Yêu thương từ điều giản dị: Lan tỏa tình yêu thương

GD&TĐ - Không phải phương tiện dạy học đắt tiền, hay những món quà chuẩn bị công phu mà lời khen ngợi, tình yêu thương mới chính là vũ khí hữu hiệu giúp thầy cô “chinh phục” học trò, là chìa khóa đem lại hạnh phúc cho học trò mỗi ngày đến trường.

Cô Bùi Thị Thu Thương - giáo viên Trường Tiểu học Tân Công Chí 2 (huyện Tâm Hồng, Đồng Tháp) - và học trò.
Cô Bùi Thị Thu Thương - giáo viên Trường Tiểu học Tân Công Chí 2 (huyện Tâm Hồng, Đồng Tháp) - và học trò.

Lên kế hoạch hỗ trợ học trò

Năm học này, cô Bùi Thị Thu Thương - giáo viên Trường Tiểu học Tân Công Chí 2 (huyện Tâm Hồng, Đồng Tháp) - được giao chủ nhiệm lớp 3B. Trong lớp có 1 học sinh gia đình khá giả nhưng chậm phát triển ngôn ngữ và trí tuệ; 3 học sinh hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo; một em sống với bà và một thuộc diện cận nghèo bị khuyết tật chân.

Làm sao để các em không có cảm giác lạc lõng trong lớp học và trở thành một thành viên của tập thể vui vẻ, đầy tình thương yêu và trách nhiệm? Trăn trở điều này, cô giáo trẻ bắt tay tìm câu trả lời ngay bằng việc tìm hiểu kỹ gia cảnh từng học trò.

”Tôi đến từng nhà HS để tìm hiểu cho được cách ăn ở, vui chơi, học tập các em; qua đó dễ dàng nhận ra cách đối xử của gia đình, người thân với các em như thế nào. Tôi cũng âm thầm sang nhà lân cận để xác nhận những gì mình thấy, phán đoán được; rồi trò chuyện thêm với bạn thân, những bạn ở gần nhà các em. Khi đã hiểu hết những khó khăn, tổn thương mà học sinh gặp phải, tôi mới lập kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ” – cô Bùi Thị Thu Thương kể lại.

Kế hoạch của cô Thương có đầu việc rất cụ thể với 3 nhóm đối tượng học sinh được phân loại sau khi tìm hiểu kỹ về gia cảnh: Nhóm thiếu thốn về tình cảm phải giúp đỡ bằng lời ngọt ngào, hành vi, thái độ thân thiện, gần gũi, cởi mở. Nhóm thiếu thốn về vật chất thì giúp đỡ, tiếp sức bằng vật chất, dụng cụ học tập. Nhóm thiếu hụt về kiến thức, cần quan tâm việc bồi dưỡng kiến thức.

 Tôi thật sự hạnh phúc khi nỗ lực của mình đã đem lại kết quả ban đầu. Các em đang xóa dần những biểu hiện tự ti, hòa nhập cùng chúng bạn và ham thích đi học. 
Cô Bùi Thị Thu Thương chia sẻ

Quyết tâm thực hiện kế hoạch này, cô giáo trẻ trở lại gặp gỡ gia đình học sinh một lần nữa để trao đổi về cách giáo dục các em. Cô luôn tận dụng mọi điểm tốt, mặt nổi trội của học sinh để tuyên dương trước lớp; không tiếc lời khen dành cho các em trước mọi người dù là những thay đổi, biểu hiện tích cực nhỏ. Nói khéo về những khó khăn, thiệt thòi mà các em gặp phải để cả lớp cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ...

Cô cũng chia sẻ câu chuyện này với Ban giám hiệu và nhận được sự đồng tình, hỗ trợ. Nhà trường đã nhanh chóng triển khai trước hội đồng sư phạm, trước các cuộc họp cha mẹ học sinh, họp với chính quyền địa phương và tranh thủ được các nguồn lực hỗ trợ, chung tay giúp sức, cùng tìm cách tháo gỡ, giúp các em vượt qua khó khăn.

