Sắp xếp mạng lưới các cơ sở sư phạm đào tạo giáo viên
Nhân việc Bộ GD&ĐT đang tập trung xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở sư phạm đào tạo giáo viên cho GD mầm non và GD phổ thông trên qui mô toàn quốc, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã đề xuất một số kiến nghị, trong đó có những kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo Hiệp hội, hiện tại với khoảng 100 đơn vị đào tạo sư phạm, quy mô tuyển sinh hằng năm cho các ngành đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông là gần 50.000 sinh viên (ở cả trình độ ĐH và CĐ sư phạm).
Trong nhiều năm qua, có tình trạng nhu cầu các giáo viên giảm trong khi số lượng giáo sinh ra trường lại không hề giảm, dẫn tới hậu quả số sinh viên sư phạm bị thất nghiệp khi ra trường tăng liên tục.
Cùng với chủ trương "ĐH hóa" đội ngũ giáo viên phổ thông, đang có xu hướng tập trung giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên chỉ cho một số trường ĐH sư phạm trọng điểm. Dù đây là chủ trương đúng, nhưng cần bước đi thích hợp.
Hiệp hội bày tỏ lo lắng trước chiều hướng có những ý định vội vàng muốn giải thể hàng loạt trường sư phạm hiện nay.
Điều này xuất phát từ thực tế hệ thống các trường sư phạm đã trải qua nhiều bước thăng trầm trước các biến động về nhu cầu giáo viên, lúc tăng đột biến về quy mô (dẫn đến việc ra đời ồ ạt nhiều trường sư phạm mới) nhưng cũng có lúc bão hòa, thậm chí sụt giảm như hiện nay.
Câu chuyện này cũng tương tự với nhiều nước trên thế giới - đặc biệt ở các nước mà phần đông giáo viên phục vụ trong khu vực công theo chế độ viên chức - thường có sự biến động trong nhu cầu giáo viên theo nhu cầu lượn sóng.
Song kinh nghiệm quốc tế vẫn hướng đến khuynh hướng phải duy trì sự tồn tại ổn định của các đơn vị, dù tồn tại độc lập hay nằm trong một cơ sở đào tạo ĐH đa lĩnh vực, chứ không xóa đi chức năng đào tạo giáo viên của các cơ sở này.
Do đó, trong khi chưa phê duyệt quy hoạch mạng lưới, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các bộ ngành, các tỉnh, thành phố liên quan - chưa sáp nhập các trường sư phạm với các đơn vị khác thuộc thẩm quyền.
Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Trước mắt cần giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay. Trong đó thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường ĐH sư phạm, ĐH giáo dục trọng điểm, các trường/khoa ĐH sư phạm địa phương, các trường/khoa CĐ sư phạm.
Nhà nước hỗ trợ thành lập trường thực hành chất lượng cao trong các trường sư phạm. Ngoài ra, việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên thực hiện chủ yếu theo địa chỉ, chứ không theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên về lâu dài, các cơ sở sư phạm cần từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các ĐH đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường ĐH địa phương, CĐ cộng đồng để có sự ổn định trong hoạt động và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở giáo dục ĐH trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn.
Chủ trương chuyển từ thi giáo viên dạy giỏi sang hình thức xét công nhận GV dạy giỏi đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình (Ảnh minh họa) |
Chuyển từ thi sang xét công nhận GV dạy giỏi
Chủ trương chuyển từ thi giáo viên dạy giỏi sang hình thức xét công nhận GV dạy giỏi đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của GV và cán bộ quản lý GD các cấp. Mục đích là nhằm giảm áp lực cho GV và tôn vinh những GV giỏi, tâm huyết với nghề.
Hiện Bộ GD&ĐT đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo thông tư quy định việc xét, công nhận GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm giỏi các cơ sở GD mầm non, phổ thông.
Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Dù thi hay xét cũng nhằm mục đích tôn vinh các nhà giáo có tay nghề giỏi. Bên cạnh đó, tạo động lực để nhà giáo phấn đấu trong nghề nghiệp và được cống hiến, lan tỏa đến đồng nghiệp khác.
Về tiêu chí tín nhiệm của phụ huynh, ông Minh cho biết, đây không phải là phụ huynh đánh giá GV mà là lấy ý kiến tín nhiệm. Rõ ràng môi trường GD của chúng ta là: Gia đình, nhà trường và xã hội. Để GV dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi thì họ phải có rất nhiều hoạt động với phụ huynh. Vì thế, với phụ huynh cần có tín nhiệm chứ không phải đánh giá.
“Chúng ta không làm khó và cũng không làm cho tình hình phức tạp thêm. Những gì không hiệu quả thì kiên quyết không làm. Quan điểm là đúng, đủ và tôn vinh được GV theo mục đích trên. Tuyệt đối không để áp lực này thành áp lực khác” - ông Minh nhấn mạnh.
Trường tiểu học Đồng Lương (Thanh Hóa), nơi xảy ra vụ loạn sát học sinh gây hoang mang dư luận |
Từ vụ loạn sát học sinh ở Thanh Hóa: Cần siết chặt an ninh trường học
Vụ việc thanh niên xông vào trường chém chết học sinh tại Trường tiểu học Đồng Lương (Thanh Hóa) gây rúng động dư luận và lo ngại với phụ huynh. Từ bài học này, vấn đề an ninh trường học đòi hỏi được các nhà trường quan tâm nhiều hơn với các phương án đề phòng cụ thể và hiệu quả hơn, nhằm ngăn chặn những trường hợp đáng tiếc tương tự.
Trước sự việc nam thanh niên đột nhập vào trường Tiểu học Đồng Lương (huyện Lang Chánh) đâm học sinh thương vong, chiều tối 3/5, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xử lí nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời có giải pháp bảo đảm an toàn trường học:
Ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu điều tra, xác minh làm rõ vụ việc nam thanh niên vào trường đâm chém giáo viên và học sinh tiểu học tại Thanh Hóa. Thứ trưởng nhận định đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng của các học sinh và giáo viên.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở GD&ĐT, các sở, ban, ngành địa phương liên quan kịp thời cứu chữa cho các em học sinh bị thương; chủ động thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình học sinh bị tử vong và các gia đình có học sinh bị thương; ổn định tâm lý cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường để hoạt động dạy và học sớm trở lại bình thường. Đồng thời, điều tra, xác minh làm rõ vụ việc và xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tăng cường giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các trường học trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần đối với giáo viên và học sinh.