Hiệu quả chỉ đến từ những phương pháp tích cực

Hiệu quả chỉ đến từ những phương pháp tích cực

(GD&TĐ) - Việc GD “kỷ luật tích cực” cho HS không phải là xúc phạm các em để rồi đẩy các em vào sự chán nản, bỏ học mà phải tạo ra mối quan hệ thân thiết giữa GV và HS, HS với HS, bố mẹ và con cái - đó là những ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo “GD đạo đức, lối sống cho HS bằng phương pháp kỷ luật tích cực” diễn ra ngày 27/5 tại TP HCM do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, cùng đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư, T.Ư Đoàn TNCS HCM, A 25-Bộ Công an và các Cục, Vụ, Viện, Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ, trường THPT, THCS cả nước.

Bạo lực học đường đến từ nhiều nguyên nhân

Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đánh nhau chủ yếu là do: thiếu tiền chơi điện tử, ăn chơi, đua đòi quá mức dẫn đến HS phạm tội giết người để cướp tài sản, hoặc bị tiêm nhiễm văn hoá phẩm đồi truỵ...

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) đánh giá: “Đó là do tác động của các hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội hiện nay và các cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức, thường xuyên đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên còn thiếu thốn, cách tổ chức chưa thu hút được HSSV. Mặt khác do gia đình có hoàn cảnh éo le như: ly hôn, cha hoặc mẹ vi phạm pháp luật, thiếu gương mẫu về đạo đức... đã ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ, lối sống của các em”.

Về phía nhà trường, ông Ngũ Duy Anh cũng chỉ ra: Mặc dù những năm qua chương trình GD đạo đức, lối sống cho HS được triển khai mạnh mẽ, nhưng nội dung còn nặng tính lý thuyết, ít liên hệ với xã hội, chậm đổi mới và mang tính hình thức. Một số nhà trường còn nặng về dạy “chữ”, nhẹ về dạy “người” và chưa có giải pháp ngăn chặn, GD từ khi mới có nguy cơ biểu hiện dẫn đến vi phạm pháp luật. Mặt khác, trong nhà trường vẫn còn có thầy, cô giáo vi phạm chuẩn mực đạo đức, chưa thực sự làm gương cho HS noi theo và thậm chí phương pháp GD còn gây hậu quả xấu đến sự phát triển của HS. Trong khi đó, mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình HS và các cơ quan chức năng địa phương còn lỏng lẻo, chỉ mang tính hình thức, không có chương trình kế hoạch cụ thể.

Sự gần gũi, thân thiện của thầy cô giáo sẽ giúp HS cởi mở hơn, chia sẻ, hành xử đúng đắn hơn trong học tập và cuộc sống
Sự gần gũi, thân thiện của thầy cô giáo sẽ giúp HS cởi mở hơn, chia sẻ, hành xử đúng đắn hơn trong học tập và cuộc sống

Trách nhiệm chính vẫn là môi trường GD

Nhắc đến việc GD cho HS, nhiều đại biểu đồng tình cho rằng: “phương pháp kỷ luật tích cực” là góp phần GD đạo đức, lối sống cho HS. Ngược lại của phương pháp này là việc trừng phạt thân thể (đánh, véo, kéo tai, giật tóc, quỳ, úp mặt vào tường...) và trừng phạt về tinh thần (la mắng, nhiếc móc, hạ nhục, bỏ rơi, làm cho xấu hổ, chửi rủa...). Đó là những biện pháp đã, đang diễn ra khá phổ biến. Điều đó gây ra những hệ quả nghiêm trọng, làm các em mất đi sự tự tin, giảm ý thức kỷ luật, căm ghét trường học, để lại những vết sẹo trong tâm hồn, khiến các em luôn có thái độ thù địch...

