Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, góp phần mang đến giải pháp đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng dạy và học cho giáo viên, học sinh của các trường phổ thông dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là tại những địa bàn còn nhiều khó khăn.
Đồng hành giáo viên vùng cao
Tiếp nối thành công của Dự án Chắp cánh E-Learning hỗ trợ trường Dân tộc nội trú Phổ thông liên cấp Dế Xu Phình (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội đã phối hợp với Quỹ Chắp cánh tiếp tục hỗ trợ Phòng GD&ĐT thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu trong việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trên địa bàn thành phố các kiến thức, kỹ năng xây dựng, thiết kế và triển khai bài học STEM, bài giảng E-Learning bám sát Chương trình GDPT 2018 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Tham gia khoá bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ trong giảng dạy STEM, E-Learning trong giảng dạy cho 130 giáo viên tại 28 đơn vị trường các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian diễn ra khoá tập huấn, các giảng viên và sinh viên Viện Sư phạm kỹ thuật đã trực tiếp hướng dẫn, chia sẻ với học viên các nội dung: bài giảng STEM, các công cụ và kỹ năng xây dựng bài giảng số E-learning, thiết kế trò chơi số...
Đồng thời, trong suốt thời gian tập huấn, ban tổ chức đã xen kẽ giữa lý thuyết và thực hành với các bài tập nhóm phù hợp cho từng cấp học đã khích lệ tinh thần học tập của các học viên, tạo nên không khí học tập sôi nổi, tích cực.
Chia sẻ tại buổi tập huấn, PGS. TS Lê Hiếu Học - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: "Việc ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục là xu hướng tất yếu của giáo dục trong kỷ nguyên số. Điều này là vô cùng cần thiết khi những yếu tố tác động từ bên ngoài như dịch bệnh, công nghệ thay đổi, các phương tiện, công cụ hỗ trợ học tập ngày càng phát triển.
Viện Sư phạm Kỹ thuật với trách nhiệm của mình sẽ đồng hành, hỗ trợ các thầy Cô giáo thay đổi tư duy, cách tiếp cận nhằm mang đến cho học sinh những bài học sôi nổi, hấp dẫn và thiết thực. Tuy nhiên, công nghệ vẫn chỉ là công cụ. Sự sáng tạo và đổi mới phải đến từ chính tư duy và thái độ của mỗi thầy, cô giáo”.
Mang làn gió mới
Sau 2 tháng chuẩn bị, với các công việc khảo sát nhu cầu thực tế của đội ngũ giáo viên (đặc tính, văn hoá của người dạy - học, cách thức tổ chức dạy - học, nguyên vật liệu có sẵn có thể khai thác sử dụng để xây dựng các bài giảng STEM phù hợp. Hệ thống máy tính cá nhân phục vụ dạy học…).
Các giảng viên và sinh viên Viện Sư phạm kỹ thuật đã xây dựng 11 bài giảng mẫu, bao gồm 5 bài giảng STEM và 06 bài giảng E-learning cho các cấp học; và chuẩn bị tài liệu học tập, các bài tập thực hành cho 5 buổi học trực tiếp trên lớp.
Đánh giá cao các nội dung được thiết kế buổi tập huấn, mà bà Tạ Đặng Phượng - Trưởng phòng Phòng GD&ĐT thành phố Lai Châu đánh giá cao sự đồng hành của Viện Sư phạm kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bà Phượng cho biết: "Việc được đội ngũ giảng viên của Viện Sư phạm Kỹ thuật cùng các bạn sinh viên trực tiếp "cầm tay chỉ việc" hình thành tư duy tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong giáo dục, hỗ trợ xây dựng bài giảng, học liệu số trong giảng dạy đã thực sự đem đến một làn gió mới rất thiết thực trong công tác đào tạo tại các trường trên địa bàn thành phố phù hợp với công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục giai đoạn chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay".
Còn ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Quỹ Chắp cánh cho biết: "Đây đã là dự án thứ 2 CC Foundation đồng hành cùng Viện Sư phạm Kỹ thuật trong "nhiệm vụ" hỗ trợ các thầy, cô giáo tại các tỉnh vùng cao tiếp cận với giáo dục STEM, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục tại cơ sở.
Sau dự án đầu tiên tại Mù Cang Chải được đánh giá cao, CC Foundation tiếp tục mở rộng hoạt động này nhằm hỗ trợ các thầy, cô giáo tại Lai Châu. Chúng tôi trân trọng những nỗ lực của Viện Sư phạm kỹ thuật trong nhiệm vụ "đặc biệt" này. Hy vọng sẽ tiếp tục được đồng hành cùng Viện trong những dự án tiếp theo".