Việc giúp trẻ vượt qua khó khăn, thiệt thòi và tổn thương là việc làm khó, đòi hỏi giáo viên phải thực sự kiên trì, nhẫn nại và tâm huyết. Hết mình vì học trò, việc làm của cô Thương đã huy động được sức mạnh nhiều nguồn lực ngoài nhà trường, từ các tổ chức đoàn thể ấp, Ban đại diện cha mẹ học sinh đến một số mạnh thường quân trên địa bàn huyện, các tổ chức từ thiện nhiều địa phương khác.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Học trò đã cho tôi rất nhiều

Dù không còn trực tiếp dạy học, nhưng NGƯT Tô Ngọc Sơn (Sở GD&ĐT Đồng Tháp) vẫn nhớ mãi những ngày đứng trên bục giảng. Trải qua nhiều khó khăn để thành công, rồi trở thành giáo viên phổ thông duy nhất của tỉnh Đồng Tháp được tuyên dương là gương mặt nhà giáo tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2008 – 2013, bí quyết của nhà giáo này chính là sự say nghề và tình yêu với trẻ nhỏ.

“Trong suốt thời gian đứng lớp giảng dạy, tôi luôn nghĩ: Nghề dạy học mà mình đang có được, bên cạnh nỗ lực, cố gắng của bản thân, phần lớn là nhờ học trò. Chính học trò đã giúp tôi trau chuốt tay nghề. Tôi dạy giỏi cũng nhờ học trò giúp. Mọi thứ tôi có được và sống được với nghề bền vững đến hôm nay tất cả đều do học trò. Vậy tại sao mình không yêu thương các em hết mực kia chứ!” - NGƯT Tô Ngọc Sơn giãi bày.

Để chứng minh cho tình yêu thương đó, thầy Tô Ngọc Sơn cho biết: bản thân đã không ngừng tự rèn luyện, học tập từ sách vở, từ những kinh nghiệm của thầy cô đi trước, đồng nghiệp, lượm lặt những cách làm hay từ báo, đài… Cố gắng có được những giải pháp hay để “chinh phục” học trò; làm sao để không em nào học dở, không có học sinh nào không ngoan.

Thầy Sơn chia sẻ: Học sinh của tôi luôn có nhiều suy nghĩ, sự khám phá, tìm tòi mới lạ, phong phú và độc đáo; thông minh và nhanh nhạy. Tuy vậy, các em thường hay đặt niềm tin tuyệt đối của mình vào một vấn đề, một sự việc hay một đối tượng mà các em thích, thần tượng. Cũng chính vì niềm tin ấy mà các em luôn phấn đấu, ra sức thực hiện tốt mọi việc để được ngợi khen, ưa chuộng…

Hiểu được đặc điểm tâm lý đó, mọi cử chỉ, hành vi, cách trao đổi, hướng dẫn, dạy dỗ… tôi đều hướng đến mục tiêu làm học sinh tin tưởng. Các em luôn được giải đáp thắc mắc khi cần; chưa bao giờ bị gạt bỏ bất kỳ câu hỏi nào dù chưa đúng chủ đề. Các em luôn được tạo điều kiện tốt nhất để tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ và đặc biệt được tôn trọng ý kiến… Với cách làm đó, tất cả học sinh từng được thầy Sơn dạy đều hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập.

“Để có được niềm hạnh phúc trong nghề dạy học như vậy, không thể không nói đến vai trò của người đứng đầu nhà trường. Hiệu trưởng không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thuyết phục, mà còn phải là một lãnh đạo có tâm, có tầm.

Hiệu trưởng cũng cần phải đồng điệu, đồng cảm, đồng cảnh và cũng phải có cách làm: Xem giáo viên, nhân viên của mình là nguồn sống của chính mình. Sự thấu cảm đó mới có thể đồng điệu và đồng hành với tập thể, các bộ phận mới “đồng cam cộng khổ” với nhà trường và tập thể mới cùng chung tay góp sức xây dựng thành công một ngôi trường hạnh phúc” – NGƯT Tô Ngọc Sơn nêu quan điểm.

Học trò đã giúp tôi trau chuốt tay nghề. Tôi dạy giỏi cũng nhờ học trò giúp. Mọi thứ tôi có được và sống được với nghề bền vững đến hôm nay tất cả đều do học trò. Vậy tại sao mình không yêu thương các em hết mực kia chứ! 
                                                                           NGƯT Tô Ngọc Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.