Em ơi, đừng vội lấy chồng!

GD&TĐ - Vào một ngày cuối năm, tôi có dịp ra Hà Nội công tác, khỏi phải nói tôi sung sướng đến nhường nào. Không phải chỉ vì được ra Thủ đô mà là tôi có dịp được gặp lại cô giáo cũ sau mười lăm năm xa cách. 

Em ơi, đừng vội lấy chồng!

Tôi giờ đây dù đã trưởng thành, đã là cô giáo như ước mơ cháy bỏng ngày nào của mình nhưng khi gặp lại cô, sao vẫn thấy mình bé nhỏ như một đứa con được sà vào lòng mẹ.

Bên cô, cái lạnh của mùa đông chốn Hà thành dường như chẳng còn tác dụng gì nữa, chỉ còn lại cảm giác ấm áp của sự chở che của một người mẹ hiền đối với những đứa con yêu của mình vậy.

Nhìn cô và nhớ về tuổi học trò của mình, tôi vẫn không khỏi rùng mình. Nếu ngày ấy không có những người thầy, người cô trong trường, đặc biệt là nếu không có cô, liệu bây giờ tôi sẽ ra sao, sẽ sống như thế nào, tôi thật không dám nghĩ tiếp.

Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, nghèo nhất làng người Nùng từ phía Bắc vào định cư tại một huyện miền núi của tỉnh Phú Yên. Cái nghèo và nạn tảo hôn khiến lũ bạn cùng làng tôi nghỉ học lấy chồng hết. Chỉ còn mình tôi với chiếc xe đạp chẳng thể cà tàng hơn nữa vượt gần chục cây số đến trường để vào lớp 10.

Tôi không có áo dài để đến lớp, tôi cũng không có đủ sách giáo khoa mà học. Vở Văn của tôi là một tập giấy vụn được tôi cắt từ những quyển vở năm ngoái rồi dùng chỉ khâu lại thành tập để chép bài và cả soạn bài trước khi đến lớp.

Vì không có sách nên tôi soạn bài mới bằng cách cứ tự nghĩ, tự dự đoán những cái đề Văn cô sẽ ra rồi tự làm vào tập của mình cho có chữ vậy.

Giờ Văn, tôi không mặc đồng phục áo dài, trở thành tiêu điểm của sự chú ý. Cô gọi tôi lên bảng kiểm tra bài cũ, tôi chần chừ mãi với quyển tập giấy vụn trong tay. Cô vẫn nghiêm nghị chờ đợi, và tôi, sau một hồi tự đấu tranh với chính mình, tôi đã nhét tập giấy vụn đó vào ngăn bàn, tay không bước lên bảng.

Cô hỏi: “Vở học, vở soạn của em đâu?”. Tôi trả lời nhanh: “Em không có ạ!”. Cô nhíu mày: “Sao em không chép bài và chuẩn bị bài trước khi đến lớp?”. Tôi gan lì đứng đó, không định trả lời gì thêm nữa. Thằng bạn ngồi cạnh tôi lôi từ dưới ngăn bàn ra tập giấy vụn đứng dậy thưa: “Thưa cô, bạn có chép bài và soạn bài, đây ạ! Bạn không có sách nên bạn soạn bài như này”. Nó vừa nói vừa ton ton cầm lên bàn giáo viên cho cô. Cô lật nhanh qua từng trang giấy với chi chít chữ do tôi ghi cả ra lề vì muốn tiết kiệm.

Nhìn tôi, cô hỏi: Em hiểu như thế nào về câu ca dao: “Thân em như củ ấu gai. Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen. Ai ơi nếm thử mà xem. Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi”? Tôi thu hết can đảm để phân tích bài ca dao và chốt lại rằng vẻ đẹp tâm hồn của con người mới quan trọng.

Cô mỉm cười: “Đúng thế, cũng như những tờ giấy này tuy cũ nhưng nó lại cho thấy em là một học trò biết tiết kiệm và cẩn thận, em viết hay đấy, sẽ rất giỏi Văn, cố gắng lên em nhé!”. Tôi được ghi điểm 8 môn Văn trước sự vỗ tay tán thưởng của bè bạn.

Ngày hôm sau, tôi nhận được quà, một bộ sách mới, những quyển vở và cả một bộ áo dài cũ nhưng hãy còn tinh tươm để cho tôi đến lớp. (Mãi khi ra trường, trong một lần tình cờ, tôi mới biết đó là quà của cô tặng mình).

Nhưng rồi một hôm, tôi vừa đi học về, mẹ cầm tay tôi bảo: “Nghỉ học đi, biết đọc chữ là được rồi. Con gái đồng bào mình lớn là phải lấy chồng. Nhà mình không có tiền cho con học mãi đâu, người ta ngỏ ý rồi đó”.

