Rời ghế nhà trường, những bông hoa rừng “nở” vội, để rồi “gánh” trên đôi vai gầy những trọng trách lớn lao…
Lối rẽ không trải hoa hồng
“Nghỉ hè vừa rồi bản lại thêm 2 cháu mới học hết lớp 10 có thai. Chưa biết các gia đình tính sao. Nhưng cứ như những trường hợp trước đây thì lại nghỉ học rồi về ở với nhau, đợi đủ tuổi là cưới thôi. Chẳng biết làm sao được nữa!”, bà Lường Thị Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Nậm Mu, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, than thở.
Là bản nằm ngay gần trung tâm, song Nậm Mu lại nhức nhối nhất xã về tình trạng tảo hôn. Nhẩm đếm sơ bộ, bà Nhân cho biết hiện bản có tới 7 - 8 cháu dưới 18 tuổi đã sinh con, làm mẹ. Đa phần trong đó là nữ sinh đang học dở chương trình lớp 7, 8. Một số trường hợp thậm chí sắp hoàn thành 12 năm đèn sách.
Minh chứng cho những trăn trở của mình, bà Nhân dẫn chúng tôi đến thăm nhà em Lò Thị Dung (17 tuổi). Bất ngờ khi đón khách lạ, Dung tỏ ra khá bối rối. Trước mắt chúng tôi là một cô bé với vẻ mặt non nớt, thân hình nhỏ thó, xanh xao, bồng trên tay cậu bé chừng 3 tuổi.
“Đây là con đầu lòng của em. Em sinh cháu khi đang học lớp 8. Chồng em ở cùng bản, hơn em 9 tuổi. Khi mới nghe em báo tin có bầu, bố mẹ buồn và ngăn cản. Nhưng sự việc đã thế rồi nên đành đồng ý thôi. Thầy cô có vận động em đi học tiếp, nhưng vì ngại với bạn bè và phải lo cuộc sống nên em quyết định nghỉ luôn”, Dung giãi bày.
Hiện huyện Tuần Giáo đang duy trì mô hình câu lạc bộ trẻ em gái ở 4 trường học vùng khó. |
Cách đó không xa là ngôi nhà lụp xụp của vợ chồng Cà Thị Phúc (SN 1997). Đây là “chốn nương thân” được bố mẹ cho, chứ theo Phúc chia sẻ thì vợ chồng em không ai có việc làm ổn định. Chạy bữa ăn hàng ngày còn khó, nói gì đến việc có tiền tích góp. Ngôi nhà sàn bằng gỗ được vợ chồng Phúc ốp thêm vài tấm ván dưới gầm sàn để tận dụng không gian sinh hoạt.
Phúc tâm sự, em lấy chồng khi đang học dở lớp 11 do chót “đi quá giới hạn” với bạn trai và mang bầu. Suốt nhiều năm qua, vì mải chắt chiu, vun vén cho gia đình và chăm sóc những đứa trẻ, em chẳng có nhiều thời gian suy nghĩ. Song cũng không ít lần Phúc phải hối tiếc về quyết định của mình.
Theo chia sẻ của bà Cà Thị Sẹn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Rạng Đông thì những năm gần đây, tình trạng tảo hôn tại địa phương này lại có xu hướng gia tăng. Thậm chí một số trường hợp ghi nhận ở lứa tuổi 14, 15. Trừ bản Rạng Đông, còn lại 6/7 bản trong xã đều ghi nhận có học sinh nghỉ học lấy chồng, sinh con khi chưa đủ tuổi.
Thống kê của UBND huyện Tuần Giáo cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2020, địa phương này ghi nhận hơn 5.400 học sinh từ cấp Tiểu học đến Đại học bỏ học, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có gần 84% bậc THPT, trên 13% THCS. Phần đa trong đó là tại các xã vùng II, III thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Lò Thị Phúc trò chuyện cùng chị em phụ nữ xã. |
Oằn mình “gánh” cuộc đời
Lập gia đình quá sớm, liên tiếp sinh 2 con nhỏ, lại ở riêng nên Phúc hiểu rõ những vất vả, cơ cực khi chọn sai “lối rẽ”. Lúc chúng tôi tới, em đang cố gắng dỗ dành đứa nhỏ bị bỏng nước. Tiếng gào khóc của con trẻ càng làm ngôi nhà thêm chật hẹp, nóng bức.
