Hiện thực hóa ước mơ 'có nhà' của người thu nhập thấp

GD&TĐ - Thống kê cho thấy, tại Hà Nội có tới trên 80%, còn TPHCM gần 80% người lao động đang ở nhà trọ, phòng trọ thuê.

Chuyên gia đánh giá cao mô hình bốc thăm suất mua nhà ở xã hội của TP Hà Nội. (Ảnh minh hoạ)
Chuyên gia đánh giá cao mô hình bốc thăm suất mua nhà ở xã hội của TP Hà Nội. (Ảnh minh hoạ)

Hơn 80% người lao động đang ở nhà trọ

Mới đây, một khảo sát trực tuyến với sự tham gia của 1.200 lao động di cư trong nước và 41 doanh nghiệp thuộc ngành may mặc, da giày và điện tử tại TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) công bố cho thấy, nhà ở luôn chiếm một phần chi tiêu lớn đối với người lao động di cư trong nước khi họ rời quê hương để đến các tỉnh khác làm việc.

Một người lao động chi trả từ 1,2 - 1,5 triệu đồng cho chi phí thuê nhà ở hàng tháng, trong khi thu nhập tháng bình quân của họ khoảng 8,07 triệu đồng (theo khảo sát).

Điều này có nghĩa chi phí thuê nhà trọ của họ chiếm 14,8% - 18,5% thu nhập hàng tháng.

Cũng theo khảo sát, 78,7% người lao động hiện đang ở nhà/phòng trọ thuê, 16,1% ở nhà của gia đình và 5,1% ở nhờ nhà họ hàng.

Theo ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, hiện ngoài 3 khu công nghiệp là Thạch Thất (Quốc Oai), Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động, các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân.

Vì thế, khoảng trên 80% người lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư.

Một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, người lao động phải chịu nhiều chi phí như thuê nhà, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao.

Tình trạng này lại càng khó khăn với công nhân lao động ở các khu công nghiệp và chế xuất.

Vấn đề nhà ở cho công nhân còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động. Người lao động rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp.

Hiện nước ta đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000m2, mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

127 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000m2.

Giải pháp hiện thực hóa ước mơ “có nhà”

Nhiều công nhân cho rằng, hiện giá thuê nhà trọ cao, nếu cơ quan chức năng tăng thêm tiền điện thì chủ nhà trọ sẽ điều chỉnh giá bán điện cho công nhân. Công nhân còn lo tiền ăn, tiền học cho con cái…

Như vậy, mỗi tháng gia đình công nhân lại phải gồng gánh thêm các chi phí sinh hoạt. Vì thế, điều phần lớn công nhân mong muốn chính là “an cư lạc nghiệp”.

Trao đổi về vấn đề này, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Đảng và Nhà nước đã dành nguồn lực, sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề này.

Năm 2021, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Chiến lược này nêu rõ mục tiêu giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho công nhân gắn với khu vực sản xuất, bảo đảm đáp ứng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các khu nhà ở, tạo chỗ ở ổn định, nâng cao đời sống để công nhân an tâm lao động sản xuất, góp phần an sinh xã hội.

Nhưng đến nay, chỉ một bộ phận lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có thể mua, hoặc thuê được nhà ở, chiếm tỷ lệ rất thấp. Lượng lớn lao động vẫn phải ở tạm bợ hoặc không có nhà ở phải đi thuê.

TS Bùi Sỹ Lợi nêu rõ, chúng ta đã cơ bản giải quyết được vấn đề nhà ở cho khu vực nông nghiệp nông thôn và người nghèo, nhưng chưa làm được điều tương tự đối với công nhân lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất và người có thu nhập thấp.

Vừa qua, Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 –-2030”, TS Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao đề án này.

Ông cho rằng, tuyên bố mục tiêu này cùng với sự quan tâm thỏa đáng của Đảng và Nhà nước là điều rất đáng trân trọng, nhưng sẽ còn đáng trân trọng hơn nữa nếu mục tiêu đó được sớm hiện thực hóa.

Thực tế cho thấy, từ nay đến 2030 chỉ có thêm 1 triệu căn hộ và nếu không giải quyết sớm, đẩy nhanh tiến độ, công nhân các khu công nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, vấn đề nhà ở đóng vai trò quan trọng, vì đây là chìa khóa quyết định đến vấn đề việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, là cơ sở để thúc đẩy tăng năng suất lao động, ổn định xã hội.

Ông kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung nguồn lực giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và người lao động có thu nhập thấp ở đô thị.

Trrước hết cần tạo dựng các cơ chế thông thoáng, mở cửa cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, hỗ trợ họ về vốn, bàn giao đất sạch để xây dựng nhà ở xã hội.

Cần rút ra bài học kinh nghiệm để tránh tình trạng người có thu nhập cao mua nhà ở xã hội, bán lại hoặc cho thuê lại đối với người có thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp, các khu đô thị.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, đây là tình trạng đáng báo động, cần hết sức lưu ý để phân phối hợp lý, đảm bảo công bằng xã hội.

Ông đánh giá rất cao mô hình Hà Nội bốc thăm suất mua nhà ở xã hội, coi đó như là một điểm sáng mà các địa phương cần phải học tập kinh nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