Xây dựng trường học hạnh phúc: Chống bệnh thành tích, chạy theo phong trào

GD&TĐ - Điều quan trọng nhất trong xây dựng trường học hạnh phúc vẫn là tạo cho trẻ cảm giác vui vẻ, thoải mái khi đến trường. Cần chống biểu hiện xây dựng trường theo kiểu chạy theo phong trào, bệnh thành tích…

Những giây phút vui vẻ của học sinh trong lớp học.	Ảnh: Thanh Tuấn
Những giây phút vui vẻ của học sinh trong lớp học. Ảnh: Thanh Tuấn

Xuất phát từ thầy và biểu hiện từ trò

Cô Hoàng Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Liễu Giai, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Hiện nay nhiều GV trẻ và HS rất tự tin khi nói về việc xây dựng trường học hạnh phúc (THHP). Điều quan trọng nhất trong xây dựng THHP vẫn là tạo cho trẻ cảm giác vui vẻ, thoải mái khi đến trường.

Hơn hết cần chống biểu hiện xây dựng THHP theo kiểu chạy theo phong trào, không thực chất, bệnh thành tích. Bản thân tôi là cán bộ quản lý ở trường mầm non, mỗi ngày đến trường tôi luôn muốn lan tỏa suy nghĩ tới các GV làm sao tạo cho HS niềm vui ở trường.

HS mầm non đến trường nhìn thấy cô giáo phải cảm nhận được sự thân thiện, như người thân, như mẹ ở trường. Giá trị của GD mầm non không phải điều gì lớn lao. Trẻ khi tới trường nhìn thấy cô giáo gọi, chào rất to: “Cô ơi! Con chào cô!”; Hay khoe với cha, mẹ, ông, bà: “Kia là cô giáo của con kìa!”... Trẻ vui vẻ theo GV vào lớp học, không khóc lóc đòi về...

Đó không chỉ là những điều đem lại hạnh phúc giản đơn nhất cho GV mầm non mà còn thể hiện hạnh phúc của mỗi trẻ khi đến trường. Đó mới là hạnh phúc thật sự, không cần đến những ngôn từ hay báo cáo sáo rỗng”.

 Bạo lực học đường hiện nay đang khiến phụ huynh, nhà trường và xã hội lo lắng. Bạo lực học đường chính là biểu hiện đi ngược lại với THHP. Chống bạo lực học đường cũng là một nhiệm vụ không thể xem nhẹ khi xây dựng THHP. Trong việc “chống” và “xây” đó, điều quan trọng nhất vẫn là phải khơi gợi và lan tỏa tình yêu thương HS ở mỗi GV. 
Cô Thủy chia sẻ

Khi xem những clip trên mạng ghi lại cảnh tượng trẻ mầm non, tiểu học… bị bạo hành ở trường, lớp bởi chính GV, cô nuôi, phân tích cảm xúc ở góc độ một người mẹ, một người làm công tác quản lý trường học, cô Thủy cho biết: “Tôi đã rất sốc khi nhìn thấy cảnh bạo hành trẻ nhỏ ở môi trường GD. Đôi khi tôi quên mất mình đang làm quản lý cơ sở GD, tôi đặt mình ở địa vị của một phụ huynh và vô cùng tức giận. Tôi cũng tự đặt câu hỏi: Tại sao GV có thể làm như thế với HS bé bỏng? Tại sao GV đã theo nghề dạy học mà lại có hành động mất nhân cách như thế?”.

Cô Thủy phân tích: Trẻ mầm non rất non nớt, chưa biết gì. Ở trường nếp ăn, nếp ngủ của trẻ tất cả đều do cô giáo dạy dỗ, chỉ bảo. Bởi thế người GV mầm non rất cần cái tâm và tình yêu với nghề. Trẻ mầm non có cảm thấy hạnh phúc khi đến trường hay không chủ yếu là do GV và định hướng của lãnh đạo nhà trường.

Học sinh chia sẻ về mong muốn lớp học luôn hạnh phúc
 Học sinh chia sẻ về mong muốn lớp học luôn hạnh phúc

Lan tỏa tình yêu nghề

Cô Hoàng Thị Thủy cũng cho rằng, hiệu trưởng chỉ cần tinh tế, để ý một chút là sẽ phát hiện ra những mầm mống của bạo lực học đường: “Hàng ngày tôi đi tới các lớp. Chỉ cần quan sát kỹ một chút là có thể phát hiện ra những trạng thái không bình thường của HS.