“Khó khăn nhất là năm 2019, khi chúng em phải gánh thêm khoản nợ do vay mượn để dựng mái nhà tạm cho con có cái chui ra, chui vào. Chồng em phải đi làm thuê. Em ở nhà cứ quẩn quanh với điệp khúc vay tiền, vay gạo, chồng gửi được đồng nào về lại mang đi trả nợ hết”, Phúc trải lòng.
Theo Phúc tâm sự, sau khi sinh cháu đầu, phải vật lộn với quá trình nuôi con, em mới thực sự hiểu thế nào là cuộc sống gia đình. Có quá nhiều nỗi lo. Trong khi vợ chồng không có việc làm ổn định, mấy miệng ăn trông chờ cả vào mảnh ruộng nhỏ.
Nhiều khi đi làm về mệt mỏi, áp lực, 2 vợ chồng Phúc lại cáu kỉnh, cãi nhau. Những lúc ấy, không hiểu sao Phúc chỉ nhớ về tháng ngày còn được đi học, hồn nhiên vô tư. Rồi nhìn sang bạn bè, người chưa kết hôn tự do “bay nhảy”, có người lại được đi khắp nơi, làm cán bộ, công nhân nhà máy… Phúc chạnh lòng!
“Càng nghĩ, em càng tự trách mình sao không suy nghĩ kỹ, lấy chồng sớm thế để giờ vất vả. Nhưng rồi, sau cùng lại vì con mà tiếp tục cố gắng làm lụng, vun đắp. Chỉ mong đời con sau này bớt khổ”, Phúc tâm sự.
Éo le hơn Phúc, vì mang thai ở tuổi 14 nên sau sinh sức khỏe của Dung giảm sút nghiêm trọng. Con em cũng bị suy dinh dưỡng, thường xuyên ốm đau và 2 lần phải nhập viện. Thể trạng yếu nên đa phần Dung chỉ ở nhà, làm các việc nhẹ nhàng. Em không tự chăm sóc tốt cho con được, mỗi lần cháu ốm đau đều phải nhờ bà ngoại giúp.
Ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, thay vì đến trường, vui chơi cùng bạn bè, giờ Dung dành toàn thời gian và sự quan tâm cho con nhỏ. Nhìn đứa con tròn 3 tuổi mới ú ớ phát âm được vài tiếng, Dung không khỏi lo lắng. “Cháu mới chỉ nói được một số từ đơn thôi. Em sợ con chậm nói, nên cứ nói chuyện với con nhiều hơn chứ cũng chưa có điều kiện đi khám xem thế nào”, Dung bộc bạch.
Gây dựng “hạt nhân” đồng cảm
Sinh ra và lớn lên cùng địa bàn nên hàng ngày, cô bé Cà Thị Hiền, lớp 9A2, Trường THCS Rạng Đông chứng kiến nhiều hoàn cảnh tương tự. Thấu hiểu nỗi khổ của những người chị, song chính Hiền cũng từng chia sẻ em không đủ tự tin là mình sẽ tránh được “vết xe đổ”.
Năm 2020, THCS Rạng Đông là 1 trong 4 ngôi trường của huyện Tuần Giáo lựa chọn triển khai Dự án MOFA, do Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ. Hiền (khi đó học lớp 7) may mắn được lựa chọn là 40 nữ sinh toàn trường tham gia dự án. Đây chính là cơ hội làm thay đổi cuộc đời nữ sinh, bắt đầu từ những chuyển biến tích cực trong nhận thức.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Ta Ma tham gia sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em gái. |
Theo thầy Phạm Tiến Dũng, Tổng phụ trách Đội chia sẻ, thì dự án triển khai thành lập các câu lạc bộ trẻ em gái. Tại đây, các em sẽ được học tập, rèn luyện nhiều kỹ năng sống cơ bản. Trọng tâm là nâng cao nhận thức, hiểu biết để tự bảo vệ bản thân trước các tác đồng xấu, như: Bạo lực, mua bán người, tảo hôn, sử dụng mạng xã hội…
“Hiền và đa phần trẻ trước khi tham gia câu lạc bộ đều có điểm yếu chung là hạn chế trong giao tiếp, nhút nhát, thiếu kiến thức, kỹ năng. Đặc biệt là chưa hiểu và biết cách bảo vệ bản thân trước vấn nạn tảo hôn. Thế nhưng, hiện giờ các em đều tự tin hơn rất nhiều. 100% có thể thuyết trình trước đám đông và trở thành những hạt nhân tích cực trong hoạt động truyền thông về các vấn đề liên quan tại trường, cũng như địa bàn dân cư”, thầy Dũng chia sẻ.
