Lời ru buồn của những đứa trẻ nghỉ học để bắt vợ, bắt chồng

GD&TĐ - Lời ru buồn vẫn còn dai dẳng qua từng mùa rẫy trong những ngôi làng nhỏ bên triền đồi ở huyện miền núi vùng cao Phước Sơn, Quảng Nam. Nhiều em đã phải bỏ học để làm cha mẹ khi mới bước vào tuổi trăng rằm…

Ngoài giờ học tập trên lớp, thầy và trò Trường Phổ thông DTNT huyện Phước Sơn còn tăng gia, sản xuất để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Ảnh: TG
Ngoài giờ học tập trên lớp, thầy và trò Trường Phổ thông DTNT huyện Phước Sơn còn tăng gia, sản xuất để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Ảnh: TG

Lan man câu chuyện học hành…

Phước Sơn là huyện miền núi vùng cao nằm về phía Tây tỉnh Quảng Nam. Đây là nơi sinh sống của người Bhnoong, phân tán bên những sườn đồi, lẩn khuất trong những cánh rừng xanh. Tháng 9, khi học sinh chộn rộn chuẩn bị bước vào khai giảng năm học 2021 - 2022, cũng là lúc chính quyền huyện Phước Sơn hoàn thiện báo cáo về số lượng các em tảo hôn, bỏ học lấy chồng, sinh con sau kỳ nghỉ hè và dịch Covid-19.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn, ít nhất đã có 25 học sinh nghỉ học sau kì nghỉ hè và dịch Covid-19. Cô giáo Phạm Thị Thứ, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Phần lớn các em nghỉ học là nữ sinh. Khi nhà trường xuống các xã, thôn bản kiểm tra thì được biết, các em có tình cảm với nhau, theo nhau về nhà sống như vợ chồng, một số em đã sinh con”. Điều khiến nhà trường lo lắng là trong số các em nghỉ học, có nhiều học sinh lớp 10, 11, 12.

“Vừa rồi thi cuối cấp có vài em không dự thi, trong đó có 4 em lấy chồng. Trong đó, em Hồ Thị Hờ, xã Phước Kim sinh con được bốn tuần, em Hồ Thị Si ở xã Phước Chánh sinh con được hai tuần… Giờ chỉ muốn vận động các em đi thi cho hết chương trình nhưng xem ra rất khó”, giọng cô Thứ xót xa. Những con số nhẩm tính từ cô Thứ như mỗi lúc càng dài ra. Ngoài những em nghỉ học lập gia đình như kể trên, một số em nghỉ học đi làm ăn xa.

Phòng GD&ĐT huyện cũng đã cho rà soát và phát hiện 17 học sinh THCS cũng đã nghỉ học lấy chồng từ sau kỳ nghỉ hè, trong đó có 12 nữ sinh lớp 8 và 5 học sinh nam lớp 9.

“Các thầy cô về tận các xã, bản làng, nhà để tìm hiểu thì được biết sau Tết khoảng một, hai tháng, các em đã được gia đình bắt vợ, bắt chồng về ở với nhau theo tập tục địa phương chứ không tiến hành cưới hỏi”, thầy Trần Đình Lâm, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phước Sơn cho biết.

Đông đảo bà con nhân dân xã Phước Kim đến dự lễ nhận bàn giao nhà do các doanh nghiệp trên địa bàn huyện bàn giao nhà sau đợt lũ cuối tháng 9/2020.
Đông đảo bà con nhân dân xã Phước Kim đến dự lễ nhận bàn giao nhà do các doanh nghiệp trên địa bàn huyện bàn giao nhà sau đợt lũ cuối tháng 9/2020.

Những gam màu tối…

Những khóm nhà quần tụ giữa thung lũng của xã vùng cao Phước Kim là nơi ở của cả ba thế hệ gia đình Hồ Thị Hờ. Ngồi ở bậc tam cấp trên căn nhà sàn của người cô, Hờ - năm nay 16 tuổi - loay hoay cho đứa con 4 tháng tuổi bú. Chồng Hờ đi rẫy với cha mẹ vợ.

Từ ra Tết đến nay, Hờ nghỉ học ở nhà sinh và chăm con. 11 năm theo con chữ, nay dễ chừng phải bỏ dở không lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT chỉ vì bìu ríu con cái. Nhà chồng Hờ ở cùng xã, nhưng khác bản làng, cách đó 7 cây số đường núi. Hai em cùng tuổi, quen nhau từ năm lớp 10. “Bọn em chỉ quen nhau sau thời gian học ở trường, sau đó vào lớp 11 thì yêu”, Hờ kể.

Nhà Hờ thuộc hàng khá giả ở Bản Nước Kiết. Bản nằm gần trung tâm xã Phước Kim. Dưới mái nhà sàn của ông nội Hờ, 4 cái đầu trâu đã khô, bồ hóng dính đầy, chỉ còn cặp sừng dính vào sọ được sắp ngay ngắn theo thứ tự bên trên cửa vào, cạnh đó là một dãy ché đựng rượu cần.

Bốn lần nhà tổ chức đâm trâu, ít ai trong bản vùng cao nghèo này có điều kiện làm được, mỗi lần tốn trên dưới cả trăm triệu đồng. Cũng như tục đâm trâu, việc con cháu có con sớm đối với người dân ở đây là bình thường. Và ngày mai tụi trẻ con sẽ ra sao, họ không cần nghĩ đến. Đâm trâu xong lại nghèo đói. Sinh con sớm rồi quăng quất đời mình vào lưng chừng ngọn núi, không đi qua nó mà cũng không trèo xuống được.

