Hãy hoàn thiện mình

Hãy hoàn thiện mình

(GD&TĐ) - Tự hoàn thiện bản thân cũng là một việc làm vô cùng quan trọng đối với học sinh, lứa tuổi đang cần rèn luyện, phấn đấu về nhiều mặt để chuẩn bị hành trang bước vào đời.

Tuổi học trò là tuổi của những hoài bão đẹp
Tuổi học trò là tuổi của những hoài bão đẹp

1. Tuổi học sinh là tuổi hoa, tuổi của những ước mơ hoài bão đẹp đẽ, trong sáng nhưng cũng dễ bị ảnh hưởng từ những điều chưa tốt trong nhận thức, cách sống do tác động từ xã hội bên ngoài, do bạn bè lôi cuốn và nhất là do sự buông lỏng bản thân trong việc rèn luyện, tu dưỡng hàng ngày.

Vì thế, tất cả các em học sinh, nhất là các em còn có những sai phạm về ý thức kỷ luật học đường phải thường xuyên đấu tranh với bản thân mình để cái xấu bị đẩy lùi, cái tốt luôn được khẳng định và phát triển.

Ngay cả những em học sinh không may bị khiếm khuyết về khả năng đi lại, nghe nói,... nếu có quyết tâm vẫn có cách tự hoàn thiện mình để hòa nhập với tập thể. Tất nhiên, sự giúp đỡ, động viên của các thầy cô giáo, của các bậc ông bà, cha mẹ cùng mọi người là hết sức cần thiết.

Không ít những khuyết điểm của học sinh về ý thức kỷ luật, về tính nết, về những thói quen xấu còn tồn tại đòi hỏi các em phải tự rèn luyện một cách nghiêm túc bằng chính ý chí và nghị lực của mình để vươn lên.

Lòng tự trọng, tự tin sẽ trở thành động lực để các em biết vượt qua những trở ngại khó khăn, những mặc cảm tự ty để không ngừng hoàn thiện bản thân với nét đẹp của người học sinh có cách sống văn minh, thanh lịch.

2. Rất nhiều những tấm gương xưa và nay về tinh thần đấu tranh vượt lên chính mình, khắc phục những thói xấu, những khiếm khuyết để trở thành người tốt, hòa nhập với cộng đồng. Chắc chắn các em không quên nhân vật Paven Coocsaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nicolai Oxtoropxki.

Paven là một chiến sĩ Hồng quân Xô viết dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ chính quyền và cũng là tấm gương lao động quên mình để xây dựng nhà nước Xô Viết non trẻ. Tuy vậy, ở anh cũng còn tồn tại những khuyết điểm như hút thuốc lá, nói tục và nóng nẩy, cục cằn trước phụ nữ. Bằng nghị lực và nghiêm khắc tự rèn luyện thường xuyên hàng ngày, Paven đã khắc phục được những thói xấu đó để nhân cách mình tốt đẹp hơn.

Câu chuyện về Đêmốt-xten (384 – 322 trước CN) là nhà hùng biện, một chính khách thời cổ người Hy Lạp sẽ là bài học sinh động, bổ ích và đầy thuyết phục đối với học sinh về nghị lực vượt qua khuyết tật để thực hiện bằng được những hoài bão cao đẹp của mình.

Đêmốt-xten thời trẻ có tật nói ngọng, nói lắp thường bị bạn bè chế nhạo. Để khắc phục nhược điểm này, cứ mỗi buổi sáng sớm hàng ngày, ông có mặt tại bãi biển, miệng ngậm sỏi và tập nói át cả tiếng sóng. Sự khổ luyện không biết mệt mỏi đã giúp ông có giọng nói dõng dạc đầy thuyết phục và ông đã trở thành nhà hùng biện nổi tiếng được người đời ca ngợi. Những tấm gương tự rèn luyện bản thân như vậy rất đáng được học sinh chúng ta trân trọng, học tập.

Trong thời đại hiện nay, học sinh có nhiều điều kiện thuận lợi để tự hoàn thiện bản thân mình với sự quan tâm, giáo dục, giúp đỡ của nhà trường, của các thầy cô giáo, của gia đình, ông bà cha mẹ và của toàn xã hội. Tuy vậy, vai trò tự thân vận động vẫn là điều quyết định để mỗi học sinh vươn lên trở thành những con người có phẩm chất tốt đẹp được mọi người mến mộ. Tự hoàn thiện bản thân là việc làm thường xuyên, tự giác, đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội và mang tính nhân văn sâu sắc.

Trần Cự

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thường xuyên chấm bài và soạn giáo án điện tử, mắt của cô Nguyễn Thị Mai Hương mờ, yếu và tăng độ.

Cách bảo vệ mắt hiệu quả

GD&TĐ - Khi nhắc đến bệnh nghề nghiệp của giáo viên, nhiều người thường nghĩ đến: Khàn giọng, mất tiếng, viêm thanh quản, giãn tĩnh mạch chân do đứng nhiều.