Hành trình từ trẻ tự kỷ đến kỷ lục gia

GD&TĐ - Ngày 6/5/2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức trao chứng nhận xác lập kỷ lục cho Nguyễn Đình Khánh Hưng, 7 tuổi và Nguyễn Khôi Nguyên, 16 tuổi. Điều đặc biệt là hai Kỷ lục gia này đều là trẻ tự kỷ.

TS. Phan Quốc Việt nhận “Xác lập kỷ lục”
TS. Phan Quốc Việt nhận “Xác lập kỷ lục”

Hai học trò đặc biệt

Nguyễn Khôi Nguyên có lẽ là học sinh đặc biệt nhất trong số các học sinh đặc biệt của mái nhà Tâm Việt. Em mắc bệnh tự kỷ dạng tăng động giảm chú ý. Khi đến với Tâm Việt, Nguyên 13 tuổi - một cậu con trai cao lộc ngộc, không chịu ngồi im, chạy liên tục, một phép toán đơn giản cũng không biết. Không nhận biết được sáng, trưa, chiều, tối… Cậu luôn đố kỵ với bạn bè, rất để ý đến sinh lý, thích giành đồ của bạn …

Nguyễn Đình Khánh Hưng - cậu học trò bé nhỏ, mặt mũi sáng sủa với cặp kính cận trông rất đáng yêu nhưng tay chân lúc nào cũng bứt rứt, hay chọc phá mọi người…Từ khi sinh ra đến khi vào Tâm Việt, 7 tuổi cũng là 7 năm Hưng không ăn cơm, ăn rau mà chỉ uống sữa milo, thỉnh thoảng ăn bún và một vài thứ bánh khác. Khi bắt ăn cơm, Hưng trở lên dữ tợn, gào thét, cào cấu, đạp cả vào người các cô giáo...

Nguyên và Hưng là hai học trò đặc biệt nhất trong số 17 học trò đặc biệt ở Trung tâm Tâm Việt. Cả hai đều đã đi đến nhiều trung tâm để chữa trị nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại bị trả về.

Gieo yêu thương...

Hành trình từ trẻ tự kỷ đến kỷ lục gia ảnh 1Hành trình từ trẻ tự kỷ đến kỷ lục gia ảnh 2Hành trình từ trẻ tự kỷ đến kỷ lục gia ảnh 3Hành trình từ trẻ tự kỷ đến kỷ lục gia ảnh 4

Khi đến thăm lớp học đặc biệt này, tôi thật sự bị xúc động… Dường như nơi đây không phải là một lớp học mà là một ngôi nhà với 17 đứa con khó khăn về tâm lý và nhân cách… Mỗi em đều được Trung tâm Tâm Việt phân công 1 cha và 1 mẹ chăm sóc. Cha, mẹ ở đây rất trẻ, độ tuổi chỉ 18 đôi mươi. Dù không mang nặng đẻ đau sinh thành nhưng luôn hết mực yêu thương, tận tình chăm sóc và dạy dỗ như con đẻ.

Cô Lê Thanh Huyền - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tâm Việt - người luôn theo sát các học trò cho biết: Trong lớp học có bạn mắc bệnh xương thủy tinh, chất độc màu da cam, có bạn bị bệnh down, nhưng đa số là bị tự kỷ, tăng động giảm trí nhớ… Nguyên và Hưng là hai học sinh mà các thầy cô phải vất vả nhất. Biết tình trạng của Nguyên, bố mẹ Nguyên ngập ngừng mãi mới dám xin vào trung tâm và họ mừng vui khôn xiết khi Tiến sĩ Phan Quốc Việt, Giám đốc trung tâm, chấp nhận luôn. Đặc biệt thầy còn “mặc cả” với những nơi thầy đến dạy cho phép thầy mang Nguyên vào lớp học để được hội nhập cộng đồng nếu không thầy sẽ ngừng dạy… ”.

Đối với những học sinh đặc biệt này, những bài giảng áp dụng cũng thật độc đáo với phương châm chủ đạo là “Yêu thương & Kỷ cương”. Với mỗi học sinh đặc biệt phải có một cách tiếp cận rất đặc biệt. Không thể dạy đồng lọat như ở trường lớp bình thường.

Những kỹ năng tung bóng, đi trên xe đạp 1 bánh, đội chai… đối với Tâm Việt ban đầu không phải là mục đích hướng tới kỷ lục gia mà chỉ để giữ thăng bằng, hướng thượng, tĩnh tâm, rèn tính kiên trì bền bỉ, rèn kỹ năng nhanh nhẹn, khéo léo chính xác, rèn thể lực…

Lúc đầu Nguyên và Hưng cũng không biết làm, tay chân loắng ngoắng, tung bóng thì khó khăn. Nhưng thầy Việt đã nhìn thấy sự khéo léo từ đôi bàn chân Nguyên và mời thầy Nguyễn Quang Thọ - Một nghệ sĩ Xiếc tài ba về hướng dẫn cho lớp học, trong đó có Hưng và Nguyên. Nguyên dần dần tung được 2 bóng, 3 bóng, 4 bóng rồi 9 bóng (ở Việt Nam chưa ai làm được cả). Hưng thì rất sáng tạo khác hẳn các bạn khác. Lúc đầu bạn đứng được trên 1 con lăn, 2 rồi 3, đứng hồn nhiên, không căng thẳng, thế đứng rất đẹp.

