(GD&TĐ) - Vượt qua bao nhiêu gian khó trong cuộc sống, khắc phục điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn, nhiều cô giáo đang từng ngày từng giờ cống hiến thầm lặng cho đất nước bằng kiến thức, tình yêu thương và sự đồng cảm, quan tâm chia sẻ tới học trò. Họ đại diện cho hàng trăm nghìn giáo viên trên khắp mọi miền Tổ quốc - đã tạo nên rừng hoa đẹp của ngành Giáo dục.
Nâng niu nét bút cho học sinh trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) |
Âm thầm dâng hương
Nhắc đến chuyện nhà là khóc, nhưng nhắc đến các con ở trường, ở lớp là cô lại cười. Trường mầm non của làng, phụ huynh cũng chính là hàng xóm láng giềng, cô coi ngôi trường là gia đình thứ hai.
Cô Hằng kể, đồng lương ở trường không cao, nhưng cô không thể bỏ nghề, lý do chính là tình yêu với nghề, tình thương con trẻ. Cô mê mẩn khi thấy các con thích thú đồ chơi mình làm, biết nhận biết các con vật, biết ngọng nghịu chỉ rõ màu sắc từ các bảng vẽ... Thế nên đi đâu cô cũng để ý xem có vật dụng gì để khuân về nhà tìm cách tạo thành đồ dùng dạy học cho các con. Và cô dồn thương yêu của mình vào công việc chăm dạy trẻ.
Cùng cảnh như cô Hằng là cô giáo Xuân ở Sơn La, tôi gặp cô trong một chuyến công tác khi chỉ còn vài tháng nữa cô về hưu. Tốt nghiệp ngành Sư phạm, cô gắn bó cả đời với học sinh tiểu học.
Cô tâm sự: Cuộc sống đầy lo toan mệt nhọc, một mình chèo chống bao giờ cũng chậm nhịp. Nếu không có nghề dạy học, chắc cô đã đầu hàng số phận nhiều lần. Dạy học sinh làm điều tốt, bản thân cô cũng nhắc nhở mình nêu gương. Chăm các em không ốm sốt, chính cô tự nhủ mình phải làm sao thật mạnh khỏe. Cảm nhận được niềm vui con trẻ, cô bỗng thấy mình cũng như trẻ lại… Với cô, được là cô giáo là niềm hạnh phúc cuộc đời.
Nhiều phụ huynh khi biết gia cảnh cô đã e ngại cô khó tính, quá nghiêm khắc, khô khan với học sinh. Nhưng một vị phụ huynh đã kể lại cho tôi vì sao ông quý cô giáo.
Hôm ấy, trời mưa tầm tã, lại vào mùa giá rét. Ông đến đón muộn nên cậu con trai đứng đợi một mình. Chờ mãi chưa thấy bố đến, cậu con phát khóc. Bắt gặp học sinh mếu máo ngoài cổng trường, cô đã đưa con về nhà, gò tấm lưng gầy trên chiếc xe cà tàng trong giá buốt.
Vị phụ huynh vẫn nhớ, khi đuổi kịp cô giáo để cảm ơn, ông thấy mặt cô ướt đầm nước mưa tái lại, môi tím run run… Ông nhìn theo bóng cô mà lòng đầy cảm động.
Cô và trò Trường THCS Cẩm Quang (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) |
Sau mỗi con chữ là một sự hy sinh
Có lần, theo một đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến Mèo Vạc (Hà Giang), dự giờ của một cô giáo dạy Văn Trường dân tộc nội trú, cả đoàn cứ xuýt xoa sao cô dạy hay và tình cảm thế, người lớn dự còn thấy thích nữa là học sinh. Cô giáo trẻ chỉ cười không nói.
Đoàn công tác mượn cô giáo án, và cứ ngạc nhiên sao nhiều trang chữ viết lại lem nhem, hay cô giáo ở nhà bị dột mưa… Hỏi mãi, gặng mãi, cô mới kể, rằng “đêm soạn giáo án, em nhớ con quá nên khóc. Em ở Mèo Vạc dạy học, con còn nhỏ ở thị xã gửi ông bà chăm”… Giọng kể nhẹ nhàng, nhưng ai nghe lòng cũng nặng trĩu.
Cô em họ tôi, gái phố học xong tình nguyện lên Lào Cai tăng cường dạy học. Hồi đi học thì diện ngất trời. Đi làm một thời gian về thăm nhà thấy phong cách khác hẳn, chẳng váy ngắn váy dài như trước, lại còn cho hết chị em trong nhà đồ diện của mình.
Em tôi bảo, đã là giáo viên cắm bản thì đừng nghĩ việc mặc váy vì chân cô nào cũng đầy sẹo hết. Lội suối băng rừng vận động học sinh ra lớp, trời mưa gió thì đến tận nhà đón các em, có khi còn cõng học sinh, chân trần trèo đá, tránh sao được việc ngày nào cũng ngã. Nhẹ thì tím chân tay, nặng hơn thì tóe máu, vài tuần sau mới bong vẩy mọc da non.
Thế nên chỉ quanh năm “quần chùng áo dài”, chứ mặc váy hở “chân hoa gấm” thì ngượng lắm… Với những cô gái đang thì, vì sự nghiệp trồng người, các cô đã từ bỏ cả nhu cầu làm đẹp.
Tôi cứ ám ảnh mãi tiếng khóc xé lòng của giáo viên Bản Khoang mất đi đứa con yêu dấu trong trận lũ quét bất ngờ đầu tháng 9 vừa rồi. Giáo viên vùng sâu vùng xa chia sẻ với người dân những khó khăn trong cuộc sống, và họ cũng cùng chung hoạn nạn thiên tai địch họa với các gia đình.
Có thể nói, mỗi con chữ đến được với những bản làng vùng sâu xa, hẻo lánh đều phải trải qua một chặng đường dài đầy gian nan, vất vả, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của những giáo viên tâm huyết.
Trên đất nước Việt Nam, có nhiều những cô giáo như tôi đã gặp. Họ quên đi những khó khăn thường nhật, nén lại những mất mát cá nhân, thầm lặng cống hiến cho đời những sản phẩm đẹp là học sinh chăm ngoan, học giỏi, như những dấu lặng khiêm tốn trong khuông nhạc.
Trong nhạc lý, dấu lặng như một khoảng nghỉ, không có âm thanh. Không có những nốt lặng, tác phẩm âm nhạc mãi trỗi lên miên trường, mệt mỏi. Không có những dấu lặng đẹp của bao cô giáo vùng khó khăn, sẽ không có bản nhạc tình thầy – trò thắm đượm lâu nay.
Viết lại câu chuyện của cô Xuân trên báo. Sau đó vài ngày, tôi nhận được cuộc điện thoại của cô giáo. Cô nói trong tiếng khóc: “Đây là món quà lớn nhất tôi nhận được khi sắp về hưu”. Muốn khóc theo cô và cứ tự trách mình: Sao không lên Sơn La gặp cô sớm… |
Gia Hân