Hiệu quả bước đầu từ mô hình CLB tiếng Anh

Hiệu quả bước đầu từ mô hình CLB tiếng Anh

(GD&TĐ) - Nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh, đồng thời rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống cho học sinh, những năm gần đây, mô hình câu lạc bộ tiếng Anh phát triển mạnh trong các trường học ở Quỳnh Lưu và đã mang lại những hiệu quả bước đầu.

Là một trường thuộc địa bàn nông thôn nhưng từ nhiều năm nay, Trường THCS Bá Ngọc (Quỳnh Lưu, Nghệ An) duy trì đều đặn hoạt động của mô hình câu lạc bộ tiếng Anh trong trường học. Điều đó giúp cho học sinh của trường ngày càng yêu thích môn tiếng Anh, khả năng nghe-nói tiếng Anh được nâng cao.

Em Nguyễn Thị Trường Giang, học sinh lớp 9A, Trường THCS Bá Ngọc cho biết: “Từ ngày tham gia câu lạc bộ tiếng Anh của trường, khả năng học tiếng Anh của em khá dần lên. Ban đầu, tiếng Anh đối với em là một môn mới, khó tiếp thu, nhưng nhờ đều đặn tham gia sinh hoạt CLB, tăng cường giao lưu, rèn luyện nghe-nói nên điểm bộ môn Tiếng Anh của em tăng dần, vừa rồi em được công nhận là học sinh giỏi cấp huyện môn này. Đặc biệt, từ khi tham gia CLB, em ăn nói lưu loát hơn, không còn run trước đám đông nữa”.

Học sinh Nghệ An (ảnh internet)
Học sinh Nghệ An (ảnh internet)

Hiện nay, 100% trường THCS trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đều đã thành lập được CLB tiếng Anh trong trường học. Các CLB được tổ chức sinh hoạt theo khối lớp, thu hút những học sinh giỏi tiếng Anh và học sinh yêu thích tiếng Anh tham gia, do một giáo viên làm chủ nhiệm CLB.

CLB sinh hoạt định kỳ 2 tuần 1 lần đối với từng trường và 1 tháng 1 lần đối với cụm trường, hàng quý, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức giao lưu CLB ở cấp huyện. Nội dung sinh hoạt phong phú, hình thức hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo học sinh tham gia. Mỗi lần sinh hoạt, CLB tổ chức sưu tầm, trình chiếu một đoạn phim, một bài hát tiếng Anh, sau đó các thành viên tham gia thảo luận, trao đổi.

Hoặc có thể thi hát tiếng Anh, thi đối thoại tiếng Anh, kể chuyện hoặc viết một đoạn văn bằng tiếng Anh. Hoặc đơn giản là thảo luận về một bài khoá, một bài tập khó trong sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bài tập... Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo còn mời một số khách du lịch nước ngoài, cán bộ là người nước ngoài ở Nhà máy Đường T&L Quỳ Hợp tham gia các buổi giao lưu, tạo điều kiện cho các em giao tiếp, từ đó điều chỉnh cách phát âm cho đúng chuẩn.

Với những hình thức ấy, các thành viên tham gia CLB không những chỉ được rèn luyện khả năng nghe-nói, mở rộng vốn từ vựng mà còn được rèn luyện cả kỹ năng diễn đạt, trình bày trước đám đông. Có thể nói câu lạc bộ tiếng Anh là sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh, tạo điều kiện để các em trao đổi kinh nghiệm, thắt chặt tình đoàn kết giữa các khối lớp với nhau, làm đa dạng các hoạt động tập thể trong nhà trường...

Thầy giáo Võ Minh Kỳ, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Việc thành lập các CLB tiếng Anh trong trường học đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Qua các lần sinh hoạt, các kỳ giao lưu, vốn kiến thức tiếng Anh của các em được cải thiện, các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp, trong sinh hoạt tập thể, khơi dậy niềm đam mê tiếng Anh cho học sinh. Nhờ đó, việc dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường ngày càng khởi sắc.

Trong kỳ giao lưu tiếng Anh toàn tỉnh năm học vừa qua, Quỳnh Lưu đứng thứ 2 toàn tỉnh; 10/10 em đạt học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh... Tuy nhiên, do còn hạn chế về thời gian, kinh phí, nên hiệu quả hoạt động của các CLB tiếng Anh trong trường học chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt, mô hình CLB cần những kiến thức chuyên sâu, cần đầy đủ các trang thiết bị, nhưng trên thực tế, các trường học chưa đáp ứng được.  Thời gian tới, Phòng sẽ chỉ đạo các trường nâng cao chất lượng sinh hoạt CLB, đa dạng hoá hình thức sinh hoạt và tổ chức lồng ghép vào các buổi ngoại khoá khác nhằm đem lại hiệu quả cao nhất”.

Phúc Oanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