Em Lê Thị Hà My, HS trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) chia sẻ: “Cách xử phạt của người lớn hiện nay đa phần chưa thuyết phục được chúng em. Cách suy nghĩ áp đặt đôi khi hơi bảo thủ, không đặt mình vào hoàn cảnh của người phạm lỗi. Chưa kể đến những biện pháp xử lý quá nặng, có tính chất xúc phạm, khiến người bị phạt tổn thương, không tâm phục, tạo ra tâm lý chống đối, càng phạt thì càng vi phạm cho “bõ ghét”. Em biết “thương cho roi cho vọt” nhưng không nên sử dụng các hình thức quá thô bạo, la mắng nặng nề và không ngừng nhắc lại. Mong người lớn nên dành chút thời gian suy nghĩ về hình phạt và có cái nhìn độ lượng hơn để chúng em nhận ra khuyết điểm mà không thấy sợ bị phạt”.

Còn em Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, cùng trường với My bày tỏ: “Ngày nay, chúng em được tiếp nhận lối sống cởi mở hơn nên việc “đấu tranh cho bản thân” cũng rất mạnh mẽ. Chúng em chỉ chấp nhận những gì mình cảm thấy hợp lý. Thế nên, mỗi lần chúng em phạm lỗi, người lớn cần có những lời giải thích, tâm tình, nhất là tìm hiểu nguyên nhân sâu xa trước khi đưa ra hình phạt”.

Tăng cường các hoạt động vui chơi ngoại khoá lành mạnh cũng là một trong những phương pháp GD tích cực. Ảnh: C.Từ
Tăng cường các hoạt động vui chơi ngoại khoá lành mạnh cũng là một trong những phương pháp GD tích cực. Ảnh: C.Từ

 “GD đạo đức, lối sống cho HS bằng phương pháp kỷ luật tích cực” là tôn trọng các em và hoàn toàn không mang tính bạo lực, trừng phạt, có tính thuyết phục cao nhưng đồng thời vẫn đảm bảo kỷ luật. Đây là phương pháp hữu hiệu được các đại biểu cung cấp cho các em thông tin cần thiết để được GD toàn diện và hỗ trợ sự phát triển của các em. Ngoài ra GV cũng cần thay đổi cách ứng xử. Phương pháp GD này yêu cầu các GV phải quan tâm hơn những khó khăn của các em, tăng cường vai trò của các em trong việc xây dựng nội quy của lớp, trường học. Bên cạnh đó, nội dung này rất cần phải được tuyên truyền đến các phụ huynh HS bằng sách báo, hội thảo, tập huấn...

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quang Quý đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia GD và những chia sẻ của các em HS. Thứ trưởng nhấn mạnh công tác GD đạo đức, lối sống cho HS là việc làm cần thiết, nhưng việc uốn nắn hành vi như thế nào cần đòi hỏi phải có những phương pháp kỷ luật phù hợp. Thứ trưởng cho biết thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà trường, các cơ sở GD triển khai mạnh hơn nữa những công việc như: Xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá chung giữa các thành viên trong nhà trường; Quy định trách nhiệm của cán bộ, GV, đặc biệt là GV chủ nhiệm và HS trong nhà trường đối với công tác GD đạo đức lối sống cho HS; đẩy mạnh GD kỹ năng sống cho HS nhằm nâng cao nhận thức và định hướng chuẩn hành vi cho HS.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý, tình cảm trong nhà trường; xây dựng nền nếp học tập, rèn luyện sao cho HS thấy rõ trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, nhà trường và cộng đồng; Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp GD bằng biện pháp tiêu cực, gây tổn thương đến thân thể và tinh thần của HS; Tăng cường sự phối hợp nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương, trong đó chú trọng vai trò của Ban đại diện cha mẹ HS nhằm tạo sự nhất quán trong GD trẻ; Tăng cường các loại hình hoạt động GD đạo đức lối sống trong HSSV theo đúng chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, phù hợp với từng nhà trường; Phát huy vài trò của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc tổ chức các hoạt động tập thể…

Trung Toàn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