(GD&TĐ) - Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như của Đại học Quốc gia Hà Nội đều nhấn mạnh đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá trong công cuộc đổi mới giáo dục đại học ở nước ta hôm nay.
Cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội |
Điều này cho thấy giáo dục đại học có những đóng góp lớn lao và vai trò vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của cả dân tộc, với chức năng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Và cũng chính vì vậy, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Pháp … đều xem việc đầu tư cho giáo dục đại học chính là đầu tư cho tương lai của dân tộc mình. Vậy cần đổi mới cái gì và ai sẽ là người thực hiện sự đổi mới đó? Hiểu đúng vấn đề sẽ tìm được lời giải cho việc nâng cao chất lượng đào tạo theo như yêu cầu đặt ra.
Đổi mới là cấp thiết
Một trong những việc đầu tiên cần đổi mới là đổi mới việc quản lý chương trình giáo dục (curriculum), từ khâu thiết kế, quá trình thực thi tới việc đánh giá kết quả thực thi chương trình đó.
Chương trình giáo dục là sản phẩm của thời đại, là công cụ để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho thời đại đồng thời là thước đo trình độ phát triển của giáo dục của thời đại mà nó phục vụ (PF Olova 1988). Trong giáo dục đại học, chương trình (thiết kế, thực thi, đánh giá) là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng đào tạo. Mọi hoạt động trong toàn hệ thống, cũng như trong từng trường, của thầy, của trò, của người quản lý là nhằm thực thi chương trình đó một cách hiệu quả nhất (ngoài ra không còn việc gì khác?!). Do tầm quan trọng có tính quyết định của chương trình đối với chất lượng của giáo dục nói chung, trong đó có chất lượng của giáo dục đại học, khoa học về phát triển chương trình ở các nước có nền giáo dục tiên tiến đã được phát triển từ đầu thế kỷ XX.
Trải qua gần 100 năm phát triển, ngành khoa học này đã nghiên cứu hàng chục mô hình phát triển chương trình, phản ánh trung thực từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, từng thời đại mà nó phục vụ.
Rất tiếc là ở Việt Nam, khoa học về phát triển chương trình còn quá lạc hậu, trong khi khoa học này trên thế giới đã trải qua 4 giai đoạn phát triển (mô hình nhị nguyên, mô hình đồng tâm, mô hình liên kết, mô hình chu trình) thì chúng ta đang ở giai đoạn đầu (mô hình nhị nguyên), tức là khâu thiết kế và khâu thực thi bị tách rời, trong đó mỗi khâu đều bộc lộ những bất cập, tác động lớn tới chất lượng đào tạo.
- Khâu thiết kế
Theo phân cấp quản lý, Bộ Giáo dục & Đào tạo thiết kế và ban hành chương trình khung (tức khung chương trình và chương trình chi tiết khối kiến thức đại cương). Các trường căn cứ khung chương trình xác định tên các môn học thuộc các khối kiến thức cơ sở nhóm ngành, cơ sở ngành, chuyên ngành, nghiệp vụ và thiết kế chương trình chi tiết cho các môn học đó.
Do chưa có các nhà phát triển chương trình chuyên nghiệp nên khâu quan trọng nhất trong thiết kế bị bỏ qua - khâu phân tích nhu cầu xã hội, nhu cầu người học, nên phần xác định mục tiêu đầu ra của chương trình - yếu tố quyết định chất lượng chương trình, sự gắn kết đào tạo với sử dụng chủ yếu do các nhà thiết kế tự nghĩ ra, chứ không phải là kết quả của quá trình phân tích nhu cầu được tiến hành một cách bài bản.
Hệ quả của việc xác định mục tiêu đầu ra không khoa học dẫn tới việc không có định hướng trong việc lựa chọn, sắp xếp nội dung đào tạo, và hệ quả là quá nhiều môn học (50 - 60 môn) cho một khoá đào tạo 4 năm (trong khi ở các nước khác chỉ 20 - 25 môn). Những môn học 2, 3 tín chỉ chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức đơn lẻ, không xây dựng được nền tảng của một khoa học làm cơ sở cho tư duy sáng tạo trong cuộc sống lao động sau này.
- Khâu thực thi chương trình giáo dục
Thực thi chương trình tại các trường đại học đang là vấn đề cần được giải quyết sớm (trong khi khâu thiết kế cần có nhiều thời gian hơn).
