Hành trình trong niềm tin yêu

Hành trình trong niềm tin yêu

(GD&TĐ) - Báo Người giáo viên khởi thủy do ông Nguyễn Khánh Toàn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng làm Chủ nhiệm (tức Tổng biên tập), sau đó là các Thứ trưởng Võ Thuần Nho, Lê Liêm, Hồ Trúc cho đến cuối năm 1971 khi ông Tô Văn Của lên làm chủ nhiệm, các ông mới thôi kiêm nhiệm chức đó. Vậy là ngay từ đầu, Báo đã được xác định là cơ quan trực thuộc Bộ, do một Thứ trưởng làm lãnh đạo.

Ngay sau khi hoàn thành “bộ khung” mới của tờ báo, chúng tôi đã từ 31 Lê Thánh Tông dọn về trụ sở mới ở 14 Lê Trực. Ông Tô Văn Của, phó chủ nhiệm, điều hành tòa báo bắt tay ngay vào mọi công việc chuẩn bị khẩn trương cho việc in ấn, phát hành. Riêng ở tòa soạn, cánh phóng viên chúng tôi được ông giao cho một công việc cụ thể: Đi tìm hiểu bạn đọc. Ông nói: “Phải hiểu cho được bạn đọc cần cái gì, thì rồi khi mình viết, in ra, họ mới đọc, mới thích và việc mình làm mới có ích cho thầy giáo”.

Như vậy có thể coi đây là cuộc tổng điều tra đầu tiên về nhu cầu bạn đọc của Báo. Cuộc điều tra kéo dài cả tháng, qua mỗi địa phương, chúng tôi tóm tắt báo cáo gửi về báo, kèm theo tin, bài mình ghi chép được. Đồng thời chúng tôi còn có nhiệm vụ thăm dò khả năng cộng tác lâu dài của những cán bộ, giáo viên có điều kiện, từ đây nhen nhóm thành những cộng tác viên. Họ, trước hết là bạn đọc ruột của tờ báo, đồng thời là những người nối liền tờ báo với đông đảo bạn đọc: nhà giáo, học sinh và phụ huynh.

Sau này, trong dịp kỉ niệm Báo Người giáo viên nhân dân, đồng chí Trường Chinh, nhà lãnh đạo uyên bác của Đảng, gửi thư chúc mừng Báo và ảnh tặng bạn đọc của báo, đồng chí đã mong báo xứng đáng là người bạn đường thân thiết của giáo viên. Càng ngày, tôi càng hiểu ra cái ý sâu xa câu chúc, lời dặn dò của đồng chí là bạn đường thân thiết làm sao không hiểu biết cặn kẽ về nhau?

 

Và bây giờ, chúng ta đang ở vào thời kỳ kinh tế thị trường có định hướng, người ta hay nói hình ảnh khách hàng là thượng đế. Báo chí không là ngoại lệ. Đáp ứng đúng, kịp thời nhu cầu chính đáng của bạn đọc, đó sẽ là con đường phát triển bền vững của tờ báo chúng ta.

Ngày 17/11/1995, đồng chí Nguyễn Đức Bình, Ủy viên BCT, Bí thư Trung ương Đảng đến thăm và làm việc với báo đã phát biểu nhận xét: “Có lúc Báo nói “giáo dục” ít mà nói “thời đại” nhiều. Không phải như thế là sai, nhưng cần nhớ tới giới hạn và nhiệm vụ của mình. Nói đến “thời đại” cũng phải đứng trên góc độ giáo dục mà nói. Thời đại mà báo phản ánh là thời đại của trí tuệ, của tin học, của khoa học công nghệ, của phẩm giá con người. Sự hấp dẫn của tờ báo chính là ở chỗ đó, càng đi sâu vào càng thấy sự hấp dẫn đến vô cùng”. Vì thế chúng tôi, những người quản lý doanh nghiệp báo luôn xác định cho mình nhiệm vụ và mục tiêu chính là phục vụ chính trị, kinh doanh chỉ là phương tiện để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị. Từ đó, chúng tôi đề ra phương châm chỉ đạo nội dung các ấn phẩm của báo không giật gân câu khách, thương mại hóa mà kiên trì theo hướng nâng cao chất lượng trí tuệ, khoa học để phát triển tờ báo.

Bên cạnh việc làm báo, cơ quan còn liên kết với các nhà xuất bản (Nhà xuất bản Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục) và các công ty sách và thiết bị giáo dục địa phương, mỗi năm xuất bản và phát hành hơn nửa triệu bản sách tham khảo dùng trong nhà trường.

Các sản phẩm của báo liên tục tăng trưởng như vậy, nhưng nhờ cải tiến nội dung đúng hướng, được bạn đọc cả nước hưởng ứng nên số lượng phát hành có lúc lên tới 40.000 bản/ kỳ. Tổng phát hành cả năm đạt trên 10 triệu bản báo và tạp chí. Nhờ vậy tài chính của báo ngày càng dồi dào. Theo cơ chế quản lý doanh nghiệp, Tổng biên tập của báo còn là giám đốc được quyền tự chủ về nhân sự và tài chính.

Do làm ăn có hiệu quả, Báo xây dựng được cơ sở vật chất khá khang trang. Từ hai bàn tay trắng, đã trang bị được phương tiện làm báo hiện đại (chế bản tại chỗ, in báo tại 3 miền, làm báo điện tử tuần 3 kỳ), mua được 2 ô tô, cải tạo và xây dựng trụ sở tại Hà Nội, xây mới trụ sở mới tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Hàng năm còn chi hàng trăm triệu đồng cho công tác xã hội như ủng hộ các nhà trường bị bão lụt, tặng nhà công vụ cho trường miền núi, trao học bổng cho học sinh nghèo… Đời sống cán bộ, phóng viên được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước.

Thành tựu trên của doanh nghiệp Báo đã được đánh giá cao: Năm 1998, UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Nhà doanh nghiệp giỏi của Thủ đô cho Tổng biên tập.

Đánh giá 10 năm hoạt động của doanh nghiệp Báo Giáo dục & Thời đại, tại công văn số 3726 ngày 17/4/ 2003 của Bộ Tài chính gửi văn phòng Chính phủ đã nhận xét: “Những năm qua Báo Giáo dục & Thời đại luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình, thực sự giữ vai trò chủ đạo trong công tác tuyên truyền đường lối giáo dục của Đảng – Nhà nước, phấn đấu hoạt động kinh doanh liên tục có lãi, bảo toàn phát triển vốn Nhà nước giao”.

Trần Đức Tam – Nguyễn Ngọc Chụ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