Phối hợp nhiều bên
Hơn 20 năm công tác tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cô Trần Thị Thu Hằng - Phó Hiệu trưởng nhà trường có nhiều kinh nghiệm về giáo dục học sinh. Cô cho rằng, để hóa giải các mâu thuẫn trong học đường, lúc nào cần mềm mỏng sẽ mềm mỏng, khi nào cần cương quyết thì phải cương quyết thì mới phát hiện được từ xa, từ sớm các hành vi mang hơi hướng bạo lực trong học đường.
Nhiều năm nay, Trường Đinh Tiên Hoàng đã đề ra bộ quy tắc ứng xử của học sinh. Vào đầu năm học, việc đầu tiên của giáo viên chủ nhiệm là tìm hiểu tâm lý học sinh, hiểu được cá tính cũng như hoàn cảnh gia đình từng em để có sự nhắc nhở phù hợp. Mục tiêu quan trọng của nhà trường là tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho học sinh. Thầy cô tạo nhiều sân chơi và hoạt động để các em cùng hòa nhập và hiểu bạn bè hơn.
Cô Trần Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). |
Cô Hằng nhấn mạnh, giáo dục nhận thức cho học sinh là điều vô cùng có ý nghĩa. Các em phải hiểu được những hậu quả, hệ lụy của vấn nạn bạo lực học đường, chế tài xử lý sẽ như thế nào, từ đó, tự kiểm soát được hành vi của mình. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp chặt chẽ với ban giám hiệu và phụ huynh để giáo dục các em.
Bên cạnh đó, phòng tư vấn tâm lý học đường cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của học sinh mỗi khi có vấn đề cần chia sẻ.
Tại phòng tư vấn tâm lý, có em chia sẻ vì chịu quá nhiều áp lực trong học tập, kỳ vọng của bố mẹ, tâm lý bị đè nén nhưng không thể trò chuyện với người thân nên muốn tìm đến cái chết để giải thoát. Trước bế tắc của học trò, các cô đã khơi gợi và dẫn dắt tâm lý để các em lấy lại bình tĩnh, tránh các suy nghĩ hay hành động tiêu cực.
Bạo lực học đường, đối diện hay trốn tránh
Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên Vật lý của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. |
Cô Hằng cũng kể lại một trường hợp mâu thuẫn giữa hai nữ sinh. Trong giờ học, em N. vô tình phi máy bay giấy vào trúng đầu em M. Hết giờ, nữ sinh M. đã to tiếng và yêu cầu N. xin lỗi. Em N. cho rằng việc đó không có gì to tát nên không xin lỗi. Hai bên đã lời qua tiếng lại và còn dọa sẽ đánh nhau. Khi nắm được thông tin, cô giáo đã mời phụ huynh của cả 2 em đến trường để trao đổi. Đồng thời cho các em nghỉ ở nhà 1 ngày để bình tĩnh lại. Qua phân tích của cô, hai em đã tự nhận thức được cái sai của mình và làm hòa với nhau.
Là giáo viên trẻ dạy Vật lý ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cô Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm, khi cư xử với học sinh mà máy móc quá đôi khi sẽ "xôi hỏng bỏng không". Là giáo viên chủ nhiệm, cô Thanh luôn chủ động tìm hiểu và đọc kỹ hồ sơ để biết được hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lý của từng em trong lớp.
"Với các em có bố mẹ quan tâm, theo sát thì mọi việc luôn được kiểm soát và dễ giải quyết. Tuy nhiên, có em thiệt thòi hơn khi gia đình không trọn vẹn, bố mẹ ly thân nên thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc, yêu thương. Với những trường hợp đặc biệt như thế, giáo viên chủ nhiệm phải thực sự tinh tế để tìm hiểu, khuyên nhủ học sinh. Trường hợp không chịu tiếp thu những lời khuyên của cô sẽ áp dụng các biện pháp theo quy định của trường", cô Thanh tâm sự.
"Trong môi trường học đường có vô vàn tình huống va chạm, mâu thuẫn ở các dạng thức khác nhau. Nếu ta cứ coi đó là chuyện nhỏ mà tặc lưỡi bỏ qua, học sinh tiếp tục có hành vi ứng xử nghiêm trọng hơn sẽ rất khó xử lý. Giáo viên chủ nhiệm phải luôn quan sát, tìm hiểu và nhận biết sớm những bất thường của học trò để can thiệp kịp thời. Từ đó mới dập tắt đi những xung đột, mâu thuẫn khi vừa mới nhen nhóm, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc", cô Thanh chia sẻ.