Hoa quả để lâu không thối là bất bình thường
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thì thực trạng hoa quả để lâu không thối là bất bình thường.
Ông Thịnh lý giải thì tất cả các loại hoa quả bảo quản được từ 5 tháng trở lên là rất khó. Thậm chí vô cùng khó. Sở dĩ như vậy vì việc tìm kiếm các giải pháp bảo quản hiện nay ở Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, người tiêu dùng vẫn luôn luôn nghi hoặc rằng chúng đã được sử dụng các hoá chất để bảo quản hoặc dùng các biện pháp công nghệ để bảo quản.
Khi hoa quả chín và bị thối thì trước hết chúng ta không thể quy kết là do đã dùng thuốc bảo vệ thực vật được bởi thuốc bảo vệ thực vật không có chức năng bảo quản.
Bên cạnh đó, ngay bên trong hoa quả, bản thân những hoa quả đó đều có sự sống, nếu khi quả chín và thối đi thì chắc chắn một phần sẽ do sự sống bên trong quả làm hỏng. Thứ hai là do sâu bệnh chui vào quả sinh sống làm quả nhiễm bệnh.
Nguyên nhân cũng rất quan trọng nữa là do vi sinh vật đi từ ngoài vào trong, trong ra ngoài do quá trình thu hoạch bị bầm dập hoặc đi từ núm quả, rún quả…tấn công làm thối quả.
Vậy để bảo quản được chúng thì hiện nay người ta đã sử dụng hoá chất để tiêu diệt vi sinh vật, ngăn chúng thâm nhập vào quả làm ức chế quá trình thối rữa quả.
Tuy nhiên việc ngâm hoá chất chỉ làm cho côn trùng chết nhưng vẫn tạo cơ hội cho vi sinh vật có điều kiện chui sâu vào quả để ăn côn trùng.
Vì vậy, giết đươc sâu nhưng vẫn không thể giết được vi sinh vật và cũng không thể hoàn toàn ngăn cản quá trình làm thối quả.
“Người dân chớ tham thực mà cực vào thân”
Hiện nay, để bảo quản hoa quả, người ta thường có thể làm lạnh chúng ở nhiệt độ thấp (âm 60 độ C) thì vi sinh vật sẽ hoạt động kém đi và hạn chế quá trình làm thối quả.
Tuy nhiên, ở nhiệt độ lạnh nhưng nó vẫn hoạt động cho nên nó vẫn kích thích quả hỏng. Cách này thường ít dùng vì chi phí cao và thực tế thì cũng không có nhiều cửa hàng thực hiện cách này.
Thứ 2 là người ta dùng hoá chất song bản thân hoá chất lại không tiêu diệt được sự sống trong từng tế bào mà chỉ diệt vi sinh vật ở bên ngoài.
Nên song song với dùng hoá chất thì người ta dùng phương pháp tạo màng, tức là dùng màng bên ngoài bao xung quanh quả để chắn vi sinh vật chui vào.
Bên cạnh đó để ức chế sự sống trong quả diễn ra chậm thì người ta có cơ chế là khi quả chín, quả già thì sinh ra etilen- một chất kích thích cho quá trình chín của quả.
Người ta tạo ra một hợp chất để làm cho etilen không sinh ra nữa thì nó sẽ không kích thích quả chín nữa mà làm cho quả chậm chín. Đây là hiện tượng được sử dụng rất nhiều trong việc bảo quản và vận chuyển quả đi từ nước này sang nước khác để không bị chín.
Chúng ta có thể nghĩ và làm ra các biện pháp nhưng nó cũng không thể vượt quá con số 6 đến 7 tháng mà nhiều người vẫn nói. Ngoài thời gian đó, quả vẫn không thối nhưng chắc chắn sẽ không tươi, không ngon và có thể bị ủng, thối bên trong.
Để cho thời gian bảo quản dài, trên thị trường hiện nay người ta dùng chất 2,4D (đã được loại đioxin ra ở nồng độ thấp nhất), tức là chất kích thích diệt cỏ.
Hiện nay có một số vùng trên Hà Giang đã sử dụng để bảo quản cam. Đây là chất rất nguy hiểm và rất độc cho con người. tuy nhiên dùng chất này cũng chỉ bảo quản được 3 tháng, còn để được 6-7 tháng thì hơi dị thường.
Chính vì thế ngày nay nói ăn hoa quả thì vẫn phải ăn, những hoa quả nào nghi ngờ thì không nên ăn. Đừng để “tham thực mà cực vào thân”. Nghĩa là chúng ta cứ biết chúng có độc, có ngâm hoá chất nhưng vẫn cố ăn rồi mang bệnh lúc nào không hay.
Để giảm thiểu mầm bệnh cũng như tác hại xấu có thể có thì người tiêu dùng nên ưu tiên chọn và sử dụng các loại hoa quả của Việt Nam. Những loại hoa quả nghi ngờ có độc hại, có chất bảo quản thì không nên mua ăn.
Tự cung tự cấp hoa quả được coi là giải pháp an toàn và hữu hiệu nhất hiện nay mà người sử dụng nên dùng .
Đối với những hoa quả siêu thị mang mác “sản phẩm sạch” các cơ quan chức năng cần có biện pháp để kiểm tra, kiểm soát cực kỳ ngặt nghèo. Nếu sản phẩm nào không có nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ kiểm định trước khi đưa vào Việt Nam phải bị cấm và bị tiêu huỷ.