Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell hôm 24/4 đã bày tỏ trước truyền thông rằng, các ngoại trưởng EU vẫn chưa sẵn sàng thống nhất với gói trừng phạt chống Nga lần thứ 11.
Khi được hỏi liệu EU có áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân của Nga hay không, nhà ngoại giao hàng đầu EU trả lời rằng, khối này không thể hoàn thành gói biện pháp mới.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận" - ông Borrell nhận định.
Theo Bloomberg, EU đang lên kế hoạch cấm vận chuyển một số loại hàng hóa quá cảnh Nga.
Gói trừng phạt mới được mô tả là nhằm mục đích thực thi các biện pháp trừng phạt được đưa ra trước đó và "đóng bất kỳ lỗ hổng nào trong việc thực thi trừng phạt".
Các hàng hóa quá cảnh sẽ bị cấm được cho là bao gồm hàng hóa công nghệ và một số loại phương tiện vận chuyển.
Theo tờ báo này, Ba Lan, Estonia và Litva đã thúc giục Brussels áp dụng biện pháp ngăn Nga nhận hàng hóa quá cảnh và sử dụng chúng trong cuộc xung đột đang diễn ra với Ukraine.
Ngoài lệnh cấm quá cảnh, gói trừng phạt mới có thể nhắm vào các tàu không bật hệ thống định vị. Những con tàu như vậy hầu như không thể biết được đang chở hàng hóa gì và đích đến cuối cùng sẽ là ở đâu.
Đây là phương pháp được nhiều quốc gia chịu lệnh trừng phạt của Phương Tây sử dụng.
Hãng tin này lưu ý, vòng trừng phạt lần thứ 11 dự kiến sẽ bao gồm danh sách 30 công ty và tổ chức của Nga. Chưa rõ danh sách này hướng tới các công ty hoạt động trong lĩnh vực nào. Song Bloomberg cho biết, các biện pháp hạn chế mới khó có thể nhắm vào tập đoàn điện hạt nhân nhà nước Rosatom.
Bất chấp việc kêu gọi trừng phạt Rosatom từ Đức và Mỹ, các quốc gia EU khác rất cần nguồn nhiên liệu này. Nga là một trong những nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới và cung cấp khoảng 20% lượng uranium nhập khẩu cho EU vào năm 2020.
Hungary đã nhập khẩu uranium và đang tiến hành hợp tác với Rosatom, để mở rộng nhà máy điện hạt nhân duy nhất của nước này. Đồng thời, Pháp cũng đang chặt chẽ hợp tác với Rosatom.
Trên tài khoản Twitter của mình, Quốc vụ khanh Bộ Tài chính Đức, Sven Giegold, đã thông báo rằng Berlin sẽ nỗ lực thuyết phục Paris đồng ý và "tránh xa" nguồn uranium từ Nga.
Đã 10 vòng trừng phạt từ phương Tây nhưng Nga chưa chịu lui bước trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov trước đó tuyên bố rằng EU đã hết các biện pháp nhằm vào Moscow và “không còn biết phải làm gì để gây tổn hại cho Nga”.