Hình phạt trong giáo dục, dự thảo tăng tuổi nghỉ hưu,… thu hút sự quan tâm

GD&TĐ - Tuần qua, câu chuyện kỷ luật và hình phạt trong giáo dục được dịp nóng các diễn đàn từ chuyện cô giáo Hà Nội phạt học sinh quỳ trong giờ học. Bên cạnh đó, yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm với giảng viên; dự thảo về tăng tuổi nghỉ hưu cũng thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận và giáo giới.

Hình phạt trong giáo dục, dự thảo tăng tuổi nghỉ hưu,… thu hút sự quan tâm
Cần hướng tới "kỷ luật tích cực" trong giáo dục
Cần hướng tới "kỷ luật tích cực" trong giáo dục

“Nóng” chuyện kỷ luật và hình phạt trong giáo dục

Từ chuyện cô giáo Trường THCS Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội bị tạm đình chỉ đứng lớp vì phạt học sinh quỳ, gây bức xúc cho phụ huynh đã thu hút các luồng dư luận trái chiều.

Khá nhiều người, trong đó có giáo viên, đã bày tỏ sự cảm thông, lo lắng, thậm chí bức xúc khi "giáo dục học sinh thời nay khó quá, xểnh ra là bị "tạm đình chỉ", chỉ cần phụ huynh có đơn, học sinh tung hình lên mạng và truyền thông vào cuộc". Họ cho rằng cô giáo Trường Tô Hiệu chỉ bị tai nạn nghề nghiệp vì muốn giáo dục học sinh.

Một số giáo viên cho rằng: Chỉ cần có đơn phụ huynh là tạm đình chỉ đứng lớp, đó là hình phạt rất nặng với giáo viên, trong khi lẽ ra cần tìm hiểu kỹ sự việc để nắm học sinh đã có sai phạm gì dẫn đến việc giáo viên phải phạt quỳ? Học sinh có tái phạm nhiều lần không, giáo viên đã gặp trao đổi với cha mẹ học sinh để cùng phối hợp giúp đỡ học sinh chưa?

Trước câu chuyện phạt quỳ ở Trường THCS Tô Hiệu, ở nhiều trường khác cũng đã xảy ra các hình phạt học sinh rất tiêu cực, gây phẫn nộ cho xã hội.

Cũng bởi thế, lo lắng, bức xúc của nhiều người trong giáo giới là có căn cứ vì hiện nay nhiệm vụ giáo dục học sinh trở nên nặng nề hơn khi diễn biến tâm lý, lối sống đạo đức học sinh phức tạp do tác động bởi nhiều tiêu cực trong xã hội, do giáo dục gia đình đang bị buông lỏng.

Bất luận lý do, những hình phạt học sinh theo xu hướng tiêu cực đang chứng tỏ sự bế tắc và đơn độc của các thầy cô giáo. Họ đối diện với các biểu hiện tiêu cực của học sinh lặp đi lặp lại mà không có đủ năng lực, kỹ năng, không được hỗ trợ từ ban giám hiệu, tổ bộ môn, đồng nghiệp và cha mẹ học sinh để có cách ứng xử, uốn nắn học sinh phù hợp.

Áp lực công việc, thành tích cũng khiến nhiều giáo viên có hành xử khắc nghiệt, tiêu cực và mất kiểm soát với những học sinh vi phạm.

Dù chia sẻ, nhưng phải thấy rõ rằng thời kỳ "phạt quỳ" học sinh nên khép lại. Có rất nhiều cách dạy trẻ truyền thống như đánh học sinh, phạt quỳ, thậm chí là đuổi học sinh ra ngoài cần chấm dứt ở thời đại mới, dù đó là cách truyền thống ít nhiều hữu hiệu trong việc giáo dục với nhiều học sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, hướng đến những hình phạt khác hiệu quả hơn, có thể khiến học sinh tự nguyện chấp hành, nhận thức được cái sai mới là điều nên bàn. Giáo viên cần thực hiện các buổi sinh hoạt, trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục học sinh theo hướng "kỷ luật tích cực". Đây là việc cần làm ngay, để người thầy không đơn độc đối diện với những tình huống có thể khiến họ "sẩy chân" bất cứ lúc nào.

