Hệ lụy từ xuất cảnh trái phép

GD&TĐ - Thanh Hóa hiện có hàng nghìn người đang lao động trái phép ở nước ngoài. Có người phải nhờ người thân nộp tiền “chuộc” để trở về quê hương...

Lực lượng chức năng vận động người dân ký cam kết không xuất cảnh trái phép đi lao động ở nước ngoài. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Lực lượng chức năng vận động người dân ký cam kết không xuất cảnh trái phép đi lao động ở nước ngoài. Ảnh: Công an Thanh Hóa

Tiền mất tật mang

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm mà tình trạng lao động xuất cảnh trái phép đi làm việc ở nước ngoài có nhiều diễn biến phức tạp và tiểm ẩn nguy cơ gia tăng. Thanh Hóa là một trong những địa phương cũng nở rộ tình trạng xuất cảnh trái phép những năm gần đây. Nhiều nạn nhân tiền mất tật mang, thậm chí có người phải bỏ mạng nơi xứ người.

Mới 16 tuổi, đang theo học tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa, H.V.S. (xã Quảng Văn, Quảng Xương, Thanh Hóa) nghe theo lời rủ rê của bạn bè bỏ học rồi xuất cảnh trái phép sang Campuchia để làm việc mà gia đình không hề hay biết.

Khi sang đến nơi, thay vì có công ăn việc làm thu nhập ổn định như lời hứa ban đầu thì S. lại bị lừa vào một cơ sở đánh bạc trực tuyến, rồi bị ép làm việc cho app lừa đảo.

Theo lời kể của S., em được giới thiệu sang làm game trực tuyến nhưng khi sang đến nơi thì mới biết công việc là lừa đảo nên em đòi về. Tuy nhiên, S. không được về mà bị bắt làm việc để trả nợ chi phí đưa sang. Thời gian làm việc bình thường là 12 tiếng, nếu không đạt “doanh thu” còn phải làm từ 14 - 16 tiếng và bị trừ đến hết tiền lương.

Thế nhưng, muốn bỏ việc để về nước lúc này không còn đơn giản như khi S. quyết định sang Campuchia. Làm việc gần một năm trời, chưa thấy lương đâu nhưng gia đình đã phải gửi hơn 120 triệu tiền chuộc cho chủ để S. được trả về.

Không được may mắn như H.V.S., tháng 6/2023, anh N.V.B. (ở xã Quảng Thạch, Quảng Xương) vừa sang Trung Quốc thì bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ về hành vi nhập cảnh trái phép.

Ngoài việc bị giam giữ, gia đình anh B. còn phải gửi sang 35 triệu đồng để nộp phạt. Hiện anh B. đang bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giam chờ ngày đưa ra xét xử.

“Do ở nhà công việc bấp bênh, không đủ trang trải, chi phí thuốc men cho mẹ già ốm đau và con nhỏ nên anh B. nghe theo lời người quen tìm cách xuất cảnh trái phép đi lao động tại Trung Quốc. Gia đình có khuyên ngăn, nhưng vì nghe nói lương cao nên chồng tôi vẫn quyết tâm đi. Giờ thì bị bắt giam, không biết đến khi nào mới được về nhà”, chị N.T.T., vợ anh B. chua xót kể.

Tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về xuất, nhập cảnh.

Tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về xuất, nhập cảnh.

Con số báo động

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 2.700 công dân đang cư trú, lao động trái phép tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Đài Loan, Lào…

Tính cả thời gian trước đây, đã có tổng hơn 4.500 trường hợp công dân cư trú, lao động trái phép ở nước ngoài bị bắt, trao trả, đẩy đuổi về nước; 36 trường hợp bị nước sở tại bắt giữ, đưa ra xét xử hình sự về các tội nhập cảnh trái phép, tàng trữ, sử dụng vũ khí…; hơn 100 trường hợp bị các đối tượng là chủ, quản lý sòng bạc, kinh doanh trực tuyến trá hình lừa bán, khống chế, đòi tiền chuộc.

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, việc phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép cũng gặp nhiều khó khăn, do thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi, xảo quyệt.

Chúng thường sử dụng phương thức, thủ đoạn phổ biến như đưa ra lời mời “việc nhẹ lương cao” để đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, ham muốn có được việc làm đem lại thu nhập cao của người lao động. Từ đó rủ rê, lôi kéo người đi; lợi dụng mối quan hệ quen biết hoặc sử dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết quảng cáo, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Tuy nhiên, với nhiều biện pháp quyết liệt của các lực lượng chức năng cùng sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền các cấp, tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang nước ngoài để làm việc bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giảm đáng kể.

“Để góp phần ngăn ngừa, từng bước chặn đứng tình trạng xuất khẩu lao động trái phép, cùng với sự đấu tranh quyết liệt của lực lượng Công an, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành trong phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân liên quan đến lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh”, Trung tá Nguyễn Thanh Bình nêu quan điểm.

Thực tế cho thấy, người lao động đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như bị nợ, quỵt lương, bóc lột sức lao động, làm việc trong môi trường độc hại và thường phải sống trốn tránh các cơ quan chức năng của nước sở tại.

Khi người lao động quyết định đi làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài - thì chính họ đã tự tước đi quyền được Nhà nước Việt Nam bảo hộ, cả về nhân quyền, nhân phẩm, tài sản, sức khoẻ và tính mạng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 19 vụ với 30 bị can về các tội liên quan đến môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép hoặc tổ chức người trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài bất hợp pháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