Công tác bồi dưỡng phải đáp ứng nhu cầu
Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, chúng ta thừa nhận có những lúc việc bồi dưỡng đã không sát với trình độ, chúng ta cấp phát bồi dưỡng những thứ mà giáo viên không cần, không dùng được với công việc của họ. Đó là việc cung không đúng cầu.
“Để công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả thì câu hỏi đầu tiên mà nhà quản lý phải trả lời giáo viên là: Tại sao phải bổi dưỡng và tự bồi dưỡng” – cô Nhiếp nêu vấn đề, đồng thời phân tích:
Mỗi ngôi trường, mỗi mô hình khác nhau, nhà quản lý cần nắm chắc, thấu hiểu và giải thích được tại sao giáo viên của mình phải tham gia bồi dưỡng? Ở mỗi độ tuổi họ cần bồi dưỡng gì và bồi dưỡng như thế nào? Để từ đó có những chuyên đề bồi dưỡng phù hợp nhằm mang lại hiệu quả.
Ở ngôi trường tự chủ tài chính, toàn phần hay tư thục, giáo viên được trả lương theo năng lực và hiệu quả công việc thì nhu cầu được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của giáo viên rất lớn.
Vì thế nhà quản lý không phải giải thích nhiều về câu hỏi tại sao giáo viên phải bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.
Điều khó khăn ở những mô hình này là phải tìm được những chuyên đề rất cập nhật, rất đổi mới và ngày càng thiết thực cho công việc giảng dạy của giáo viên.
Theo cô Nhiếp, đa số ngôi trường công lập truyền thống, tại sao giáo viên phải tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng là chuyên đề để quyết định sự thành công công tác bồi dưỡng của mỗi trường.
Thế nhưng chúng ta lạ không thể bồi dưỡng thường xuyên hoặc bồi dưỡng độc lập chuyên đề đó, mà chuyên đề đó cần dược nhà quản lý bền bỉ, kiên trì, linh hoạt tổ chức bồi dưỡng tích hợp, lồng ghép với các chuyên đề bồi dưỡng cụ thể và cách bồi dưỡng cụ thể.
“Sâu thẳm trong lòng mình, đa số giáo viên đều có nhu cầu được ghi nhận, được đánh giá, được khẳng định giá trị của mình trước đồng nghiệp, trước học trò. Mỗi nhà quản lý cần nhìn được ánh sáng lấp lánh đó ở mỗi giáo viên, từ mỗi chuyên đề bồi dưỡng cụ thể để ghi nhận, khích lệ họ và chính họ sẽ là người tích cực giúp các nhà quản lý bồi dưỡng cho giáo viên khác được tốt hơn ở những chuyên đề bồi dưỡng tiếp theo” - cô Nguyễn Thị Nhiếp nhấn mạnh.
Hiệu trưởng tham gia bồi dưỡng và tổ chức bồi dưỡng
Cũng theo cô Nhiếp, nhà quản lý và giáo viên cơ sở nào mà thấy “thiếu thiếu” khi hơi lắng các hoạt động bồi dưỡng nâng cao trình độ và cập nhật đổi mới, thì đó là một cơ sở giáo dục tiến bộ và phát triển.
Dù ở ngôi trường nào, mô hình gì, để công tác bồi dưỡng hiệu quả thì hiệu trưởng phải là người cùng tham gia bồi dưỡng với đồng nghiệp và là người tổ chức bồi dưỡng cho đồng nghiệp.
Khi tham gia bồi dưỡng, hiệu trưởng không chỉ được học thêm kiến thức, phương pháp mà còn gần gũi để hiểu hơn về tâm lý, những khó khăn, vướng mắc của đội ngũ giáo viên, để từ đó xác định những nội dung mà đội ngũ giáo viên của mình cần được bồi dưỡng và theo cách nào.
“Hiệu trưởng phải là người nắm chắc nội dung và phương pháp bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, phải là người cùng học, chân thành chia sẻ những khó khăn của bản thân về nội dung bồi dưỡng và sẵn sàng hướng dẫn giáo viên khi họ chưa thạo, chưa rõ về nội dung bồi dưỡng.
Hiệu trưởng hãy tận dụng các hoạt động giáo dục của nhà trường để tổ chức và thực hiện công tác bồi dưỡng, nhen lửa nhiệt huyết cho đội ngũ giáo viên”- cô Nguyễn Thị Nhiếp trao đổi.