Đơn xin “lấy chồng” của cô giáo cắm bản

GD&TĐ - Khi mái đầu đã điểm bạc, cô Hoa thấy mình xứng đáng có một gia đình, một tổ ấm. Ở đó có một người chồng và những đứa con để vỗ về yêu thương, chia sẻ vui buồn.

Mỗi điểm trường mầm non ở các bản của xã Pá Mỳ đều là lớp ghép từ 3 - 4 trình độ.
Mỗi điểm trường mầm non ở các bản của xã Pá Mỳ đều là lớp ghép từ 3 - 4 trình độ.

Tháng 7 vừa rồi, cô Hoa đã nắn nót từng chữ, viết lá đơn gửi lên phòng GD&ĐT xin được chuyển vùng. Cô Hoa mong rằng làm vậy để tạo cơ hội tìm thấy “một nửa còn lại” dù là rất nhỏ.

Thanh xuân trôi qua cùng giáo án…

Tháng 10, tiết trời ở huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã dần chuyển sang đông. Những cơn mưa cuối mùa vẫn dồn dập đổ về. Trong bữa cơm chiều đạm bạc với giáo viên các trường học ở xã Pá Mỳ, cô Hoa vẫn nói cười vui vẻ. Đằng sau tiếng nói mạnh mẽ đó là nét mặt ưu tư. 

“Em công tác ở đây gần 12 năm rồi. Cũng chẳng bao giờ để ý cụ thể từ trung tâm xã đi đến điểm bản của em là bao nhiêu km. Chỉ biết là nếu đi xe máy, đường thuận lợi, di chuyển nhanh thì mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Thế còn nếu mưa như thế này, trơn trượt, phải đi bộ thì phải đi từ 5 - 6 giờ sáng, cứ đi đến khoảng 10 giờ trưa thì tới điểm trường”, cô Hoa chia sẻ.

Cô Hoa sinh năm 1986, năm nay đã 34 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Trung ương, năm 2009, cô Hoa cùng bạn bè hăm hở xung phong lên Mường Nhé nhận công tác.

Cô Hoa kể: “Lúc đó em chỉ biết Mường Nhé là huyện khó khăn nhất nên xung phong vào. Tuổi trẻ, hăng hái lắm. Bọn em nghĩ khó khăn đến mấy thì cũng vượt qua được thôi. Nhưng thực sự không nghĩ nó khó như thế này”.

Pá Mỳ là xã khó khăn nhất của huyện Mường Nhé cho đến tận bây giờ. Pá Mỳ thậm chí còn khó khăn hơn cả những xã giáp biên giới vì địa hình phức tạp, giao thông cách trở. Để đi được từ bản này sang bản khác, các giáo viên ở đây đều men theo đường dân sinh. Gọi là đường, song thực tế nó chẳng phải là đường. Người dân bản địa nói rằng: “Cứ đi nhiều thì sẽ thành đường thôi”. Chứ thực tế trước giờ làm gì đã có dự án mở đường nào để đi từ trung tâm xã đến các điểm bản như: Huổi Nụ, Pá Mỳ 3 cụm 1, 2, 3…

Gần 12 năm gắn bó với núi rừng Pá Mỳ là từng ấy tuổi thanh xuân của cô Hoa sống cùng trang giáo án. Mỗi trang giáo án được lật qua, là ngần ấy cơ hội tìm kiếm “tổ ấm riêng” cho mình bị trượt mất. Khi mái đầu đã điểm bạc, cô Hoa nhận thấy mình xứng đáng có một gia đình, một tổ ấm. Ở đó có một người chồng và những đứa con để vỗ về yêu thương, chia sẻ vui buồn. Tháng 7 vừa rồi, cô Hoa đã nắn nót từng chữ, viết lá đơn gửi lên phòng GD&ĐT xin được chuyển vùng. Cô Hoa mong rằng làm vậy để tạo cơ hội tìm thấy “một nửa còn lại” dù là rất nhỏ.

