Đó là chia sẻ đầy cảm xúc của GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – tại lễ kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam do nhà trường tổ chức sáng nay (20/11).
Không thầy cô, chắc tôi không đi qua được chặng đường lắm gian nan!
“Với tôi, từ trường làng bước ra thị trấn để học. Nếu không có những ước mơ gieo vào sau bài giảng của thầy cô, không có những khát khao ẩn sâu sau trang sách, không có những vùng trời xa lạ mà thầy cô mang đến để đi tìm, chắc tôi đã không đi qua được chặng đường có lắm gian nan”.
Kể câu chuyện của mình, GS Minh nói: Hãy hình dung, nếu không có nhà trường, không có thầy cô, thì cùng lắm ta chỉ biết cha mẹ, ông bà, còn ngoài đời thì lạ lẫm biết bao! Chúng ta lớn lên từ tình thương và trách nhiệm, từ bao dung và chân thật của thầy cô, hãy trả cho đời trước hết là yêu thương. Yêu thương sẽ bắt đầu cho lương thiện.
Giáo dục, cuối cùng là để làm sao con người yêu thương nhau hơn và sống hạnh phúc hơn nơi mà họ đang chung sống. Có lẽ chưa đủ nhưng đều có sự tương đồng, đất nước nào đầu tư đúng mức cho giáo dục thì đều phát triển, đất nước nào nhận thức đầy đủ và đầu tư xứng đáng cho giáo dục nhân bản thì con người ở đó hạnh phúc.
GS Nguyễn Văn Minh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho GS.TS.NGƯT Vũ Anh Tuấn. |
Chỉ ngành Giáo dục và chỉ riêng thầy cô sẽ không làm được tất cả
Theo GS Nguyễn Văn Minh, ngày nay, giáo dục mang tính mở, không gian giáo dục đã được thay đổi; nhưng nhân tố cơ bản của nhà trường, không có gì khác là thầy và trò. Đối tượng được chăm chút nhiều nhất đó là trò và người được quan tâm nhất để làm tốt thiên chức của mình là thầy. Một trong hai nhân tố này bị chênh vênh thì khó để có một nền giáo dục tiến bộ.
Mọi hiện tượng trong xã hội, cuối cùng đều qui cho giáo dục; và một điều hiển nhiên là có gốc rễ từ giáo dục. Giáo dục như là một sự kết tinh của quá khứ, hiện tại và dự báo cho cả tương lai; nó còn phản ánh sự tiếp thu, du nhập, lai căng của các nền văn hóa, của công nghệ của nhiều nước trên thế giới.
Một mình ngành giáo dục và chỉ riêng đội ngũ thầy cô giáo sẽ không làm được tất cả. Hãy chung tay bằng hành động cụ thể và trách nhiệm vì một nền giáo dục tiến bộ.
Đánh bại một nền văn hóa bằng cách thôn tính thông qua con đường giáo dục là xóa sổ một dân tộc.
Giáo dục và người vận hành nó cần có chung một đích đến. Tôi thực sự lo ngại khi chúng ta đang muốn thay đổi cách tiếp cận nhưng đâu đó hãy còn dạy cho con trẻ mẹo mực để tìm cách tô vẽ, mục đích cuối cùng là đáp án, còn xa hơn thì chẳng biết để làm gì.
Các cán bộ giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội được nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục". |
Hơn ai hết, đội ngũ giảng viên hãy tự làm mới mình!
GS Nguyễn Văn Minh cho rằng, nghĩa vụ của giáo dục là tạo ra con người trung thực; giáo dục phải tạo ra sự quan niệm công bằng và giải phóng trí tuệ với mọi tài năng.
Ông nói: Trong những biến động của xã hội và quan niệm có lúc chông chênh, nhưng kỳ vọng về những điều tốt đẹp chưa bao giờ lụi tắt; ẩn sau sự trách móc của phụ huynh, thậm chí của học sinh, nhưng sâu xa hơn là sự mong muốn những điều tiến bộ.
Trong khả năng, chúng ta hãy làm tốt nhất trọng trách của mình. Chúng ta không thể thay đổi quan niệm xã hội khi chính chúng ta chưa thực sự làm tốt thiên chức của mình. Dẫu biết rằng, trong công việc, không phải lúc nào cũng thuận lợi; và còn rất nhiều tác động của ngoại cảnh; của những trói buộc lỗi thời.