Có hai vấn đề cần bàn:
Một là, lịch trình giảng dạy các môn học ở các năm đầu tiên (năm 1 và năm 2) là không phù hợp với lý luận dạy học hiện đại. Thông thường, những năm đầu tiên ở bậc đại học, sinh viên học được nhiều hơn ở các năm sau. Nhưng trong những năm 1 và 2 sinh viên chủ yếu học các môn ở khối kiến thức đại cương, như các môn khoa học chính trị, ngoại ngữ, tin học, thể dục .v.v…
Hai là, quy trình dạy học ở bậc đại học được thực hiện một cách tuỳ ý. Giảng viên đọc những bài giảng mà thầy có, bỏ qua khâu tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của người học cũng như yêu cầu của xã hội đối với kiến thức môn học. Do việc xác định mục tiêu môn học được xác định theo kiểu tự biện, nên rất chung chung, không thể sử dụng như chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học, nên cũng không thể dùng làm chuẩn để kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn học. Hơn nữa, hình thức, kỹ thuật kiểm tra đánh giá kết quả học tập lạc hậu và đơn điệu, không phản ánh đúng chất lượng dạy - học môn học.
Trong trường đại học, kiểm tra đánh giá hoàn toàn không thực hiện được chức năng sàng lọc, không đánh giá được sự tiến bộ của người học.
- Khâu đánh giá cải tiến
Thông thường, chương trình môn học được giảng viên đánh giá, cải tiến, cập nhật sau mỗi học kỳ, còn chương trình khoá đào tạo được nhà trường cập nhật sau mỗi năm học, và được đánh giá cải tiến toàn diện sau mỗi khoá học. Ở Việt Nam, khâu này thường bị bỏ qua. Phần lớn các giảng viên dùng một bài giảng cho nhiều năm (không kể các giảng viên ghi âm bài giảng của mình rồi phát lại cho các lớp khác nhau).
Vậy ai sẽ là người phải đổi mới
Bộ Giáo dục và Đào tạo
Là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thực hiện các biện pháp đổi mới sau: Phân quyền tối đa cho các trường trong việc thiết kế chương trình, chỉ nên quản lý các nội dung sau:
- Xây dựng quy trình xác định chuẩn đầu ra cho 1 chương trình như yếu tố quyết định tới nội dung đào tạo (các môn học), phương thức đào tạo, kiểm tra đánh giá kết quả đào tạo.
- Thực hiện kiểm định chương trình như một yếu tố quyết định chất lượng đào tạo (4 năm một lần).
- Phối hợp với các hội nghề nghiệp quản lý sinh viên tốt nghiệp đại học theo chuẩn nghề nghiệp.
- Thực hiện kiểm định chất lượng cấp trường, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Các trường đại học
- Thực hiện quy trình xác định chuẩn đầu ra cho một chương trình như một yếu tố quyết định việc sắp xếp nội dung dạy học, tổ chức đào tạo và kiểm tra đánh giá kết quả đào tạo.
- Xây dựng quy trình dạy học theo tín chỉ với các hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá tương ứng.
- Xây dựng quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập một cách khoa học để có thể thực hiện được chức năng sàng lọc, vì sự tiến bộ của người học.
- Định kỳ đánh giá chương trình giáo dục thông qua nhà sử dụng, cựu sinh viên, và các thành phần khác.
Các giảng viên
- Thực hiện nghiêm túc quy trình dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập
- Thường xuyên cập nhật nội dung môn học, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
- Sau mỗi học kỳ đánh giá cải tiến chương trình môn học, cập nhật, đổi mới ít nhất 20% nội dung môn học.
- Thu thập thông tin phản hồi từ sinh viên, đồng nghiệp, nhà quản lý để điều chỉnh hoạt động dạy học.
Sinh viên
- Với sự tư vấn của cố vấn học tập, xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân
- Rèn luyện phong cách học đại học (tự học, tự nghiên cứu, xác định mục đích là học tập cho bản thân chứ không phải vì bằng cấp).
Có thể nói, công cuộc đổi mới giáo dục đại học của chúng ta, tựu trung lại là đổi mới việc quản lý chương trình giáo dục, từ khâu thiết kế, thực thi, đánh giá kết quả đào tạo đến đánh giá cải tiến chương trình. Trong quá trình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường, từng giảng viên, sinh viên đều phải chủ động tham gia thực hiện tốt phần việc của mình. Nếu làm được như vậy thì trong vòng 5 - 10 năm sau chúng ta sẽ có một nền giáo dục đại học tiên tiến, đủ sức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc
Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN)