Giáo dục từ những điều nhỏ nhoi nhất để nâng bước em vào đời |
(GD&TĐ) - Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày hội không chỉ với những thầy cô trực tiếp giảng dạy. Với những người đứng sau bục giảng, âm thầm làm công tác “hậu cần” cho mỗi giờ lên lớp được thành công, hiệu quả, gắn bó với mái trường, yêu thương, chăm sóc học trò ngày 20/11 cũng là một ngày khó quên và đầy ắp những kỷ niệm.
Cô Nguyễn Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường mầm non Mùa Xuân (Long Biên - Hà Nội): Lẵng hoa từ người mẹ tật nguyền
“Sáng hôm ấy, trước khi buổi lễ mít tinh bắt đầu, tôi nhận được một lẵng hoa được làm bằng giấy kèm theo là một bưu thiếp với những nét chữ vẫn còn run run “Chúc mừng cô nhân ngày 20 tháng 11”.
Điều khiến tôi xúc động đến rơi nước mắt bởi món quà ấy do chính tay người mẹ bị tật nguyền làm. Chị bị liệt một tay do bị tai biến và gửi gắm con cho các thầy cô giáo trong trường tôi. Tôi biết để làm được lẵng hoa ấy, chị đã phải mất cả tháng trời, gò lưng tỉ mỉ cho từng bông hoa… Món quà đó với tôi là vô giá. Cứ nghĩ đến hình ảnh của người mẹ yêu thương thầy cô giáo của con, tôi lại muốn khóc…
Giờ đây, lẵng hoa ấy luôn được tôi nâng niu, trân trọng đặt nơi bàn làm việc, coi đó là một lời nhắc bản thân luôn giữ trọn đạo làm thầy. Ngày nhà giáo của tôi là như thế, chan chứa tình yêu thương, niềm hạnh phúc và vô vàn những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nếu để chọn nghề một lần nữa, tôi vẫn chọn nghề giáo.”
Anh Nguyễn Văn Đại – Nhân viên bảo vệ Trường tiểu học Kim Lũ (Hà Nội): Niềm hạnh phúc giản dị
Không riêng gì các nhà giáo, với những nhân viên phục vụ như tôi, ngày 20/11 cũng là ngày vui nhất trong năm. Vào ngày này tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng của phụ huynh học sinh và “các con” – những cô bé, cậu bé mà tôi vẫn thường lên lớp đón xuống phòng bảo vệ trông hộ khi bố mẹ chúng đón muộn.
Tôi vẫn nhớ cái ngày 20/11 năm đầu tiên khi tôi nhận nhiệm vụ. Sau khi đi kiểm tra an ninh một vòng, tôi về phòng thì thấy trên bàn có rất nhiều hoa và thiệp chúc mừng 20/11, bên cạnh đó là một gói quà được đóng gói cẩn thận. Thì ra gói quà đó là một quyển sổ và cây bút bi của một gia đình phụ huynh gửi tặng. Tôi thực sự xúc động và mang về khoe với vợ và con, để thấy mình đã đóng góp chút công sức – dù nhỏ bé thôi – cho ngôi trường với những tiếng ríu rít chim non nơi tôi công tác.
Với tôi, hạnh phúc đơn giản chỉ là như vậy, giản dị, gần gũi nhưng rất đỗi tự hào. Những tấm bưu thiếp, những lời chức mừng chính là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao để tôi thêm yêu nghề và hăng say trong công việc”.
Cô Lê Thị Huệ – Nhân viên nhà bếp Trường mầm non Bình Minh (Lai Châu): “Tặng cô con lợn để làm “Tết nhà giáo”
“Những năm gần đây, người dân địa phương đã biết đến ngày 20/11. Nhưng khác với miền xuôi, ngày 20/11 ở đây rất đặc biệt, ấn tượng và tràn ngập niềm vui. Có những năm, nhà trường muốn cải thiện bằng cách tổ chức liên hoan ăn uống ở ngoài nhà hàng, “giải phóng” cho chị em cấp dưỡng, nhà bếp đỡ vất vả. Nhưng năm nào cũng không thực hiện được bởi một lý do rất đơn giản: Phụ huynh ngày 20/11 nào cũng mang biếu những sản vật “cây nhà lá vườn”. Nên không còn cách nào khác là chúng tôi “tự biên, tự diễn” một bữa liên hoan “đặc sản” tại trường.
Vì là miền núi nên nhiều phụ huynh thường đem tặng nhà trường một vài con gà, cân khoai hay những mớ rau rừng, và thậm chí có gia đình mang cả con lợn đến và nói “Tặng các cô để làm Tết nhà giáo”. Vậy là chúng tôi lại tất bật chế biến từ những món quà đặc biệt đó để cả trường cùng liên hoan mừng ngày Nhà giáo.
Mệt nhưng vui! Ngày 20/11 của chúng tôi là như vậy, bình dị, mộc mạc nhưng rất đỗi ngọt ngào, thân thương.
Hải Phong (ghi)
TIN LIÊN QUAN |
---|