Rèn kỹ năng phòng chống bạo lực học đường trong nhà trường

GD&TĐ - Học sinh cần hiểu hơn về hệ lụy của vấn nạn bạo lực học đường, từ đó rèn kỹ năng để phòng tránh và tích cực xây dựng tình bạn đẹp.

Em Nguyễn Vũ Tâm Đan - học sinh lớp 8A01 đã đạt giải Nhất cuộc thi vẽ tranh với chủ đề "Phòng chống bạo lực học đường – xây dựng tình bạn đẹp” năm học 2022-2023 do nhà trường tổ chức.
Em Nguyễn Vũ Tâm Đan - học sinh lớp 8A01 đã đạt giải Nhất cuộc thi vẽ tranh với chủ đề "Phòng chống bạo lực học đường – xây dựng tình bạn đẹp” năm học 2022-2023 do nhà trường tổ chức.

Cách xử lý khi bị bạo lực học đường

Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) đã tổ chức chuyên đề ngoại khóa với chủ đề "Phòng chống bạo lực học đường - xây dựng tình bạn đẹp" năm học 2022-2023.

Tới dự có bà Trịnh Đan Ly – Trưởng Phòng GD&ĐT quận Đống Đa; chị Nguyễn Thị Thanh Tâm - Bí thư Quận Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội quận Đống Đa; bà Trần Thị Lan Phương- Phó Tổng Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng; Đại úy Nguyễn Hoàng Vũ – Cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội, Công an quận Đống Đa cùng hơn 700 học sinh khối 6, 7 của trường.

Tiểu phẩm nói về vấn nạn bạo lực học đường do các em học sinh biểu diễn trên sân khấu.

Tiểu phẩm nói về vấn nạn bạo lực học đường do các em học sinh biểu diễn trên sân khấu.

Tại đây, chuyên gia Tâm lý giáo dục Nguyễn Lệ Thủy đến từ Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng đã chia sẻ một số câu chuyện thực tế về bạo lực học đường (BLHĐ). Các em học sinh được hiểu về khái niệm cũng như các dạng thức của BLHĐ. Trong môi trường học đường, không hiếm gặp những tình huống tiềm ẩn nguy cơ BLHĐ như: Bắt nạt, trêu ghẹo bạn một cách quá đà; tung tin đồn hoặc buông lời thách thức bạn về một việc gì đó... đều dễ khiến đối phương bị tổn thương, thậm chí dẫn đến hậu quả tiêu cực.

Cách đây vài năm, một nữ sinh THCS ở tỉnh Hưng Yên có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Em đó tự ti không dám chơi với ai, không dám gần gũi bạn bè. Khi đó có 1 nhóm bạn thường xuyên bắt nạt, khi thì ném xe đạp xuống ao, đỉnh điểm là trêu chọc rồi lột quần áo, đánh bạn và quay video tung lên mạng khiến nữ nạn nhân bị suy sụp tinh thần và hoảng loạn. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, lãnh đạo tỉnh đã vào cuộc ngay lập tức để làm rõ sự việc và xử lý thích đáng các cá nhân liên quan.

Các em học sinh chăm chú nghe chia sẻ từ vị diễn giả.

Các em học sinh chăm chú nghe chia sẻ từ vị diễn giả.

Theo vị diễn giả, một trong các nguyên nhân chính dẫn đến hành vi BLHĐ xuất phát từ sự thiếu quan tâm, dạy bảo từ gia đình. Ngoài ra, tâm lý lứa tuổi luôn muốn thể hiện cái tôi của mình hay những game bạo lực trên mạng cũng là 1 phần gián tiếp cổ vũ cho vấn nạn BLHĐ.

Theo chuyên gia, cách xử lý khi bị đám đông bắt nạt hội đồng, học sinh nên bình tĩnh "câu giờ" nhưng bằng thái độ tôn trọng, không van xin, sợ hãi. Nếu không thể tìm được sự trợ giúp từ xung quanh, ta nên thực hành "tư thế bào thai" là cuộn tròn người, vòng tay chặt qua gáy để hạn chế độ chấn thương của bản thân lúc va chạm.

