Cuộc họp diễn ra chiều 17/2. Đề tài “Đánh giá học sinh tiểu học theo tiếp cận năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông” do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được giao chủ trì thực hiện, GS.TS Nguyễn Công Khanh làm chủ nhiệm đề tài.
Đề tài được thực hiện trong thời gian 36 tháng, từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2020. Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được công bố qua 15 bài báo, cụ thể gồm: 4 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/SCOPUS (Q2-Q1); 9 bài báo trên các tạp chí trong nước uy tín thuộc danh mục Hội đồng đồng Giáo sư nhà nước; 2 bài đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc tế (vượt xa yêu cầu theo thuyết minh: chỉ là 6 bài báo, trong đó có 1 bài quốc tế SCOPUS).
Trong quá trình nghiên cứu, Đề tài đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu. Cụ thể, đề tài đã đào tạo 2 học viên thạc sĩ ngành Giáo dục đặc biệt và Giáo dục và Phát triển Cộng đồng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (vượt 1 so với đăng ký). Hỗ trợ đào tạo được 2 nghiên cứu sinh và cả hai đều đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2020-2021.
Đề tài đã có những đóng góp quan trọng về khoa học như: Làm rõ cơ sở khoa học về giáo dục theo tiếp cận năng lực, đánh giá sự phát triển năng lực và phẩm chất của người học/học sinh nói chung, học sinh tiểu học nói riêng. Xây dựng được 9 khung chuẩn đánh giá phẩm chất chủ yếu, năng lực chung, năng lực đặc thù theo 3 cấp độ (tiêu chí, chỉ báo, biểu hiện hành vi cụ thể) của từng phẩm chất, từng năng lực chung, từng năng lực đặc thù của HS tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đề tài cũng xây dựng được 21 công cụ mẫu (các thang đo, trắc nghiệm, bảng kiểm) đánh giá các năng lực chung, phẩm chất chủ yếu dùng cho các đối tượng giáo viên, cha mẹ đánh giá học sinh và học sinh tự đánh giá. Trong đó có 2 công cụ được các nhà nghiên cứu nước ngoài xin phép được thích nghi hóa, chuyển ngữ để dùng đánh giá học sinh tiểu học tại nước họ.
Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp bức tranh thực trạng về đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22, làm cơ sở để cùng Vụ Giáo dục tiểu học xây dựng Thông tư 27 về đánh giá học sinh tiểu học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đề tài cũng đã đề xuất được các khung chuẩn đánh giá, các thang đo, các trắc nghiệm có tính chuẩn hóa dùng để đánh giá học sinh tiểu học ở Việt Nam. Do đó sẽ góp phần đánh giá được sự phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học ở Việt Nam một cách đáng tin cậy cho giáo viên, phụ huynh và chính các em học sinh. Đồng thời viết được Tài liệu Hướng dẫn đánh giá sự phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh tiểu học.
Với cơ sở lý luận vững chắc, giàu tính thực tiễn, có đóng góp to lớn cho hoạt động giáo dục, nhiệm vụ nghiên cứu “Đánh giá học sinh tiểu học theo tiếp cận năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông” đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét tích cực của các thành viên Hội đồng.
Trong điều kiện thực hiện đề tài có nhiều khó khăn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, kết quả nghiên cứu đã khẳng định tính nghiêm túc, công phu, chuyên nghiệp và công sức của các thầy cô trong nhóm. Nhận định cụ thể hơn, theo Thứ trưởng, đề tài có cơ sở lý luận tốt; các bộ công cụ nghiên cứu rất công phu để ra sản phầm; số liệu, kết quả nghiên cứu được cập nhật đủ lớn; chọn mẫu, đánh giá thực trạng có độ tin cậy cao; các khái niệm, định nghĩa rõ ràng; cách lập luận, khoa học sắc bén…
Bên cạnh những kết quả tốt, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ - Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng cũng đã chỉ ra những nội dung, chi tiết cần lưu ý, chỉnh sửa, bổ sung, khắc phục để hoàn thiện đề tài. Với sự thống nhất cao, các thành viên Hội đồng thống nhất nhiệm vụ đạt loại xuất sắc - đây là một trong số ít đề tài khoa học giáo dục cấp nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục phổ thông được xếp loại này.