Nhà ở cho người thu nhập thấp: Giấc mơ sẽ thành sự thật

GD&TĐ - “An cư mới lạc nghiệp”. Ước mong có được ngôi nhà luôn là khát khao rất lớn của nhiều tầng lớp người dân đang sống và mưu sinh tại TPHCM. Nhằm giúp người lao động thu nhập thấp giải quyết bài toán nhà ở, nhiều năm nay, Chính phủ và TPHCM đã có nhiều chính sách để hỗ trợ như cho vay mua nhà lãi suất thấp, hỗ trợ vay từ Quỹ phát triển nhà ở TPHCM… 

Nhà ở cho người thu nhập thấp: Giấc mơ sẽ thành sự thật

Lộ trình và giải pháp thực hiện đã có, nhưng vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn. Tuy nhiên ước mơ về ngôi nhà đã gần hơn bao giờ hết với nhiều người.

Gấp rút xây dựng “ngân hàng” nhà ở xã hội

Đó là mục tiêu trước mắt của TPHCM từ nay đến năm 2020 và đến năm 2025 cơ bản đáp ứng được 50% nhu cầu nhà ở đang hết sức bức thiết cho cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Để thực hiện được mục tiêu và lộ trình trên, TPHCM đã và đang kết hợp nhiều chính sách, vận hành đồng bộ nhiều giải pháp để sớm tháo được “nút thắt” trong việc xây dựng được quỹ nhà ở xã hội, giải quyết bài toán an sinh xã hội.

Ở thượng tầng (vĩ mô), các chính sách của Chính phủ (Nghị định số 100/2015 NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội) cho phép các tổ chức tín dụng giữ nguyên mức lãi suất 5% cho các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở… tiếp tục giúp người thu nhập thấp có cơ hội mua và sở hữu nhà. Ở tầng vi mô, ngoài các chính sách nới lỏng về thủ tục pháp lý cho đối tượng thuộc diện mua nhà ở xã hội, TPHCM cũng đã và đang đẩy mạnh các gói tín dụng, hỗ trợ người thu nhập thấp vay mua nhà từ Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM

Theo Sở Xây dựng TPHCM, để đáp ứng kế hoạch hành động của TPHCM về việc xây dựng quỹ nhà ở xã hội, từ năm 2016 - 2020, TPHCM đã triển khai 39 dự án nhà ở xã hội với gần 45.000 căn hộ. Hiện có 9 dự án đã khởi công, 14 dự án được chấp thuận đầu tư và 16 dự án công nhận chủ đầu tư hoặc chủ trương đầu tư. Riêng năm 2017, sẽ hoàn thành 1.650 căn hộ; khởi công 23 dự án với khoảng 19.000 căn hộ. Trong đó có khoảng 20% số lượng căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội này để cho thuê, không được bán.

Thống kê của TPHCM cũng cho thấy, toàn thành phố có 476.000 hộ chưa có nhà ở riêng, 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Theo một kết quả khảo sát khác do Viện Nghiên cứu phát triển thành phố thực hiện, chỉ riêng nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020 thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.

Giấc mơ sẽ gần hơn

Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho biết: Theo quy định hiện nay, các đối tượng được phép mua nhà ở xã hội bao gồm cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; người lao động tự do, kinh doanh cá thể có thu nhập đảm bảo để thanh toán tiền mua nhà ở theo quy định.

“Để đáp ứng nhu cầu cực lớn của người dân về nhà ở, mục tiêu của TPHCM là đến năm 2020 sẽ hoàn thành 30.000 căn nhà giá rẻ để phục vụ người dân. Từ nay đến cuối năm 2017, TPHCM sẽ ra mắt 4 dự án chung cư để mở bán 1.654 nhà ở xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách. Cơ hội sở hữu một căn nhà sẽ rộng mở hơn với nhiều người” - ông Hùng thông tin.

Đại diện của Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM (HOF) cũng cho biết: Thống kê từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2017 cho thấy số lượng hồ sơ đạt và đáp ứng các tiêu chí vay tạo lập nhà ở mới khá nhiều (khoảng xấp xỉ 600 bộ).

Theo vị này, thì chỉ cần cá nhân đáp ứng các tiêu chí theo quy định sẽ được duyệt vay như: Có đủ hồ sơ theo quy định; có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết; có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư; thực hiện đảm bảo tiền vay bằng tài sản hình thành bằng vốn vay; có đủ vốn tối thiểu tham gia và phương thức vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định...

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, TPHCM hiện đang có gần 13 triệu dân, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng khoảng 2,8%/năm, nằm trong số các nước có tỉ lệ tăng trưởng nhanh nhất khu vực với dân số đô thị chiếm hơn 26%. Trong đó TPHCM có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước với dân số tăng trung bình mỗi năm tương đương dân số một quận (tốc độ tăng dân số cơ học 2,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng dân số tự nhiên 1,07%/năm).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