Hiệu quả lớn từ phong trào ý nghĩa

Hiệu quả lớn từ phong trào ý nghĩa

(GD&TĐ) - Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” (THTT, HSTC) được phát động từ tháng 5/2008. Phong trào thi đua này được bình chọn là một trong những sự kiện tiêu biểu nhất của toàn ngành GD trong 3 năm liền kể từ năm 2009. Sau 4 năm thực hiện, những kết quả của phong trào đã tác động sâu rộng và vô cùng ý nghĩa đối với toàn bộ hệ thống các trường mầm non, và phổ thông trên toàn quốc.

Toàn xã hội cùng vào cuộc

Bộ GD&ĐT đã có Chỉ thị số 3398/CT-BGDĐT ngày 12/8/2011 về nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2011- 2012, trong đó nhấn mạnh tiếp tục triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng THTT, HSTC” (gọi tắt là Phong trào) triển khai Phong trào được đưa vào tiêu chí đánh giá kết quả thi đua trong năm học đối với mỗi sở GD&ĐT. Công tác kiểm tra chéo kết quả Phong trào giữa các tỉnh tại 7 vùng thi đua cùng với các mặt, lĩnh vực công tác khác của các sở GD&ĐT tiếp tục được tổ chức định kì và tổng kết vào cuối năm học. Bộ GD&ĐT chủ trì cùng với các Bộ, ngành trong Ban chỉ đạo tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện Phong trào năm học 2011-2012 vào tháng 3- 4/2012 tại 12 tỉnh/thành phố thuộc 7 vùng thi đua trên cả nước; Công đoàn GD Việt Nam chỉ đạo lồng ghép nội dung Phong trào vào các cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và “Quyên góp giúp HS, GV  vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn”; Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch liên ngành; Hội Phụ nữ VN tiếp tục chỉ đạo các nội dung về: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bà mẹ về vai trò của GD với sự phát triển toàn diện của trẻ; Hướng dẫn kỹ năng nuôi dạy trẻ... Hội Khuyến học VN thực hiện tốt 10 nhiệm vụ “Khuyến học”; tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Tháng khuyến học; tăng cường gây Quỹ khuyến học dưới nhiều hình thức; TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức các hoạt động rèn luyện kĩ năng công tác xã hội cho cán bộ Đoàn thông qua các câu lạc bộ kĩ năng sống...

Cô và trò cùng thân thiện. Ảnh Văn Lê
Cô và trò cùng thân thiện. Ảnh Văn Lê

Ở địa phương, BCĐ Phong trào ở 63/63 tỉnh/thành phố tiếp tục được kiện toàn. Hằng năm BCĐ tổ chức họp định kỳ, ký kết kế hoạch phối hợp liên ngành theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo trung ương và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Phong trào tiếp tục được đón nhận, ủng hộ của tất cả các nhà trường, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể và cha mẹ HS...

Kết quả nổi bật sau 4 năm thực hiện 

Có thể khẳng định, phong trào thi đua THTT, HSTC đã có sức lan tỏa rộng, phù hợp với tất cả các loại hình trường ở các mức độ khác nhau. Điều đó được khẳng định khi Phong trào đã nhận được sự đồng thuận của cán bộ, GV, HS, gia đình HS, các ban ngành đoàn thể, cộng đồng và xã hội. Sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương là nhân tố quan trọng cơ bản của việc thực hiện Phong trào. Tỉ lệ trường MN, PT tham gia Phong trào ngày càng cao và đến nay đã đạt đến 99,75 (tăng 3,46% so với sơ kết 3 năm). Ở hầu hết các tỉnh/thành phố đã có sự tham gia của các TT GDTX, một số trường TCCN. 

tiết mục văn nghệ đặc sắc của thầy và trò trường PTDTNT tỉnh Điện Biên
Tiết mục văn nghệ của thầy và trò trường PTDTNT tỉnh Điện Biên

Quang cảnh nhà trường tiếp tục được cải thiện, khang trang, xanh, sạch, đẹp, an toàn; thực hiện 3 đủ. Hầu hết các nhà trường đã có cổng trường, tường bao quanh đẹp hơn, an toàn hơn. Diện tích đất của nhà trường ở nhiều nơi được mở rộng, có trường đã vượt tiêu chuẩn của trường chuẩn Quốc gia ở một số chỉ tiêu, trước hết là về diện tích nhà trường.

