Đây là một phi vụ gián điệp táo bạo trong những năm đầu của cuộc chạy đua vào không gian giữa Mỹ và Liên Xô, có nguy cơ khiến Chiến tranh Lạnh nóng lên khi các siêu cường tìm cách bắt kịp tốc độ của nhau.
Theo trang Popsci, ngày 2/1/1959, Liên Xô khởi động chương trình Mặt Trăng (phương Tây gọi là Lunik), và phóng tàu Luna 1. Tuy nhiên, phải tới tàu kế tiếp mới trúng mục tiêu và trở thành tàu vũ trụ đầu tiên va chạm với bề mặt Mặt Trăng vào tháng 9 năm đó. Một tháng sau, ngày 7/10, tàu Luna 3 trở về với các bức ảnh đầu tiên trong lịch sử chụp bề mặt phía xa của Mặt trăng.
Đây là năm mà Liên Xô gây ấn tượng mạnh về nghiên cứu Mặt Trăng, trong khi Mỹ lại liên tục gặp thất bại. Điều này không chỉ tác động đến nhuệ khí quốc gia, mà còn gây hiệu ứng lên tinh thần của người Mỹ. Sứ mệnh ngoài không gian khiến người Mỹ hào hứng thế nào thì cũng khiến họ thấy được thực tế đáng sợ rằng Liên Xô đã tiến nhanh hơn và có công nghệ tối tân hơn.
Sơ đồ phác thảo về Lunik do CIA vẽ năm 1961 |
Sự cách biệt giữa công nghệ Mỹ và Liên Xô đã dẫn tới một chương trình tình báo do CIA thực hiện. Bằng cách nghiên cứu về tàu không gian của Liên Xô, CIA hy vọng không chỉ dự đoán trước được các đợt phóng tàu, tầm ảnh hưởng lên công chúng, mà còn có thể điều chỉnh kế hoạch phóng tàu của Mỹ sao cho giữ được nhịp độ tốt hơn đối thủ.
Ngay cả việc những người có học gợi ý về các kế hoạch của Liên Xô cũng giúp Mỹ biết nên tập trung nỗ lực vào đâu để vượt qua Liên Xô trong lĩnh vực vũ trụ. Quân đội Mỹ cũng có thể được lợi khi biết tận dụng vũ khí của Liên Xô để biết điều gì có thể mở đường cho một cuộc tấn công quân sự ngẫu nhiên. Và thông tin tình báo này có thể cũng giúp giới chức Mỹ chuẩn bị tốt hơn để đáp trả lại mối đe dọa từ Liên Xô nếu có.
Vào khoảng cuối năm 1959 và 1960, Liên Xô cho triển lãm các thành tựu công nghiệp và kinh tế ở một vài nước. Trong số này có phần thân trên (phần đầu khoang có chứa chất nổ) của tàu Sputnik và tàu Lunik; thân tàu Lunik được sơn mới với cửa sổ nhìn thẳng vào mũi tàu. Ban đầu, nhiều người ở CIA nghĩ rằng bộ phận này của Lunik chỉ là mô hình, nhưng một số nhà phân tích cho rằng phía Liên Xô có thể đủ tự tin và mang chiếc tàu thật đi triển lãm.
Nghi ngờ này được xác thực khi điệp viên CIA đột nhập vào bên trong con tàu, sau khi buổi triển lãm đóng cửa. Họ nhận ra rằng, đây không phải là mô hình, mà là ‘đồ thật’. Các điệp viên ước chừng những gì họ có thể làm trong vòng 24 giờ, nhưng liều lĩnh muốn có cái nhìn rõ hơn về Lunik. Họ muốn xem bên trong nó ra sao.
Bề mặt Mặt trăng do tàu Luna 3 chụp. |
Điều này nói thì dễ hơn là làm. Lunik được một nhóm binh sỹ bảo vệ cẩn mật, do đó việc kiểm tra nó trước hay sau khi triển lãm đóng cửa là điều bất khả. Nhưng Lunik lại di chuyển nhiều nơi, điều này cũng có nghĩa là CIA có thể ‘mượn tạm’ con tàu nếu có mắt xích nào sơ hở trong khi vận chuyển. Và đúng là có sơ hở.
Con tàu vũ trụ cũng như nhiều sản phẩm triển lãm khác đều được vận chuyển trong thùng thưa bằng xe tải hoặc tàu hỏa để đi tới thành phố kế tiếp. Tại khoang tàu hỏa, một lính canh sẽ ghi chú lại mỗi thùng thưa sắp tới. Điều mà lính gác này không có đó là danh sách hàng hóa và thời gian vận chuyển cho mỗi thùng hàng. CIA âm mưu đánh cắp Lunik trong một đêm và có thể trả lại nó tại ga tàu hỏa vào buổi sáng để tiếp tục hành trình của nó.
Cuối cùng, khi màn đêm buông xuống, các điệp viên CIA đã hành động như kế hoạch. Họ sắp xếp cho Lunik trở thành khối hàng cuối cùng đưa ra khỏi khu triển lãm.
Các điệp viên CIA mặc đồ thường phục, giả làm người dân bản địa ngóng chờ phía Liên Xô vận chuyển hàng hóa. Nhưng chẳng có binh sĩ canh gác nào của Liên Xô tới. Khi đường xá thông thoáng, CIA dừng xe tải tại ngã rẽ cuối cùng trước khi tới ga tàu, đưa người lái xe lên khách sạn, và ngụy trang cho chiếc xe, rồi lái vào một khu đất được bao quanh bởi những bức tường cao.
Tại ga tàu, người lính gác kiểm lại các thùng thưa sắp tới và về nhà khi nghĩ rằng thùng cuối cùng đã đến nơi. Nhiều điệp viên CIA khác bám đuôi người lính gác để đảm bảo người này không đi làm quá sớm vào hôm sau.
Nhóm còn lại tranh thủ từng phút để tháo dỡ kiểm tra từng bộ phận, chi tiết của Lunik. Họ làm việc thâu đêm suốt sáng. Khi bình minh ló rạng, họ ráp lại Lunik, cẩn thận không để lại bất kỳ dấu vết hay sự xáo trộn nào. Họ dán tem niêm phong giả lên thùng thưa, và chất toàn bộ hàng trở lại xe tải.
Người lái xe xuất hiện trở lại vào lúc 5h sáng, và chiếc xe có mặt chờ ở bến tàu vào lúc 7h sáng. Người lính gác không chút nghi ngờ, bổ sung khối hàng vào danh sách, và Lunik lên đường tới buổi triển lãm kế tiếp như thường.
Vụ bắt cóc Lunik của CIA có vai trò khá quan trọng cho Mỹ. Nắm rõ khối lượng khi khô và kích thước của Lunik giúp cho Mỹ xác định được khối lượng của con tàu sau khi chất nhiên liệu. Các chuyên gia có thể ngoại suy được sức mạnh của lực đẩy phóng con tàu, cho phép phía Mỹ ước định được tiềm lực thật sự của Liên Xô với kho tàng hiện có, cũng như hạn chế về khối chất nổ theo công nghệ hiện thời.
Sau phi vụ này, Mỹ có thể xác định được những gì mà Liên Xô không thể làm nếu thiếu đột phá lớn về công nghệ, thông tin giúp cho các lãnh đạo Mỹ và NASA đặt mục tiêu và khung thời gian giúp Mỹ bắt kịp và sau đó là vượt Liên Xô trong lĩnh vực không gian.