Khoá đào tạo do Chính phủ Australia hỗ trợ, thông qua Chương trình Aus4Skills, được thực hiện bởi TAFE Nam Úc và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật Việt Nam. Các học viên tham dự khóa học đến từ Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức người khuyết tật đại diện cho các vùng miền trên cả nước.
Đồng hành hỗ trợ người khuyết tật
Cuối năm 2020 đầu năm 2021, Chương trình Aus4Skills của Chính phủ Australia lần đầu tiên phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người khuyết tật (DRD) và Trung tâm Nghiên cứu Người khuyết tật (CDS) triển khai chuỗi hội thảo và đào tạo trực tuyến liên quan đến các vấn đề khuyết tật, điều chỉnh hợp lý trong giáo dục và việc làm dành cho 20 giảng viên hỗ trợ sinh viên khuyết tật đến từ 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên cả nước.
Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động xây dựng chiến lược thúc đẩy sự tham gia của các thành phần xã hội, trong đó có người khuyết tật, giúp họ tiếp cận các cơ hội giáo dục nghề nghiệp và việc làm hướng đến đa dạng hóa lực lượng lao động của Việt Nam.
Năm 2022, Aus4Skills tiếp tục hợp tác với DRD và các tổ chức để hỗ trợ các doanh nghiệp logistics, cơ sở GDNN gỡ bỏ những rào cản đối với sinh viên khuyết tật. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Australia, các cơ sở GDNN đã xây dựng một số chính sách và kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy sự tham gia của các thành phần xã hội tại nơi làm việc và trong chương trình đào tạo của các trường.
Trên cơ sở đó, từ 1/3/2022 đến 31/5/2022 Aus4Skills và DRD đã tổ chức 2 hội thảo chuyên đề kết hợp chuyến tham quan thực tế tại Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức và 01 khóa học trực tuyến cho 31 giảng viên GDNN đến từ 14 cơ sở GDNN và 3 Hội NKT của Việt Nam để giúp họ đánh giá thực trạng, lập và triển khai các kế hoạch hỗ trợ sinh viên khuyết tật trong thực tế.
Tại hội thảo 1, học viên được cung cấp các thông tin liên quan đến các khái niệm khuyết tật, thách thức và rào cản mà NKT phải đối mặt trong giáo dục và cuộc sống, tầm quan trọng của việc thúc đẩy hoà nhập NKT tại cơ sở giáo dục. Cũng trong buổi này, Aus4skills và DRD giới thiệu đến học viên khoá học trực tuyến và hệ sinh thái đào tạo và việc làm mà DRD đang thực hiện.
Hội thảo 2, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Úc và Việt Nam, khoá học thực hiện trực tuyến trên nền tảng website. Học viên được tham quan trực tiếp mô hình triển khai hỗ trợ sinh viên khuyết tật tại Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức. Sau đó chia thành 6 nhóm thảo luận và lên kế hoạch hành động phù hợp với thực tế của các trường nhằm thúc đẩy mục tiêu đa dạng hoá và hoà nhập NKT tại cơ sở GDNN .
Hành động thiết thực
Tại Hội thảo tổng kết diễn ngày 31/5, 6 nhóm hoạt động đã trình bày 6 chương trình/kế hoạch hành động đang được triển khai các bước đầu và sẽ kéo dài trong thời gian tới.
Nhóm 1, gồm Hội NKT Hà Nội, Hội NKT Đà Nẵng và Hội NKT Cần Thơ, đã trình bày phối hợp triển khai hoạt động truyền thông cung cấp thông tin về hòa nhập sinh viên khuyết tật trong GDNN đến 300 lượt người thông qua mạng xã hội và chia sẻ trực tuyến.
Nhóm 2, gồm Trường Trung cấp Kỹ thuật-Kinh tế Nguyễn Hữu Cảnh, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thuỷ lợi, Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V, đưa ra thông tin về xây dựng kế hoạch truyền thông và thúc đẩy đổi mới chương trình giảng dạy hiệu quả thiết thực thu hút NKT đến với trường.
Nhóm 3 gồm Trường Cao đẳng Hàng hải I, Trường Cao đẳng kinh tế công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng kinh tế TP Hồ Chí Minh tập trung xây dựng chương trình truyền thông nâng cao nhận thức trong tuyển sinh và giảng dạy đối với sinh viên khuyết tật; thiết kế chương trình đào tạo phổ quát điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp với sinh viên khuyết tật.
