Hệ lụy hậu Covid-19

GD&TĐ - Hàn Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng và nhanh chóng hành động khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 1/2020.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Quốc gia này được coi là đã tiên phong trong các phương pháp mới nhằm ngăn chặn đại dịch. Kết quả là, Hàn Quốc chỉ có 54 trường hợp tử vong trên một triệu người tính đến ngày 23/10. Con số này trái ngược với tỷ lệ tử vong trung bình trên thế giới là 628 người trên một triệu người.

Ngay từ ngày 22/1/2020, Hàn Quốc đã thành lập ủy ban ứng phó khẩn cấp để chống lại đại dịch. Bộ dụng cụ xét nghiệm đầu tiên của nước này được tung ra thị trường vào ngày 31/1/2020. Ngay sau đó, tháng 2 cùng năm, Hàn Quốc tiến hành sản xuất khẩu trang quy mô lớn. Để chống dịch hiệu quả, nước này dựa vào các biện pháp kiểm dịch và truy vết.

Song, giai đoạn đầu, Hàn Quốc được cho là không thành công trong việc phát triển vắc-xin của riêng mình. Theo thống kê, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại nước này ở mức 14% vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, tính đến ngày 23/10, Hàn Quốc có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt 70% (cao hơn Mỹ và Nhật Bản) và 80% đối với những người được tiêm chủng một phần.

Trước sự bùng phát của đại dịch, nền kinh tế của Hàn Quốc chỉ suy thoái 1% vào năm 2020. Nước này cũng đang trên đà đạt tốc độ tăng trưởng rất tích cực 4,2% trong năm nay.

Các cuộc thăm dò ý kiến ​​cho thấy, 70% người dân Hàn Quốc cảm thấy, đất nước của họ đã làm rất tốt hoặc tương đối tốt trong việc ứng phó với Covid-19. Trong khi đó, con số này ở Nhật Bản và Mỹ lần lượt là 35% và 42%. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế này, có 61% người Hàn Quốc tin rằng, họ bị chia rẽ nhiều hơn so với trước Covid-19.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này có thể là vì cảm giác tuyệt vọng do khủng hoảng kéo dài. Theo khảo sát về nhận thức rủi ro Covid-19 vào tháng 10/2020 ở Gyeonggi-do (một trong những tỉnh có số ca mắc cao nhất), những người được hỏi cung cấp điểm trung bình 48,2/100 về mức độ có thể trở lại cuộc sống hằng ngày. Chính sự đau khổ về tinh thần kéo dài này đã làm suy giảm khả năng phục hồi của tập thể.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng bày tỏ sự bức xúc khi một số cá nhân không tuân thủ các hướng dẫn và hạn chế phòng dịch. Một cuộc khảo sát do Đại học Quốc gia Seoul thực hiện cho thấy, có 79% người tham gia không tin rằng, “người khác” sẽ chấp hành theo chỉ thị của chính phủ.

Bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng gia tăng trong đại dịch cũng là nguyên nhân khiến sự chia rẽ xã hội ngày càng sâu sắc. Vào tháng 1, gần 1 triệu người bị cắt giảm việc làm. Công nhân bỗng trở thành nhóm chịu “đòn giáng” lớn nhất.

Theo thống kê, trong số 982.000 trường hợp mất việc làm, có 898.000 (91%) người lao động trong ngành dịch vụ. Trong khi đó, giá cổ phiếu tiếp tục “tăng chóng mặt”, còn giá nhà ở Seoul tăng 22% vào năm 2020.

Tại Hàn Quốc, tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói tăng hơn 6%. Bất chấp các nỗ lực của chính phủ, đại dịch Covid-19 ngày càng khiến những bất bình đẳng này trầm trọng hơn.

Hiện tại, Hàn Quốc đã khôi phục được 80% số việc làm bị mất trong đại dịch. Tuy nhiên, quốc gia này có thể cần phải đưa ra những cải cách kinh tế - xã hội lớn để đảm bảo sự phục hồi thực sự bền vững và toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