực cho học sinh. Thông tư nhân văn hơn khi có quy định về trường hợp học sinh được miễn các học phần thực hành môn Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng An ninh; hay những quy định hỗ trợ các học sinh khuyết tật, động viên và hỗ trợ được các em trong quá trình học tập…
Mặc dù vậy, lần đầu triển khai không tránh khỏi có khó khăn, nhất là liên quan đến đánh giá bằng nhận xét. “Việc có yếu tố chủ quan khi đánh giá bằng nhận xét của giáo viên là khó tránh khỏi. Vì vậy, cần phải đưa ra được các phương án dứt điểm hơn để có thể hạn chế đến mức tối đa vấn đề này” - thầy Đinh Tiến Hoàng chia sẻ.
Đánh giá “tốt, khá…”, thay vì “giỏi, trung bình…”
Một trong những điểm mới của Thông tư 22 là không còn phân loại học sinh theo 4 mức: Giỏi, trung bình, yếu, kém; mà kết quả học tập của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Chia sẻ của thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ái Mộ, quận Long Biên, Hà Nội: Triển khai Thông tư 22 để đánh giá đối với học sinh lớp 6 được thực hiện thuận lợi. Dù là lần đầu tiên đánh giá học sinh theo Thông tư mới nhưng không nảy sinh vướng mắc. Kết quả học sinh đạt mức Tốt cao hơn so với đạt học lực giỏi theo đánh giá của Thông tư 26, mặc dù các quy định về yếu tố phát triển năng lực được quy định rõ ràng hơn trong Thông tư 22.
Lý giải điều này, thầy Sơn cho rằng: Việc đánh giá học tập của học sinh, ngoài bằng điểm số còn thông qua sản phẩm học tập, qua dự án nên các em có nhiều cơ hội để phát triển năng lực; vì vậy tỷ lệ học sinh đạt mức Tốt cũng tăng lên. Bên cạnh đó, quy định mới khắt khe và đòi hỏi cao hơn so với yêu cầu về “học sinh giỏi” như Thông tư 26, nhưng lại có nhiều hướng mở trong đánh giá thường xuyên. Học sinh được kiểm tra nhiều lần, đa dạng hóa hình thức kiểm tra, nên có cơ hội để phấn đấu cải thiện điểm số nếu còn thấp.
Cô Lã Thị Hè cũng cho biết: Số học sinh đạt mức Tốt ở trường nhiều lên so với học sinh đạt học lực giỏi theo đánh giá của Thông tư 26 trước đây. Quy định mới không cộng điểm trung bình tất cả các môn học để cho ra một mức điểm xếp loại học lực như trước. Ngoài các môn nhận xét xếp Đạt, để đạt danh hiệu học sinh giỏi cần có ít nhất 6/8 môn học có điểm trung bình từ 6,5 điểm trở lên, chỉ 2 môn được phép ở ngưỡng từ 5 đến dưới 6,5. Như vậy, tất cả môn đều bình đẳng như nhau, học sinh được đánh giá toàn diện hơn; đồng thời giúp các em phát triển và được ghi nhận mọi năng khiếu, năng lực của mình.
Trong khi đó, thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập, hiện nay chưa có số liệu thống kê đầy đủ toàn tỉnh Phú Thọ trong học kỳ I; tuy nhiên qua nắm bắt, số học sinh đạt mức Tốt sẽ gần tương tương với số học sinh đạt loại giỏi theo các đánh giá cũ. Để tiếp tục triển khai tốt Thông tư 22, sở GD&ĐT sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình sau một học kỳ triển khai. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện ở các trường THCS, tổ chức sinh hoạt chuyên môn; tiếp tục tập huấn để giải đáp khó khăn vướng mắc và nâng cao năng lực đánh giá cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
Thông tư 22 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2021 và thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6; từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 9 và lớp 12.