Chương trình “Hành trình xanh vì Việt Nam xanh” là một trong những hoạt động quan trọng của Chương trình “Thực hiện chiến dịch truyền thông quốc gia bao gồm tuần lễ Tăng trưởng xanh, tiêu dùng bền vững trong lĩnh vực giao thông vận tải và thương mại, thúc đẩy áp dụng các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, lối sống xanh…” thuộc Dự án “Hỗ trợ tăng cường năng lực và đổi mới thể chế thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam (CIGG)”. do Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng năng lực và tăng cường các chính sách và quy định để thực hiện có hiệu quả Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam và góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Chương trình “Hành trình xanh vì Việt Nam xanh” là chuỗi hoạt động gồm các buổi tọa đàm về tăng trưởng xanh và phát động cuộc thi xây dựng “Ý tưởng về tiêu dùng bền vững” trên phạm vi toàn quốc.
Đào Thị Tuyết Nhung - tác gảa của bài thi đạt giải nhất giới thiệu về ý tưởng tái sử dụng giấy in viết làm vật liệu trang trí |
Chương trình đã được thực hiện dưới hình thức hành trình xuyên suốt dọc đất nước để tiếp cận hàng nghìn sinh viên chuyên ngành về kế hoạch, môi trường, kỹ thuật, chế tạo… tại 09 trường đại học lớn ở cả ba khu vực: Miền Bắc, miền Trung và miền Nam nhằm mục đích thúc đẩy sinh viên tìm hiểu về tăng trưởng xanh và đóng góp những ý tưởng sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao, góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với những tác động tích cực đến cộng đồng, thanh niên, sinh viên, giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về sản xuất xanh, lối sống xanh và tiêu dùng bền vững.
Trong suốt quá trình thực hiện, “Hành trình xanh vì Việt Nam xanh” đã có tới 09 “trạm dừng” là các trường đại học và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô và đông đảo các bạn sinh viên, gồm các trường như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (phát động ngày 02/10/2017); Trường ĐH Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh (phát động ngày 03/10/2017); Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (phát động ngày 18/12/2017); Trường ĐH Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh (phát động ngày 22/01/2018); Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (phát động ngày 23/01/2018); Trường ĐH Huế (phát động ngày 17/03/2018); Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (phát động ngày 17/04/2018); Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh (phát động ngày 24/04/2018); Trường ĐH Vinh (phát động ngày 26/04/2018)
Nguyễn Vũ Đức Thịnh - tác giả của bài thi đạt giải nhì chia sẻ về ý tưởng xử lý nước thải sinh hoạt bằng cây rau muống |
Ba bài dự thi đạt giải “Ý tưởng tiêu dùng bền vững” đều là những đề án nghiên cứu sơ khởi, khai thác các vấn đề thực tiễn của đời sống đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện thiết thực và hiệu quả.
Cảm hứng của các đề án nghiên cứu này đều xuất phát từ thực tế sử dụng tài nguyên thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, … trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thương mại…
Đây cũng là các bài dự thi có cách thể hiện độc đáo, phong phú bằng hình ảnh trực quan, sơ đồ quy trình cụ thể với các số liệu nghiên cứu chi tiết, công phu.
Sản phẩm đạt giải được trưng bày tại sự kiện |
Sau quá trình làm việc công tâm, nghiêm túc, dựa trên khả năng ứng dụng thực tiễn, tính độc đáo, sáng tạo, đặc biệt là những ý tưởng đã được thử nghiệm thành công trong thực tế, Ban giám khảo cuộc thi đã lựa chọn và quyết định trao giải cho từng đề án, gồm:
Giải Nhất cho Đề án: Tái sử dụng giấy in viết làm vật liệu trang trí của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thúy Hằng và Đào Thị Tuyết Nhung
Giải Nhì cho đề án: Mô hình xử lý nước thải sinh hoạt bằng cây rau muống của nhóm tác giả: Huỳnh Ngọc Thu Hương và Nguyễn Vũ Đức Thịnh
Tăng trưởng xanh VN có vai trò của bạn |
Giải Ba cho đề án: Nghiên cứu đánh giá khả năng xử lý chất hữu cơ tồn đọng trong nước thải chăn nuôi đã qua hầm biogas của than sinh học có nguồn gốc từ phế phẩm nông nghiệp (rơm rạ) của tác giả: Nguyễn Vũ Đức Thịnh
Những ý tưởng đạt giải có cơ hội được giới thiệu cho các nhà đầu tư tiềm năng để trở thành các mô hình khởi nghiệp Xanh tiên phong tại Việt Nam.
Giới thiệu về “Tăng trưởng xanh”:
Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh được định nghĩa là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Tăng trưởng xanh ở Việt Nam được cụ thể hóa qua “Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020” trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện.
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, song quá trình này còn mang tính bền vững chưa cao. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác theo chiều rộng, xuất khẩu tài nguyên thô. Môi trường tiếp tục bị xuống cấp trong khi các thảm họa do thiên tai và biến đổi khí hậu, sự cố môi trường đang tăng nhanh, gây nhiều thiệt hại về người và của cũng như đang gây ra những áp lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, Việt Nam đã xác định tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu. Có thể nói, tăng trưởng xanh là con đường cần thiết để thực hiện phát triển bền vững.