Công trình do D.J. Williams, Giám đốc công tác xã hội của Đại học Idaho (Mỹ) tiến hành, cho thấy những người tự nhận là ma cà rồng, tức những ai cần máu của người khác thì mới thấy khỏe mạnh, luôn rất miễn cưỡng trong việc tiết lộ những triệu chứng bệnh lý của họ cho các bác sĩ. Rủi ro với họ là thay vì được chẩn đoán đúng bệnh, họ có thể sẽ bị coi là mắc bệnh tâm thần.
Nghiên cứu được đăng tải trên số mới nhất của tạp chí chuyên ngành Critical Social Work cho thấy những người mắc bệnh ma cà rồng thật sự, trái với những ma cà rồng giả hiệu, rất dễ bị các bác sĩ chẩn đoán sai.
Williams, đã nghiên cứu những trường hợp tự nhận là ma cà rồng trong gần một thập kỷ, cho biết trong số đó có cả nam lẫn nữ, làm đủ mọi nghề trong xã hội, bao gồm các bác sĩ, luật sư và thợ làm nến.
“Họ là những người thành công, những người bình thường”, ông nói. "Chỉ có điều là lúc nào họ cũng thấy mệt mỏi và muốn uống máu người khác".
Nghiên cứu cho rằng sở dĩ họ muốn uống máu người khác là bởi lúc nào họ cũng trong trạng thái mỏi mệt. Họ cần một nguồn năng lượng từ bên ngoài để cảm thấy dễ chịu hơn, và họ nghĩ nếu uống máu, họ sẽ được thỏa mãn "cơn khát" năng lượng.
Williams và một nhà nghiên cứu khác rút ra các kết luận trong báo cáo của họ dựa trên những câu trả lời từ 11 người tự nhận là ma cà rồng đã nhiều năm và thực sự thực hiện các hành vi truyền máu hoặc uống máu.
“Cộng đồng ma cà rồng theo tôi thấy là một cộng đồng rất có đạo đức và lương tâm”, Williams nói. Thách thức với các bác sĩ là làm sao để họ thổ lộ những bí mật thật sự của mình. “Hầu hết các ma cà rồng tin rằng họ sinh ra đã thế, chứ không chọn lựa cách sống như thế”, Williams nói, ông cũng cho biết số ma cà rồng trên thế giới có thể lên tới hàng nghìn.