Ví dụ, tôi thường quan sát trẻ trong lớp xem tinh thần của trẻ có tốt hay không, ánh mắt trẻ đang biểu hiện như thế nào khi cô giáo quản lớp. Vẻ mặt của mỗi trẻ đều thể hiện hết việc GV có làm tốt công việc hay không, GV khiến trẻ vui vẻ hay sợ hãi”.

Chia sẻ quan điểm về chống bệnh thành tích trong xây dựng THHP, thầy Đàm Tiến Nam (Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) cho biết: “Trước khi ngành GD phát động xây dựng THHP, việc xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã có những khía cạnh khác nhau của THHP.

Ở trường chúng tôi, khi các giá trị sống được nêu cao trong mọi hoạt động của nhà trường cũng có nghĩa là thầy và trò đang xây dựng THHP. Khi triển khai xây dựng THHP, để không mắc bệnh thành tích, chủ trương này cần được đi vào từng nhà trường một cách sáng tạo, tránh hình thức và phải thông qua những hành động, việc làm cụ thể.

Những việc làm, hành động cụ thể phải thể hiện qua mối quan hệ hàng ngày giữa GV với HS, giữa GV với GV. Để xây dựng THHP một cách thực chất thì vai trò Ban Giám hiệu rất quan trọng. Ban Giám hiệu phải định hướng, xây dựng và tổ chức các chương trình hành động”.

Thầy Nam cho biết thêm, hiện nay tất cả các GV, HS của Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đều được trải qua các chương trình bồi dưỡng về giá trị sống. Thầy Nam phân tích: “Khi những giá trị sống thấm nhuần trong suy nghĩ và thể hiện ở việc làm, hành động, ứng xử của các thành viên trong nhà trường, tự khắc sẽ mang lại hạnh phúc cho mỗi người trong môi trường GD”.

Cô giáo Hoàng Thị Thủy cũng khẳng định, người đứng đầu cơ sở GD, quản lý một môi trường GD có vai trò hết sức quan trọng: “Lãnh đạo trường mầm non phải lan tỏa được tình yêu trẻ, tình yêu nghề tới các GV. Mỗi GV khi bước chân vào nghề, theo ngành GD mầm non phải biết cách hiểu trẻ muốn gì. HS mầm non còn rất nhỏ, các con cần có cảm giác an toàn, an tâm. Nếu GV và môi trường GD mang lại được cho trẻ cảm giác an toàn, an tâm thì trẻ mới tiếp thu được những kiến thức GV dạy. Tư tưởng, tư duy về THHP, về tình yêu thương HS phải lan tỏa từ chính người hiệu trưởng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các nhà khoa học trong đợt thu mẫu thực địa.

Giải mã nguy cơ kháng kháng sinh

GD&TĐ - Các nhà khoa học đã xác định khả năng kháng thuốc của nhiều loài vi khuẩn phổ biến như Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Aromonas spp. và Vibrio spp… ở vùng biển Nha Trang.

Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Gia Hưng

Học sai ngành, đừng sợ!

GD&TĐ - Niềm vui trúng tuyển đại học thường đi kèm với nỗi lo: Liệu con có chọn đúng ngành, đúng nghề?

Nghi lễ công bố đặt tên đường Đỗ Mười ở TPHCM thực hiện hồi tháng 1/2025. Ảnh: HCMCPV

TPHCM: Giải 'bài toán' trùng tên đường

GD&TĐ - Nhiều tuyến đường trùng tên sau khi sáp nhập TPHCM gây khó khăn cho người dân, trong khi các chuyên gia đề xuất số hóa để giải quyết vấn đề.

Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam (TPHCM). Ảnh: Lâm Ngọc

Phá bỏ định kiến giới trong chọn nghề

GD&TĐ - Ẩn sâu trong những quyết định lựa chọn ngành học, nghề nghiệp tương lai là cuộc đấu tranh thầm lặng với những định kiến giới đã ăn sâu vào tiềm thức xã hội.

Inter Miami được cho là chuẩn bị gia hạn hợp đồng với Messi.

Inter Miami chuẩn bị chốt tương lai Messi

GD&TĐ - Theo nhiều nguồn tin, Messi và Inter Miami đã hoàn tất các điều khoản gia hạn, với thời hạn ít nhất một năm kèm tùy chọn kéo dài thêm một mùa.