Cũng như Hiền, Giàng Thị Phương (lớp 9A2, Trường PTDTBT THCS Ta Ma) không chỉ tích cực ở trường mà hiện đang trở thành “tuyên truyền viên” dân số tại bản Háng Sua – nơi em sinh sống. Hiền cho hay, mỗi tháng một lần, em và các bạn trong CLB được tham gia sinh hoạt định kỳ. Tại đây, các em thoải mái chia sẻ những câu chuyện mình chứng kiến thường ngày hoặc vướng mắc của chính bản thân. Đồng thời, lắng nghe những lời khuyên, kinh nghiệm bổ ích để giải quyết các vấn đề.
“Từ kiến thức tiếp thu được qua những buổi sinh hoạt như thế, em thấy mình hiểu biết và tự tin hơn nhiều. Lớp em có 3 thành viên trong CLB, sau mỗi lần tiếp thu, chúng em về lại chia sẻ cùng bạn bè trong lớp, trong bản. Không chỉ là kiến thức, em mong muốn sẽ truyền được cảm hứng, lý tưởng học tập. Để các bạn cùng nhau phấn đấu, rèn luyện”, Phương tâm sự.
Theo thầy Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Ta Ma - Phan Văn Đạt thì hoạt động của câu lạc bộ không chỉ ý nghĩa mà rất phù hợp với thực tế nhà trường. Bởi lẽ, mặc dù số học sinh ở nội trú tại trường đông, đặc biệt học sinh nữ (188 em), song nhà trường lại chỉ có 3/28 giáo viên nữ.
“Với đa phần các em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã rất nhút nhát. Lại thêm việc các em ngại tâm sự, chia sẻ với thầy giáo, đặc biệt là những chuyện tế nhị nên khoảng cách giữa thầy và trò lớn. Hoạt động truyền thông cũng không hiệu quả. Nhưng khi tham gia câu lạc bộ, chính các em tự hiểu, rồi chia sẻ với nhau, vận động nhau lại thuận lợi hơn rất nhiều”, thầy Đạt bộc bạch.
Thành viên tham gia câu lạc bộ đều được nhà trường xây dựng thành các “hạt nhân” tuyên truyền của nhà trường và cơ sở. Số lượng “hạt nhân” tại các lớp tùy thuộc vào thực tế. Các khối 6, 7 thường chỉ duy trì từ 2 – 3 em, khối 8 và 9 có thể lên tới 5 em. “Do ở các lớp lớn thì nguy cơ càng nhiều hơn nên số lượng tuyên truyền viên cũng phải tăng cường”, thầy Đạt lý giải.
Cũng theo chia sẻ này của thầy Đạt thì năm học vừa qua, trường ghi nhận 2 học sinh đang học dở lớp 8 có ý định bỏ học lấy chồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần vận động, tuyên truyền, đặc biệt là những chia sẻ, đồng cảm của các bạn trong CLB thì cả 2 học sinh đều đã trở lại trường, tiếp tục con đường học tập.
“Việc thay đổi thể hiện trên con số thì không thể nhìn thấy trong một sớm một chiều. Nhất là ở địa phương vẫn còn nhiều rào cản từ phong tục, tập quán, tư duy. Tuy nhiên, quan trọng nhất là dù trong hoàn cảnh nào thì việc ưu tiên vẫn phải là học. Và ở đây, chúng tôi đang nỗ lực để con đường học tập của các em không bị gián đoạn vì những lối rẽ sai lầm…”, thầy Đạt tâm sự.
Những năm gần đây, các hoạt động truyền thông phòng chống tảo hôn, bỏ học giữa chừng được ngành chỉ đạo các đơn vị nhà trường triển khai đồng bộ và đa dạng hình thức. Trong đó, việc xây dựng các CLB trẻ em gái đang mang lại những hiệu quả bước đầu. Thông qua đó để tìm kiếm hạt nhân, gây dựng chính các em trở thành những tuyên truyền viên hiệu quả nhất. Thời gian tới, ngành sẽ có đánh giá và tiếp tục mở rộng mô hình ở các trường học. - Ông Đỗ Văn Sơn (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo)