“Người lái đò” thầm lặng
Gác lại nhiều cơ hội ở thành phố đang phát triển, tốt nghiệp Khoa Sư phạm Toán (Trường Đại học Sư phạm Cần Thơ), cô Ly quyết định quay trở lại quê hương, làm nghề dạy học.
Là giáo viên trẻ, gốc dân tộc Khmer nên cô Ly có nguyện vọng được về địa phương công tác. Năm 2010, cô được phân công về dạy môn Toán tại Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS Danh Thị Tươi. Ðến tháng 1/2015, trường đi vào hoạt động nội trú, cô được lãnh đạo phân công làm Tổ trưởng Tổ quản lý học sinh nội trú.
Cô Ly chia sẻ: “Khi trực tiếp dạy, tiếp xúc và quản lý các em trong nội trú thì tôi thấy hoàn cảnh các em còn khó khăn hơn mình ngày xưa rất nhiều. Mới 11, 12 tuổi phải sống xa cha mẹ để được học tập, thiếu tình thương của gia đình. Các em luôn e dè, không mạnh dạn, thiếu tự tin trong giao tiếp, kỹ năng sống… Thấy các em cứ e ngại khi nói chuyện trước đám đông, tôi cảm thấy cần phải làm gì đó để thay đổi…”.
Cô Ly hiểu rõ vai trò của mình không chỉ là người trực tiếp quản lý các em, mà hơn hết, cô như một người mẹ thứ hai của học trò. Cũng là người dân tộc Khmer, cô dễ dàng tìm được tiếng nói chung với những em có hoàn cảnh khó khăn, muốn từ bỏ việc học theo cha mẹ tha hương kiếm sống. Cô quan sát, chú ý tâm lý và ở bên cạnh động viên các em vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường.
Ông Hoàng Tuấn Việt, Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Vệt Nam và ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long (áo trắng, ngoài cùng), đại diện Ban tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 đến thăm và tặng quà cho cô Lý Hòa Ly. |
Gần 10 năm công tác tại trường, cô đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác giảng dạy, sinh hoạt. Ðặc biệt, cô luôn giáo dục cho các em tính tự lập, tự giặt quần, áo, mùng, mền, tự sắp xếp thời gian biểu trong học tập và vui chơi, giáo dục cho các em xác định được mục đích của việc học và có ý thức tự học…
Với sự hướng dẫn tận tình, các học trò Khmer đã mạnh dạn, ý thức hơn. Ðặc biệt, các em đã chủ động tham gia nhiều câu lạc bộ để phát triển toàn diện hơn.
Cô Ly rất quan tâm đến khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng. Cô luôn chú trọng thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm lo cho sức khỏe, thể chất của từng em khiến phụ huynh yên tâm khi con ở trường.
Dọc, ngang sông nước đi tìm chữ
Cô Ly sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở mũi Cà Mau - mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam trên đất liền Tổ quốc. Nhà đông anh chị em, cơm còn không đủ ăn lấy gì đi học. Cô Ly cho biết: “Cha mẹ thường không chú trọng việc học cho con cái, anh chị tôi ai cũng vì mặc cảm vô hình mà bỏ học giữa chừng để đi làm. Tôi là thành viên duy nhất trong nhà được tiếp tục bám trường”.
Cô Ly hồi tưởng lại những năm tháng tuổi thơ cơ cực. Với địa hình đặc thù như bao nhiêu tỉnh lị ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ lúc còn là học sinh tiểu học, mỗi ngày cứ gà vừa gáy, trời tờ mờ sáng, cô tự thân ôm tập vở ra bến đón đò dọc, đò ngang đến trường. Nhà cô Ly lúc bấy giờ cách trường khoảng 3 - 4 cây số. Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, hôm nào trời mưa, chuyện té ngã, đến trường muộn học là chuyện bình thường. Mùa mưa cực một thì mùa lũ cực đến mười.
Cô Ly luôn tận tình dìu dắt học sinh dân tộc thiểu số vươn lên. |
Suốt 12 năm học, cô Ly luôn là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của trường. Đặc biệt, cô đam mê với môn Toán ngày từ khi còn nhỏ. Khi lớn lên, cô được thầy cô khuyến khích hướng dẫn đi theo khối A để phát huy sở trường của mình.
Năm 2008, cô Ly nhận được giấy báo trúng tuyển hệ đào tạo cử tuyển của Đại học Sư phạm Cần Thơ. Niềm vui chưa trọn vẹn thì cô bị gia đình can ngăn. Cô còn nhớ lúc đó nhà nghèo đến nỗi, cha mẹ phải thốt lên: “Thôi bỏ đi con, đừng theo học nữa”.
Thế nhưng, cô nhất quyết không từ bỏ giấc mơ của mình dễ dàng như thế. Sau nhiều ngày thuyết phục, cha mẹ định cho con gái tạm gác lại một năm, đi làm kiếm tiền, sau đó học tiếp.
Hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình và ước mơ của chính bản thân mình, cô Ly nghĩ rằng, nếu gác lại một năm thì việc học sẽ bị trì hoãn. Hơn nữa, nghỉ học gián đoạn dễ bị thui chột ý chí rất nhiều. “Từng ấy năm cố gắng, quyết tâm phải vượt qua khó khăn lần này, nếu phải vay mượn để được đến trường cũng làm”, cô Ly kể.
Biết không ngăn nổi ước mơ tới trường của con, cha cô đã quyết định vay tiền, tạo điều kiện cho cô vào giảng đường đại học. Cô Ly chia sẻ: “Có lẽ ngày ấy tôi hơi bướng bỉnh nhưng chắc nhờ vậy mà tôi mới có thể học tiếp, được thực hiện ước mơ đứng lớp của mình”.
Trong thời gian 4 năm học ở thành phố Cần Thơ, cô Ly đã đi làm thêm, dạy phụ đạo để phụ giúp cha trả số nợ ấy. Nhớ lại những ngày tháng học “không biết đủ, làm không biết mệt”, cô Ly không khỏi tự hào về sự phấn đấu vượt qua bao gian truân, vất vả.