Lúc đó, các em không nên đẩy cái tôi lên quá cao hay buông lời thách thức để tránh tình trạng ngày càng xấu thêm. Sau đó mới báo việc này cho thầy cô, cha mẹ để có cách xử trí tiếp theo.

Đại úy Nguyễn Hoàng Vũ – Cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội, Công an quận Đống Đa cũng thông tin thêm, theo điều 12, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có quy định về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như sau: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Nâng cao nhận thức bản thân

Thầy Nguyễn Cao Cường và chuyên gia Nguyễn Lệ Thủy cùng trả lời câu hỏi thắc mắc của học sinh về BLHĐ tại chương trình.

Thầy Nguyễn Cao Cường và chuyên gia Nguyễn Lệ Thủy cùng trả lời câu hỏi thắc mắc của học sinh về BLHĐ tại chương trình.

Tác hại và hệ lụy của BLHĐ là rất rõ ràng. Do đó, chuyên gia Nguyễn Lệ Thủy lưu ý các em học sinh hãy luôn nhớ đến cha mẹ mình để biết cách sống sao cho tốt, luôn biết cách xử lý trước các tình huống. Hãy để cuộc sống nở hoa bằng những tình bạn diệu kỳ và nói không có bạo lực học đường.

Minh chứng về tình bạn đẹp đó là câu chuyện giữa đôi bạn Minh và Hiếu ở Thanh Hóa. Sau một cơn sốt từ nhỏ nên anh Minh đã bị liệt cả đôi chân và không thể đi lại được. Trước tình cảnh đó, Hiếu là người hàng xóm và cùng tuổi đã dành suốt hơn 10 năm cõng bạn đến lớp trên đôi vai của mình. Sau khi thi THPT, Hiếu đã đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội, còn Minh thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội. Câu chuyện cảm động này đã lấy đi nước mắt của bao người về một tình bạn đẹp và cao quý biết bao.

Một người bạn tốt là không bao giờ kì thị bạn mình, không ghen tị trước thành công của bạn mình. Câu nói "chọn bạn mà chơi", tức là chọn những người có tâm hồn trong sáng, có ước mơ và biết sống vì mọi người. Học sinh luôn cần thể hiện lòng biết ơn với cha mẹ, thầy cô để biết lắng nghe, sống chậm lại và suy nghĩ thấu đáo trước mọi hành động.

Các vị khách mời cùng lắng nghe những chia sẻ thiết thực từ diễn giả của chương trình.

Các vị khách mời cùng lắng nghe những chia sẻ thiết thực từ diễn giả của chương trình.

"Nơi nào có tình bạn đẹp nơi đó có tình yêu thương, nơi nào có tình yêu thương thì nơi đó mới có hạnh phúc. Xây dựng tình bạn đẹp để xây đắp nên những ước mơ thật đẹp của mình. Đó là thông điệp và cũng là mục tiêu của mỗi chúng ta" - chuyên gia Nguyễn Lệ Thủy nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm - Bí thư Quận Đoàn Đống Đa cho hay, trong thời gian tới đơn vị này sẽ phối hợp với các trường trên địa bàn để tổ chức thêm nhiều chương trình tương tự hay các hoạt động nhằm gắn kết tình bạn cho học sinh. Từ đó tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho các bạn thiếu nhi được thỏa sức sáng tạo, xây đắp tình bạn trong sáng nhằm tránh xa các tệ nạn xã hội hay bạo lực học đường.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa kết thúc thành công sau những chia sẻ thiết thực đến từ các vị khách mời của chương trình.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa kết thúc thành công sau những chia sẻ thiết thực đến từ các vị khách mời của chương trình.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh chia sẻ, BLHĐ hiện nay đang là một vấn đề được cả xã hội quan tâm. Nhiều vụ việc xảy ra ở trường học trong giai đoạn vừa qua đã trở thành nỗi nhức nhối, điều đáng buồn không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn là nỗi lo chung đối với toàn xã hội. Nhà trường luôn mong muốn các em học sinh sẽ được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích, thiết thực để bồi đắp lòng biết ơn, tình yêu thương để tránh xa BLHĐ, ra sức phấn đấu học tốt và trở thành những người có ích cho xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.