Dự thảo về quy định tăng tuổi nghỉ hưu thu hút sự quan tâm không chỉ của giáo giới (Ảnh minh họa)
Dự thảo về quy định tăng tuổi nghỉ hưu thu hút sự quan tâm không chỉ của giáo giới (Ảnh minh họa) 
Luật Lao động hiện hành được áp dụng cho tất cả các đối tượng công chức, viên chức và người lao động. Thực tế cũng có một số quy định riêng cho người làm những công việc nặng nhọc, độc hại, lao động có trình độ cao, nhưng chưa nhiều. Vì vậy, khi hoạch định những chính sách này, nhóm lao động làm việc theo hợp đồng cần phân thành nhiều nhóm ngành nghề cụ thể hơn. Ví dụ như ngành Giáo viên MN mà vẫn quy định tuổi nghỉ hưu giống như các lao động khác, nếu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nhóm này đối với nam 62 và nữ 60 tuổi là không phù hợp.
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Nhà giáo quan tâm dự thảo về tăng tuổi nghỉ hưu

Tăng tuổi nghỉ hưu đã trở thành một “điểm nóng” trong nội dung Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội. Đối với ngành Giáo dục, nội dung này đang dấy lên tâm tư, băn khoăn của đông đảo cán bộ, giáo viên.

Đông đảo giáo viên đồng ý với đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên vì dạy học là lao động nghề nghiệp có tính chất đặc thù nên trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam thì việc giảng dạy, thực hiện đổi mới gặp nhiều khó khăn, hiệu quả công việc không cao; đặc biệt với giáo viên cấp học mầm non (MN) thì sự bất cập càng lớn hơn nữa.

Giáo viên MN là bậc học cần sự đổi mới, hoạt bát, linh hoạt trong tất cả các hoạt động, tuổi hưu tăng sẽ thật khó cho họ trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Vì vậy Bộ LĐ-TB&XH nên xem xét lại việc tăng tuổi hưu cho phù hợp với đặc thù ngành, nghề.

Nhiều ý kiến cho rằng, tuổi nghỉ hưu tăng thì chỉ thích hợp với những cán bộ quản lý chứ giáo viên khi đã 50 tuổi là khó có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới ngày càng cao như hiện nay, nhất là giáo viên MN phải làm đủ thứ công việc như: Múa, hát, vẽ, vận động... và rất nhiều công việc không tên: Như lau chùi, dọn vệ sinh như công nhân vệ sinh, làm việc với cường độ cao từ 8 đến 12 giờ.

Băn khoăn lớn nhất về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là chính sách không phân biệt các nhóm lao động, ngành nghề, công việc đặc thù. Việc “bỏ chung một giỏ” là dễ cho người làm chính sách nhưng sẽ có những tác động không tốt khi thực hiện chính sách.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Không quy định yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm với giảng viên

Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ không quy định yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm với giảng viên.

Ông Hoàng Đức Minh cho biết: Theo qui định tại Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005, các giảng viên giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Quy định như vậy là vì hầu hết họ là sinh viên khá, giỏi được giữ lại trường, chưa có kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm (không như giáo viên mầm non, phổ thông được đào tạo là nghề sư phạm).

Tuy nhiên trong thực tế triển khai, vì những nguyên nhân khác nhau mà có giảng viên (trong đó có giáo sư, phó giáo sư) chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Luật Giáo dục được ban hành năm 2005. Sau 14 năm thực hiện Luật, đến thời điểm hiện nay, quy định về nghiệp vụ sư phạm đối với giảng viên đã có những bất cập nảy sinh, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Tuy nhiên, vì nội dung này quy định trong Luật nên không tự bỏ ngay được mà phải đợi đến khi sửa Luật.

Hiện, Bộ GD&ĐT đang rà soát và đề xuất chỉnh sửa trong Luật Giáo dục (sửa đổi) tới đây; theo đó các yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm đối vởi giảng viên sẽ không quy định trong Luật mà sẽ đưa vào các quy định ở các văn bản áp dụng đối với các trường hợp cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.