Hậu Covid-19: Sinh viên năm cuối nỗ lực… chạy nước rút

Hậu Covid-19: Sinh viên năm cuối nỗ lực… chạy nước rút

Nghỉ dịch không nghỉ học

Hậu Covid-19: Sinh viên năm cuối nỗ lực… chạy nước rút ảnh 1
Trần Vương – SV Trường ĐH Quốc tế TPHCM. Ảnh: NVCC

Nhiều người cho rằng, sinh viên năm cuối sẽ “vắt chân lên cổ” cho kịp tiến độ hoàn thành các đồ án, luận văn tốt nghiệp sau thời gian nghỉ dịch. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai), trạng thái ung dung, không vội vã là điều dễ quan sát được khi sinh viên của trường đi học trở lại.

Lê Hoàng Thành – SV năm cuối Khoa Cơ điện – Điện tử LHU cho biết: “Nghỉ dịch, nhóm tụi em có nhiều thời gian để tập trung vào đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH). Trước đó, ý tưởng của nhóm được khoa chấp nhận, cho phép thực hiện và báo cáo tiến độ theo định kỳ. Giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, các thành viên thiết kế ở nhà rồi thảo luận online. Như vậy, nói là nghỉ tránh dịch nhưng cả nhóm vẫn thực hiện đề tài. Nhờ vậy, khi đi học trở lại, nhóm không bị áp lực về thời gian. Đến nay, đề án cơ bản hoàn thành, chỉ bổ sung thêm một vài chi tiết nhỏ nữa”.

Cũng như nhóm của Thành, đội Robocon của Trương Thanh Luân (năm cuối LHU) đã cho ra sản phẩm. Luân cho biết: “Ai cũng được phân công nhiệm vụ rõ ràng nên có thể tự thiết kế tại nhà, do đó, cả nhóm chỉ nghỉ dịch chứ không nghỉ học. Có vấn đề cần thảo luận thì “tụ tập” trên không gian mạng”. Luân cho biết thêm: Nhóm sẽ tham gia thi vòng loại, vượt qua vòng loại, kết quả sẽ được thay thế cho làm đồ án tốt nghiệp.

Tương tự, Trần Phụng Nhi - SV khóa K15, Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM (IU-VNU) vừa hoàn thành luận văn tốt nghiệp của mình. Nhi cho biết: “Trong thời gian chuẩn bị báo cáo luận văn, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, em khá lo lắng và hoang mang. Tuy nhiên, sự tận tình giúp đỡ của nhà trường, thầy cô, bạn bè, cùng với nỗ lực không ngừng của bản thân đã giúp em đạt kết quả tốt”.

Có nhiều lựa chọn thay thế cho làm đồ án

Hậu Covid-19: Sinh viên năm cuối nỗ lực… chạy nước rút ảnh 2
Phan Nữ Mai Trinh – SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: NVCC

Tuy chưa có bằng tốt nghiệp nhưng Phan Nữ Mai Trinh – SV năm cuối Khoa Kinh tế Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã đi làm toàn thời gian (fulltime). Mai Trinh chia sẻ: “Chưa tốt nghiệp không phải là không ra trường nổi mà là đang “đốt cháy giai đoạn””.

Hiện Mai Trinh là nhân viên chính thức của công ty chuyên cung cấp phần mềm kế toán và doanh nghiệp sau 2 tháng thử việc. “Sau khi kết thúc học kì I của năm tư, em đi thực tập, khảo sát ở doanh nghiệp và hoàn thành Báo cáo thực tập cũng như Khóa luận tốt nghiệp. Thay vì đi thực tập với thời gian rải rác trong tuần, với số tiền hỗ trợ ít ỏi hoặc không, em quyết định tham gia phỏng vấn vào công ty với vị trí nhân viên chính thức. Công việc này mang lại một khoản tiền tích lũy để em trụ vững qua mùa dịch Covid-19” - Mai Trinh chia sẻ.

Mai Trinh cũng cho biết thêm: Việc đi học trở lại sau dịch Covid-19 không ảnh hưởng vì đã hoàn thành xong tất cả môn học. “Đi làm fulltime cũng đồng nghĩa với việc quỹ thời gian còn lại dành cho bài báo cáo rất ít ỏi. Em chỉ có thể viết vào buổi tối sau một ngày làm việc căng thẳng và vào cuối tuần. Tuy nhiên, đã gọi là “đốt cháy giai đoạn” thì phải chấp nhận thôi” - Mai Trinh tâm sự.

Trần Vương – SV năm cuối Khoa Quản trị kinh doanh IU-VNU cũng hoàn thành đúng tiến độ bài Luận văn tốt nghiệp trong mùa dịch Covid-19 khi không được đến trường. “Đầu tiên, em tổng hợp nhiều đề tài, sau đó lựa chọn 3 - 4 đề tài rồi gửi qua email cho GV để được hướng dẫn đề tài nào sẽ phù hợp. Sau đó, em xây dựng đề cương và tiến hành các bước nghiên cứu. Nhờ hệ thống thư viện điện tử của trường cũng như tìm kiếm các tài liệu trên mạng, em dễ dàng chọn lọc, lưu trữ và lập mục ghi nhớ tài liệu để phục vụ cho luận văn của mình” – SV Trần Vương chia sẻ.

Theo TS Phạm Văn Toản (Trưởng khoa Cơ điện – Điện tử LHU), SV của khoa có nhiều lựa chọn để được tốt nghiệp. Thay vì làm đồ án, các em có thể làm robot, đề tài NCKH, thực hiện dự án chuyển giao công nghệ hoặc viết bài báo để đăng trên tạp chí… “Các em đạt giải trong Hội thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh trở lên cũng được xem xét công nhận kết quả để thay thế cho điểm làm đồ án” – TS Phạm Văn Toản chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.