Vậy đấy, 16 tuổi, ước mơ đến trường của tôi hóa chông chênh, vì nghèo, vì cha mẹ muốn tôi thoát nghèo bằng cách lấy chồng. Tôi mặc, vẫn trốn nhà để đến trường. Thế nhưng tin tôi sắp nghỉ học lấy chồng lan khắp trường.

Một lần, tôi đến lớp muộn, một bạn reo lên: “Nó tới rồi, tưởng ở nhà theo chồng rồi chứ?”. Tôi cúi kiểu ra hiệu xin cô vào lớp. Cô gật đầu ái ngại. “Đẹp thì lấy chồng, học chi mệt, hí hí...” - có ai đó nói thêm và theo đó là tiếng cười của cả lớp. Bao nhiêu lần rồi, các bạn cứ trêu chọc tôi giữa giờ ra chơi, giữa cả tiết học của các thầy cô khác như thế. Tôi gan lì chịu trận, không buồn giải thích vì sợ mở miệng thì nước mắt sẽ chực trào ra theo. Lúc này cũng vậy. Cô ra hiệu cho lớp im lặng để tiếp tục bài học.

Tan trường, cô gọi tôi ở lại. Chỉ chực có thế thôi, tôi đã khóc như chưa bao giờ được khóc. Ôm tôi vào lòng: “Đừng vội lấy chồng nhé, cô sẽ giúp em, mọi thứ sẽ tốt đẹp miễn là ta biết cố gắng”. Tôi tin cô và muốn đi học nhưng nhiều ngày tôi phải nghỉ ở nhà phụ mẹ lên nương.

Thế rồi không biết bao nhiêu lần cô cùng thầy cô trong trường lên cái bản làng heo hút của tôi để xin ba mẹ tôi cho tôi được đi học lại. Cha mẹ nào chẳng thương con, ba mẹ tôi lại cố gắng cho tôi tiếp tục đến trường. Bạn bè cũng thôi không còn trêu chọc hay bàn tán về chuyện riêng của tôi nữa. Thay vào đó, giúp đỡ tôi nhiều hơn. Cô xin nhà trường cho tôi miễn phí mọi thứ đóng góp và còn nhờ những thầy cô khác cùng hỗ trợ cho tôi sách vở, quần áo trong học tập.

Tôi say mê những tác phẩm văn chương được mượn từ tủ sách quý giá của cô để rồi chẳng biết từ lúc nào tôi lại mơ ước mai này tôi được đứng trên bục giảng, được là cô giáo dạy Văn như cô vậy. Thời gian cứ thế trôi, tôi học hết THPT trong sự bảo bọc, dìu dắt của cô cùng các thầy cô trong trường. Tôi đậu ba trường đại học.

Tôi khóc vì sung sướng, ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn đang dần trở thành hiện thực. Tôi chạy đến bên cô nhưng lại chỉ biết cúi đầu mà chẳng thể nói được lời cảm ơn nào. Ôm tôi vào lòng, cô dặn: “Đừng vội lấy chồng nhé, chân trời ngoài kia rộng lắm, hãy vững tin mà bước nghe em. Mai này em sẽ là một cô giáo tốt. Cô tin ở em!”. Lời dặn ấy đã theo tôi và sẽ mãi theo tôi suốt cuộc đời này.

Giờ đây, tôi đã trở thành một cô giáo miền núi, sau 15 năm mới có dịp được gặp lại cô. Về bên cô, bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về, cô trò lại mải mê với những ký ức êm đềm và ngọt ngào nhất, lại nghe cô kể chuyện ngày mai với bao điều tốt đẹp nữa. Ôm cô một cái thật chặt, tạm biệt cô, tạm biệt Hà Nội.

Máy bay chuẩn bị cất cánh, đưa tôi dần xa cô, xa Hà Nội, tôi mới giật mình nhận ra, mình còn bao nhiêu lời chưa kịp nói. Thế mới biết cũng như những đứa con với người mẹ hiền của mình, em dù trưởng thành thế nào vẫn thấy mình thật nhỏ bé khi được trở về bên cô. Xin viết vội những dòng này gửi lại cô giữa mây trời Hà Nội.

Cô ơi, em – cô học trò người đồng bào nơi bản làng hiu hắt vượt qua bao nhiêu gian nan để đến được với ước mơ của mình là nhờ ơn cô dìu dắt. Vâng lời cô, em cũng đã theo gương cô, quan tâm đến từng học trò của mình, giúp các em vượt qua những khó khăn để đến với ước mơ của mình. Em đã là một cô giáo tốt phải không ạ?

Cảm ơn cô thật nhiều, cô giáo đáng kính của em!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