“Có con sớm vậy sợ không?”, tôi hỏi. “Sợ lắm”, Hờ đáp. “Vậy sao mà em lại có?”. “Em không biết nữa, hai đứa thích nhau, rồi vậy!”. “Bố mâm (cha mẹ) có nói gì không?”. “Không nói gì”. “Ở trường thầy cô cũng dạy mình về giới tính, về cách tránh không có con, sao không làm theo?”. “Em cũng không biết nữa”. “Đã biết chăm con nhiều chưa?”. “Mâm cũng bày nhiều, biết rồi”. “Rồi lấy tiền đâu nuôi con?”. “Em không biết nữa, mâm cho. Chồng em cũng nói mày đi học tiếp rồi thi tốt nghiệp THPT đi, tao ở nhà trông con cho, nhưng em không thích”, Hờ vừa nói vừa bập bập tay dỗ con như cách của một người chị vụng về.

Ông Hồ Văn Tròn, Chủ tịch UBND xã Phước Kim cho biết, toàn xã 975 hộ dân thì có 60% hộ nghèo; phần lớn kinh tế phụ thuộc vào trồng cây keo, nền nông nghiệp nương rẫy. Kinh tế còn khó khăn, tập tục còn nặng nề nên xã thường xuyên phối hợp với các ban ngành, nhà trường để nắm tâm tư của học sinh. Tuy nhiên, khi phát hiện thì các em đã theo nhau về nhà ở hoặc có con.

Như đầu năm học này, trên địa bàn xã có 9 trường hợp nghỉ học lập gia đình. Biết các em yêu nhau như thế, nhưng xã chỉ vận động nhẹ nhàng chứ không căng thẳng quá vì lo các em ức chế, sinh ra suy nghĩ cực đoan, thậm chí đòi tự tử. Như câu chuyện của em Hồ Văn Xây ở thôn Trà Ven A bên cạnh. Xây mới 17 tuổi, bỏ học từ năm lớp 10 để lấy vợ cùng tuổi tên Xàm.

Bố Xàm, anh Hồ Văn Xây kể: “Hai đứa nó về ở với nhau cách đây hai năm rồi, bị hư thai đến nay chưa có lại. Năm lớp 10, Xàm bỏ học theo chồng, mình cũng ngăn cản nhưng nó dọa tự tử nên chịu. Mình dọa ngược nó, con mà bỏ học lấy chồng thì bố chết cho coi, nó bảo bố chết trước con chết theo, nên chịu”. Cả nhà xúm lại làm một căn nhà gỗ nhỏ bên cạnh cho vợ chồng Xàm ở. Bây giờ hằng ngày hai vợ chồng đi chăn bò    nhà nuôi.

Hằng ngày, Xây lưng cõng con, ngược dốc theo bố chăm mấy héc-ta keo sau dãy đồi. “Một héc-ta keo khoảng 4 - 5 năm bán được khoảng 15 - 20 triệu đồng, chừng đấy con người, khó khăn lắm”. Ông Tròn nói và nhẩm đếm từ năm 2017 đến nay chỉ có 1 - 2 cặp vợ chồng học trò còn giữ cuộc sống hôn nhân, còn lại do khó khăn nên vứt con lại cho cha mẹ rồi đường ai nấy đi.

Lối thoát nào?

Đi tìm một lối thoát khỏi những hủ tục, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT huyện Phước Sơn cho biết, nhà trường cũng đã tiến hành rất nhiều chương trình tuyên truyền cho các em như sinh hoạt chào cờ đầu tuần; thành lập câu lạc bộ pháp luật, tập trung chủ đề hôn nhân gia đình, bạo lực học đường để phổ biến cho các em. “Nhà trường cũng liên lạc với các xã, gia đình, Đoàn Thanh niên để nắm hoàn cảnh và đến vận động khi các em bỏ học… Tuy nhiên, khả năng tự học của các em rất ít. Các em lại có hoàn cảnh khó khăn, đi học không thường xuyên nên suy nghĩ cũng còn nông cạn”, cô Thứ nói.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo xã Phước Kim, từ ông Hoàng Đình Ba, Bí thư Đảng ủy đến ông Hồ Văn Tròn, Chủ tịch xã đều cho hay, hình thức tuyên truyền, vận động thì địa phương không thiếu. Các cơ quan đoàn thể của xã luôn phối hợp với Trường Phổ thông DTNT huyện hoặc các trường THCS của xã để theo dõi, nắm bắt tâm tư của các cháu, nhưng vì các cháu học tập trung dễ quen nhau, lại sử dụng điện thoại nên khó biết hết được.

Cũng theo ông Tròn: “Các cháu tảo hôn sẽ không được tổ chức đám cưới, học sinh thích nhau thì cứ theo nhau về nhà chung sống. Các cấp, ngành cũng đã bàn đến chuyện dùng biện pháp mạnh để răn đe là khởi tố người đàn ông kết hôn với các bé gái chưa đủ tuổi thành niên, nhưng khó khăn ở chỗ không có ai đứng ra tố cáo, tố giác. Chỉ có con của cán bộ đảng viên mình mới xử lý được. Như trường hợp của con công an viên xã Phước Chánh cách đây mấy năm sống với vợ chưa đủ tuổi, nên xã cảnh cáo về mặt Đảng và cho nghỉ việc”.

Có lẽ, để ngăn nạn nghỉ học, tảo hôn thì khai dân trí vẫn là biện pháp tiên quyết cho mọi nỗ lực, đồng thời sinh kế của người dân cũng phải được ưu tiên. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