Hệ thống đào tạo trực tuyến: Cần hạ tầng công nghệ và kiểm định chất lượng

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, đào tạo trực tuyến cần hạ tầng công nghệ và kiểm định, nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo. 

GS.TS Ojat Darojat - Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH Mở Châu Á (AAOU), Hiệu trưởng Trường Terbuka (Indonesia) chia sẻ kinh nghiệm.
GS.TS Ojat Darojat - Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH Mở Châu Á (AAOU), Hiệu trưởng Trường Terbuka (Indonesia) chia sẻ kinh nghiệm.

Hướng đến nền giáo dục đại chúng

Theo PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở Hà Nội, cùng với đào tạo đại học theo phương thức truyền thống, trong một thập kỷ qua, phương thức đào tạo trực tuyến đã chính thức ra đời tại Việt Nam và có xu hướng được nhiều trong nước áp dụng.

Phương thức “đào tạo trực tuyến” hay còn gọi là E–Learning, đào tạo dựa vào công nghệ thông tin và truyền thông. Phương thức đào tạo này sử dụng những tiến bộ của phương tiện điện tử, của công nghệ viễn thông như: máy tính, điện thoại, tivi, internet, nhằm gia tăng khả năng truyền tải kiến thức của mình.

Với các công cụ này, việc truyền đạt những kiến thức cần thiết sẽ dễ dàng hơn thông qua các học liệu điện tử với hình ảnh, âm thanh, các đoạn phim minh họa, có khả năng biểu hiện nội dung cần truyền đạt một cách trực quan, sinh động.

Điều đó cũng giúp cho việc tương tác từ xa giữa người dạy và người học, nâng cao khả năng tự theo dõi, giám sát quá trình học tập của mỗi người; từ đó người học đưa được lộ trình học tập hiệu quả hơn.

Không những giúp đỡ người học theo những giáo trình sẵn có, đào tạo trực tuyến còn là công cụ giúp những người thành công có thể dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho người khác, xã hội ngày càng phát triển và tiến bộ.

“Có thể nói phương thức đào trạo trực tuyến có tính nhân văn, hướng đến nền giáo dục đại chúng, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời”- PGS.TS Nguyễn Mai Hương nói.

Đề cập đến kiểm định chất lượng cho hệ thống đào tạo đại học trực tuyến, GS.TS Mai Trọng Nhuận – nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, để nâng cao độ tin cậy của đánh giá chất lượng, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo trực tuyến, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau: Hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định hướng dẫn; xây dựng và phát triển văn hóa đào tạo trực tuyến.

Đồng thời nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, sự trung thực của tất cả các bên liên quan. Mặt khác, tích hợp và hài hòa “5  nhà” trong một kiểm định viên chất lượng giáo dục đại học: Thợ giỏi, thầy giỏi, nhà quản lý giỏi, kiểm định định viên giỏi, người khó tính sử dụng sản phẩm đào tạo online.

Cùng với đó, cần thoát khỏi quán tính đào tạo và đánh giá chất lượng chương trình đào tạo trực tiếp khi đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cùng như chương trình đào tạo trực tuyến.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Kinh nghiệm quốc tế

Chia sẻ kinh nghiệm từ Indonesia, GS.TS Ojat Darojat - Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH Mở Châu Á (AAOU), Hiệu trưởng Trường Terbuka trao đổi, bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học được đánh giá thông qua quá trình tự đánh giá nội bộ do Bộ Giáo dục giám sát trực tiếp và quá trình đánh giá ngoài do một tổ chức đánh giá độc lập thực hiện (BAN-PT).

GS Ojat Darojat cho biết, đánh giá chương trình đào tạo bao gồm từ cấp trường cho đến cấp khoa chuyên môn; chứng nhận kiểm định có giá trị trong 3 năm. Phạm vi đánh giá trên 3 phương diện:

Thứ nhất, tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược, thành tích, hệ thống, quản trị, lãnh đạo, hệ thống quản lý và bảo đảm chất lượng, sinh viên đang đào tạo và sinh viên đã tốt nghiệp.

Thứ hai, nguồn nhân lực, chương trình giảng dạy.

Thứ ba, môi trường học thuật; nguồn vốn, cơ sở hạ tầng và vật chất; thông tin hệ thống nghiên cứu khoa học, dịch vụ công đồng và công tác đối ngoại.

Đánh giá chất lượng ở cấp quản lý gồm: Phạm vi đánh giá theo tiêu chuẩn chất lượng của ICDE gồm: Mục đích và mục tiêu, xây dựng chương trình giảng dạy (phân phối tài liệu, giảng dạy, học tập, đánh giá, hỗ trợ và hướng dẫn học tập, tài nguyên học tập), bảo đảm và nâng cao chất lượng, nghiên cứu khoa quan hệ đối ngoại.

“Việc kiểm định khẳng định tầm quan trọng của các chính sách mở cửa và linh hoạt của cơ sở giáo dục, nhằm đạt được cam kết về giá trị giáo dục cũng như xây dựng quan hệ đối ngoại và đảm bảo nguồn tài chính” - GS.TS Ojat Darojat nói.

"Trường Terbuka đã nhận được chứng nhận kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của ICDE vào các năm  2005, 2010 và 2020. Kiểm định chất lượng đối với hoạt động quản lý của cơ sở đào tạo, chẳng hạn như: xây dựng, phân phối tài liệu học tập và kiểm tra, hoạt động quản lý học tập và dịch vụ sinh viên, kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn ISO có hiệu lực đến ba năm (6 tháng kiểm tra một lần)".
GS.TS Ojat Darojat

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