Nhóm 4, Trường Cao đẳng nghề Việt Xô 1, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đề ra các hành động bao gồm Xây dựng quy chế chung tiếp nhận và tư vấn NKT lựa chọn ngành nghề; Khảo sát các rào cản NKT tiếp cận của cơ sở giáo dục; Tập huấn cán bộ tư vấn tuyển sinh; Tập huấn về tâm lý giúp người giáo viên lồng ghép chia sẻ NKT trong thời gian học tập.
Nhóm 5 có Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, Cao đẳng kinh tế đối ngoại, đưa ra thông điệp hướng đến việc Tổ chức buổi tọa đàm để giới thiệu về chương trình hoà nhập NKT tại cơ sở, truyền thông quảng bá trên fanpage và trang web của trường.
Nhóm 6, gồm Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Tp. HCM, Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp-Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đưa ra mô hình xây dựng chương trình sơ cấp nghề Vận hàng kho và hệ thống giáo trình, tài liệu học tập phù hợp với đào tạo học sinh, sinh viên khuyết tật; Kết nối doanh nghiệp logistics hỗ trợ thực tập và việc làm cho sinh viên và Đánh giá quá trình đào tạo tại trường.
Cùng đồng hành
Chia sẻ cùng các học viện, bà Jen Cousins, Chuyên gia Giảng dạy và Học Tập, Trường Đào tạo Nghề TAFE Nam Úc cho rằng: Trang thiết bị hạ tầng, thông tin khóa học là những điều NKT muốn biết, để họ thấy được sự hỗ trợ học tập ra sao, việc làm sau tốt nghiệp thế nào. Chúng ta cần thúc đẩy hoạt động tư vấn, kết hợp cùng doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm, kết nối cung cầu để 2 bên gặp nhau. Việc xây dựng chương trình đao tạo phải đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp.
Cần phải xem cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sao cho phù hợp với NKT, cần thay đổi nhận thức, không chỉ thay đổi tư duy của GV và lãnh đạo mà thay đổi nhận thức của gia đình và NKT thấy được có thể tham gia vào thị trường lao động, các nhà trường, GV sẵn sàng hỗ trợ, để hòa nhập không chỉ với NKT mà còn với tất cả mọi người, các đối tượng dễ tổn thương trong xã hội, sao cho chúng ta có nhiều học viên khuyết tật và các đối tượng đồng cảnh khác cùng đến trường. - bà Jen Cousins nhấn mạnh.
Ông Devinder Grewal, Cố vấn Giáo dục Nghề nghiệp của Aus4skills, cho rằng: Các nhóm đã chia sẻ các kế hoạch hành động cụ thể, và thiết thực để NKT tham gia học tập và tiếp cận thị trường việc làm. Tuy nhiên cần phải làm nhiều hơn nữa, để xóa bỏ rào cản về nhận thức, chừng nào nhận thức về NKT không làm dược việc thì hoà nhập NKT còn thách thức. Cần hỗ trợ để NKT hiện thực hóa ước mơ của họ. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều NKT được tiếp cận việc học nghề và việc làm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc D&D: Con đường còn dài, cần tư vấn mọi cách để NKT được tiếp cận với việc làm, doanh nghiệp thấy được và đưa ra các vị trí việc làm phù hợp. Cần có sự đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm của các trường trong việc tiếp cận NKT và các chương trình đào tạo và doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động dạy học cho NKT trong nhà trường. Cần đẩy mạnh tuyên tuyền bằng hình ảnh, thông tin về đối tượng tuyển dụng, ưu tiên NKT vào các vị trí công việc cụ thể, để NKT biết có chỗ dành cho mình để họ đăng ký học và làm việc.
Ông Ciaran Chestnutt, Phó Tổng Lãnh sự Australia tại TP Hồ Chí Minh: Tôi ấn tượng với sự cam kết mạnh mẽ của các bạn để duy trì việc học trực tuyến và tự học, đòi hỏi tính kỷ luật và rất nỗ lực rất nhiều. Đặc biệt, xin chúc mừng tất cả 31 học viên đã hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo đầy thử thách này. Tôi tin rằng thông qua hội thảo chuyên đề hôm nay, các bạn đã có thể trao đổi kiến thức đã học và cách hỗ trợ sinh viên khuyết tật trong giáo dục nghề nghiệp, đồng thời chia sẻ các cách tiếp cận thực tế trong thực hành giảng dạy của mình. Và hơn nữa, các bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm về việc thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, bao gồm cả người khuyết tật, tại các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề nghiệp của mình. Thông qua các hoạt động như vậy, tôi muốn khuyến khích các bạn tiếp tục nỗ lực góp phần tạo ra một môi trường GDNN thuận lợi cho sinh viên khuyết tật trong lĩnh vực Logistics. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn nhiều gia đình, cộng đồng và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.