Họa sĩ Nguyễn Thế Hiệp, bố của Nguyên xúc động nói: “Chúng tôi biết được bệnh của cháu từ khi còn bé. Vợ tôi đã phải hy sinh công việc đang làm để theo học khoa Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm, Sang Nhật nghiên cứu trở thành thạc sĩ chuyên dạy cho học sinh tự kỷ trong đó có Nguyên. Ngoài ra, Nguyên cũng được tham gia nhiều lớp học chuyên biệt khác nhưng chỉ khi đến với Tâm Việt thì con tôi như được tái sinh lần hai.

Cô giáo trẻ 18 tuổi Đào Thị Thảo, khi được hỏi về những khó khăn mà các cô phải trải qua, bộc bạch: “Khó khăn rất nhiều, các em chống đối, không hợp tác là điều rất bình thường. Thu nhập ít ỏi, giờ giấc gò bó, môi trường tiếp xúc áp lực, nhiều lúc em cũng chán nản định bỏ cuộc. Nhưng những suy nghĩ tiêu cực chỉ kéo dài 1,2 ngày rồi em lại trấn tĩnh lại, suy nghĩ lại, rồi mọi chán chường lại tan biến đi…”Em luôn nhớ đến câu: “Ý nghĩa của cuộc sống là sống có ý nghĩa” và lấy nó làm phương châm sống cho mình và đó cũng là lý do giữ chân em lại với Tâm Việt. Em đã có cái nhìn rất mới về văn hóa của Tâm Việt”.

Gặt hái mùa quả ngọt

Nguyễn Khôi Nguyên với tiết mục đội chai lên đầu, tung 8 bóng trên xe đạp một bánh

Nguyễn Khôi Nguyên với tiết mục đội chai lên đầu, tung 8 bóng trên xe đạp một bánh 

Nguyễn Đình Khánh Hưng với tiết mục đội chai lên đầu, đứng trên 3 con lăn
Nguyễn Đình Khánh Hưng với tiết mục đội chai lên đầu, đứng trên 3 con lăn  
Thầy Phan Quốc Việt - người khởi nghiệp ở tuổi năm mươi- người gắn bó trí tuệ, công sức và trái tim của mình cho ngôi nhà Tâm Việt hồn hậu chia sẻ: “Có bạn lúc vào còn chưa cả biết tắm, giặt đồ thì giờ đã tự tắm cho mình và tắm cho cả những em bị bệnh nặng hơn.Tôi còn nhớ hình ảnh lần đầu tiên, sau 7 năm không ăn cơm, Hưng đã tự bốc 2 nắm cơm nhỏ để ăn hoặc khi bố Nguyên gặp tôi khoe toáng lên: “Anh ơi con em biết ngồi thiền, biết ăn uống lịch sự, dọn dẹp nhà cửa, biết mua quà về cho em và... nó biết cả nói dối nữa!”. Có thể các bạn sẽ cười vì nói dối thì có gì để khoe thậm chí còn đáng chê với các bạn bình thường nhưng với Nguyên và các học sinh nơi đây là cả một sự thành công. Tôi và các đồng nghiệp cũng sung sướng đến trào nước mắt! Hạnh phúc của người thầy chỉ đơn giản vậy thôi…”

Giây phút ngóng ở đầu cầu về lễ trao giải xác nhận kỷ lục gia với Nguyên và Hưng là những giây phút vẫn rõ ràng trong đầu các thầy cô giáo Tâm Việt - những phút giây hồi hộp và hạnh phúc! Tiến sĩ Phan Quốc Việt không giấu nổi cảm xúc: “Đến nay, với trẻ tự kỷ, thế giới mới chỉ dừng ở mức can thiệp sớm (trước 3 tuổi). Chúng tôi rất tự hào vì đã thành công với cả các cháu tự kỷ ở tuổi dậy thì. Tâm Việt là một tổ chức tư nhân với kinh phí ít ỏi từ sự đóng góp của cha mẹ học sinh, nếu được các cơ quan hữu quan quan tâm và Nhà nước đầu tư đúng mực thì đây là hướng đi mới trong giáo dục trẻ tự kỷ không chỉ ở Việt Nam mà còn có thể áp dụng trên toàn thế giới”.n

“Tôi thấy phương pháp của Tâm Việt có sự khác biệt nhưng vô cùng hiệu quả. Giáo viên ở đây trở thành bố mẹ của các con - một thứ tình cảm thật lạ lùng, lan tỏa đến các học sinh và con tôi thật may mắn khi được trưởng thành từ không khí đó.”- Họa sĩ Nguyễn Thế Hiệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.