“Em cũng rất nhớ bọn trẻ nơi mảnh đất này. Nhưng em cũng là người phụ nữ và mong muốn có cuộc sống gia đình. Về được huyện gần nhà, dù xa mấy chục cây số thì ít nhiều cuối tuần cũng được về nhà. Lúc ốm đau thì có bố mẹ, có anh chị em trong nhà quan tâm, chăm sóc. Chứ ở đây cách nhà tận 200 cây số, lúc ở bản mà có ốm đau thì cũng chỉ tự mình lo cho mình chứ bố mẹ đến làm sao được. Đồng nghiệp thì cũng ở các bản xa, có phải muốn đến chăm sóc cho mình là được đâu”, cô Hoa nghẹn ngào nói.

Điểm bản Pá Mỳ 3, cụm 2 là điểm bản thuộc diện gần trung tâm xã nhất, song cũng phải mất hàng giờ đi bộ mới đến được.
Điểm bản Pá Mỳ 3, cụm 2 là điểm bản thuộc diện gần trung tâm xã nhất, song cũng phải mất hàng giờ đi bộ mới đến được.

Vì nghề mà đối mặt cái chết

Bước chân vào đất Pá Mỳ từ những năm 2009, cô Hoa thấu hiểu những khó khăn, vất vả của giáo viên cắm bản. Xã Pá Mỳ có 13 bản thì ở đâu cũng đều có dấu chân cô Hoa. Đó là những lần vượt núi, băng rừng, trèo đèo, lội suối, đứng giữa sự sống và cái chết để đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đầy rẫy gian nan này.

Có lần, cô Hoa từ trung tâm xã về điểm bản Huổi Nụ 1. Ngồi trên chiếc xe máy, cô đi ven theo những lối mòn và luồn rừng qua các khe suối, cố giữ mình không rơi xuống vực thẳm.

“Gọi là đường, nhưng thật ra nó là lối mòn dẫn từ khe suối lên phía sườn núi. Em đang đi thì bị trượt bánh, người rơi xuống vực, xe thì lăn theo sau. Đầu em thì cắm xuống đất, còn chiếc xe thì đè lên cả chân và người, hở mỗi cái đầu ra. Chẳng biết xoay xở thế nào, em phải tự lăn lộn, đạp đổ cái xe cho xe lăn xuống vực mấy vòng thì em mới có thể thoát ra được để tự cứu sống mình. Lúc đó chỉ biết ngồi khóc. Lúc đó thấy giáo viên cắm bản quá khổ. Song em lại tự an ủi và đi tiếp vì phía trước mình là các cháu đang ngóng đợi nên không thể lùi bước”, cô Hoa rưng rưng nước mắt kể lại.

Cái chết luôn bủa vây nhưng với những ký ức của cô Hoa thì nó “như cơm bữa”. 

“Với địa hình, giao thông như ở các điểm bản của xã Pá Mỳ thì việc ngã xe xuống vực như em đúng là cơm bữa. Anh thấy đấy, ở đây có con đường nào tử tế đâu? Toàn là lối mòn mà dân đi nhiều thì trở thành đường đấy chứ. Đoạn nào cũng cheo leo trên đỉnh núi, 1 bên là vực cao, bên kia là suối sâu. Nên ngã xuống vực là bình thường. Nếu hỏi em trường hợp nguy hiểm, sợ hãi nhất là khi nào(?), thì đó là những lần tự đưa xe lên bè tre, tự lái bè để qua dòng suối nước chảy xiết. Đó là lần sự sống và cái chết gần nhất. Anh thử nghĩ xem, vào mùa lũ, nước suối dâng cao, cây to còn bị cuốn trôi như thế, thì với thân em liệu sống sót nổi hay không!”, cô Hoa tâm sự.

“Chúng em bảo nhau rằng: Thôi! Từ nay mình hãy cẩn thận hơn, không đùa giỡn với “tử thần” nữa. Nước suối lên cao thì ở lại điểm trường. Mưa lũ tràn về thì cũng không nên qua suối, qua ngầm nữa. Ở trường dù sao có buồn thì mình còn giữ được mạng sống. Những lần thoát nạn, đó chỉ là may mắn vì “diêm vương” chưa “gọi tên” mình thôi!”, cô Hoa nghẹn ngào kể lại.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.