Mối quan hệ trong nhà trường trở nên thân thiện hơn. Thầy cô giáo, cán bộ nhà trường chủ động xây dựng không khí thân thiện thông qua tổ chức “Tiết giảng thân thiện”, xây dựng “Lớp học thân thiện”, “Thư viện thân thiện”... Việc đổi mới phương pháp dạy và hướng dẫn tự học tốt hơn làm cho HS hứng thú trong tiếp thu kiến thức và trở nên tích cực hơn trong các hoạt động GD. Cách đánh giá, chấm điểm công khai, công bằng được chú trọng hơn, tạo không khí dân chủ trong trường học tốt hơn. HS được tham gia trò chơi dân gian, hát dân ca nhiều hơn và trở thành nền nếp thường xuyên đã tạo nên môi trường GD vui tươi hơn ở hầu hết các nhà trường. Một số nội dung mới như công tác tư vấn, hỗ trợ cho HS, GD kĩ năng sống, GD ở vùng HS dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được bước đầu thực hiện. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trong HS, SV giảm so với trước đây.

Một kết quả dễ dàng nhận thấy khác đó là cán bộ, GV nhiệt tình đổi mới PPDH, tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, phát huy sáng tạo trong dạy học và tổ chức các hoạt động GD. Phong trào mỗi cán bộ, GV có ít nhất 1 sáng kiến đã trở thành phổ biến ở hầu khắp các nhà trường. Nhiều GV nghiên cứu khoa học sư phạm và có kết quả ứng dụng cao trong công tác, nhiều người vươn lên đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học trở thành thường xuyên, có tác dụng rất tốt cho tổ chức dạy học và hoạt động GD ở hầu hết các nhà trường. Bước đầu có sự chuyển biến trong cách học của HS...

Đặc biệt, Phong trào thực sự có tác động mạnh mẽ tới việc GD truyền thống, đạo đức, lối sống cho HS. Thông qua chăm sóc, tìm hiểu, tuyên truyền về di tích lịch sử, văn hóa, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công; học tập những gương chiến đấu, lao động, học tập của các thế hệ, đã làm cho HS gắn bó, yêu quê hương đất nước hơn, cụ thể hơn, sâu sắc hơn. Bài học trong sách vở trở nên sống động hơn qua tiết học ở bảo tàng, thực địa, làng nghề, danh thắng, di tích, làn điệu văn hóa dân gian, trò chơi dân gian, lễ hội văn hóa các dân tộc... Thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao góp phần tích lũy tri thức, rèn luyện ý chí, thái độ, kĩ năng cho trẻ mầm non và HS phổ thông. Công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo quốc gia được các nhà trường chủ động triển khai trong CB, GV, HS và SV...  

Đưa phong trào phát triển thành bản chất nhà trường

Năm học 2012-2013 là năm thứ 5 triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng THTT, HSTC”, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện các nội dung như: Định hướng một số nội dung cần thực hiện; Duy trì và mở rộng bền vững mô hình các loại THTT, HSTC ở các vùng khác nhau trong mỗi tỉnh/thành phố... GD văn hóa từ thực tiễn của mỗi địa phương thông qua các nội dung của Phong trào... Tích hợp nội dung THTT, HSTC vào xây dựng trường chuẩn Quốc gia, tiêu chí đánh giá trường học ở mỗi cấp học... Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho Hiệu trưởng, GV chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội, GV tư vấn học đường. Đưa nội dung THTT, HSTC vào chương trình của các trường sư phạm  để đào tạo và bồi dưỡng, cập nhật theo chu kì và hàng năm... Xây dựng THTT, HSTC là giải pháp cơ bản trong quá trình chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế... Tiếp tục chỉ đạo hệ thống thư viện tỉnh tiếp tục hỗ trợ ngành GD phát triển mạng lưới thư viện trường học, nhằm sử dụng có hiệu quả cho công tác giảng dạy và học tập của các trường học trên địa bàn... Tiếp tục lồng ghép nội dung  “Xây dựng THTT, HSTC” vào Đề án “GD 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, vận động “Quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng học tập giúp HS khó khăn”... Tiếp tục lồng ghép nội dung “Xây dựng THTT, HSTC” vào các hoạt động của Đoàn, Đội sao cho phù hợp với đặc thù của từng cấp học. 

Bên cạnh những nội dung, thì những công việc cụ thể cũng được thực hiện như: Chú trọng xây dựng môi trường thân thiện, tích cực ở trong và ngoài nhà trường; Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, GV nhà trường là khâu then chốt trong xây dựng THTT, HSTC; Phát huy tính tích cực, tự giác của người học là khâu quyết định của xây dựng THTT, HSTC; GD kĩ năng sống, lối sống, giá trị sống, năng lực thực hành, sáng tạo cho HS cần được chú trọng. Tạo điều kiện và cơ chế để HS tham gia nhiều hơn trong quá trình tiếp thu kiến thức và rèn luyện kĩ năng, liên hệ với thực tiễn xã hội; Tiếp tục chăm sóc và phát huy giá trị lịch sử văn hóa; Kiểm tra, đánh giá và tổng kết Phong trào thi đua giai đoạn 2008-2013...

Sông La

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