Hành trình chăm sóc con sinh non đầy gian nan của ông bố tự đỡ đẻ cho vợ
Theo dõi báo trên
Bé không có phản xạ bú, nuốt, giảm cân, khó thở, tím tái, ọc sữa, mẹ lo lắng đến mất sữa... là hàng loạt những khó khăn mà ông bố trẻ phải đối mặt khi chăm sóc con sinh non.
Tiếp nối những giây phút căng thẳng đến nghẹt thở khi tự tay đỡ đẻ cho vợ tại nhà của ông bố Phan Linh (hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) là một chuỗi ngày dài đầy gian nan trong hành trình chăm sóc bé Yuri sinh non bằng phương pháp kangaroo ở trong bệnh viện - một phương pháp chăm sóc trẻ sinh non rất hiệu quả.
Không chỉ anh Phan Linh mà cả chị Cẩm Hằng - vợ anh đều đi hết từ ngỡ ngàng này đến lo âu khác. Mặc dù cả hai vợ chồng đều đã có kinh nghiệm khi chăm sóc anh trai Yuri là bé Guyn cũng sinh non ở 31 tuần 5 ngày, nhưng lần này, với bé Yuri, đó là một hành trình hoàn toàn khác và vất vả hơn nhiều. Nếu như anh Guyn có sức khỏe khá ổn từ sau khi ra khỏi bụng mẹ thì bé Yuri lại gặp phải hàng loạt những dấu hiệu bất ổn như khó ăn, giảm cân, đầy hơi, chướng bụng, ọc sữa và cả tím tái, quên thở...
27 ngày Yuri nằm trong bệnh viện là 27 ngày vợ chồng Phan Linh - Cẩm Hằng thay nhau chăm sóc con theo kiểu kangaroo. Anh Phan Linh đã phải nghỉ làm dài ngày để chăm sóc bé trong viện, đồng thời đi xin và bảo quản sữa mẹ cho bé bú, hỗ trợ vợ trong việc kích sữa cho con vì chị Hằng đã quá mệt mỏi, lo lắng mà có lúc gần như mất hết sữa...
Lần đầu ẵm em trên tay lòng mẹ nôn nao đến lạ, hai tay mẹ rung rung như thể chưa bao giờ mẹ nhìn thấy một sinh linh nhỏ bé thế này.
Khó khăn cứ tiếp nối khó khăn nhưng mỗi ngày, được nhìn thấy bé Yuri lanh lợi, hồng hào lên trông thấy là hai vợ chồng lại có động lực để cùng nhau cố gắng.
Cùng theo dõi tiếp câu chuyện vô cùng xúc động tự tay đỡ đẻ cho con sinh non tại nhà và hành trình chăm sóc con theo phương pháp kangaroo của anh Phan Linh:
Đầu giờ chiều 31/07/2015 ba mẹ đón em từ NICU ra kangaroo. Ba xin nghỉ làm dài ngày để cùng mẹ cận kề bên em.
Lần đầu ẵm em trên tay lòng mẹ nôn nao đến lạ, hai tay mẹ rung rung như thể chưa bao giờ mẹ nhìn thấy một sinh linh nhỏ bé thế này, bắp chân em như ngón tay mẹ vậy, da em còn nhăn nhúm, màu da hơi tím, hai bàn chân em tím ngắt, miệng gắn ống xông, tay còn gắn kim và chẳng có quần áo sơ sinh nào em mặc vừa cả.
Theo lẽ thường, khi bé đủ khỏe để ra nuôi kangaroo thì ba/mẹ phải vào viện trước 1 ngày để học cách chăm sóc bé: cách cho bé ăn, cách massage, cách vệ sinh cho bé, cách sơ cứu khi bé tím tái hay ọc sữa... và mua những dụng cụ mà bệnh viện cho là cần thiết: thuốc bổ các loại cho bé, nước muối sinh lý, nhiệt kế, thuốc rơ miệng, tăm bông xoắn...
Càng phấn khởi đón em ra bao nhiêu thì bây giờ ba mẹ lại ngỡ ngàng bấy nhiêu vì không có gì như ba mẹ suy nghĩ và hình dung trước đó cả. Tuy ba mẹ đã có kinh nghiệm chăm anh Guyn, mẹ sinh anh Guyn lúc anh được 31 tuần thai 5 ngày, sức khỏe anh khá ổn nên mọi việc gần như thuận lợi ngay từ khi đón anh ra khỏi NICU về nhà, phản xạ bú, nuốt, thở của anh ổn, anh cũng rất hợp tác khi ba mẹ da kề da anh liên tục trong nhiều tháng, anh không bị đầy hơi, chướng bụng, ọc sữa cũng chẳng phải uống thuốc hay chích thuốc gì. Đúng nghĩa là anh Guyn chỉ ôm mẹ bú, bú và bú thôi, vậy nên với em ba mẹ đi từ ngỡ ngàng này đến âu lo khác.
Yuri được bố Linh kangaroo.
Đầu tiên, ngoài tinh thần sẵn sàng đón em ra, ba mẹ không biết những vật dụng gì cần thiết để mà chuẩn bị cả vì không được nhân viên y tế nào giải thích hay hướng dẫn gì hết, chỉ vỏn vẹn 1 câu là: "Đón bé xong ba mẹ nhớ vào phòng trực học cách chăm bé". Lớp học đông mà phòng thì nhỏ, đứng chen chúc nhau trong cái nắng oi bức buổi chiều, cũng may cả gần 2 tiếng đồng hồ vừa ấp em vừa học ba mẹ cũng theo kịp và mọi việc khá ổn.
Lúc bác sĩ khám lần lượt cho từng bé để về phòng, đến lượt khám cho em, ống xông có vấn đề rồi bác tháo ra luôn, để em tập ăn bằng muỗng/ống tiêm nhỏ giọt và tập ti mẹ. Bác dặn nếu em không ăn được thì phải gắn lại ống xông. Đêm đầu tiên em ngủ ngon lành trên ngực mẹ. Mẹ phải thức em dậy mỗi khi đến cữ ăn.
Khó khăn tiếp theo của ba mẹ là việc cho em ăn dù bằng muỗng hay bằng ống tiêm nhỏ giọt vì phản xạ nuốt của em còn rất kém (các bé non tháng sinh trước 32 tuần thai các phản xạ mút, nuốt, thở không những chưa hoàn chỉnh mà còn rất rời rạc, có bé chưa mút được ti mẹ, có bé khi mút ra sữa nhưng bé lại quên nuốt khiến bé rất dễ sặc, có khi mút được vài cái bé phải dừng lại để thở vì mệt...).
Thêm nữa, việc ăn của em những ngày trước đó hoàn toàn bị động và gần như không tiêu hao năng lượng (ăn bằng ống xông), giờ tháo ống xông đồng nghĩa với việc em phải tự thân vận động và tiêu hao năng lượng như một vận động viên marathon nên quả là không dễ tí nào, em như cô học trò đang học từng phản xạ một.
Ba Phan Linh làm bộ câu sữa để Yuri ăn sữa dễ dàng hơn.
Một ngày đêm em ăn tổng cộng 16 cữ, 1 tiếng rưỡi em ăn 1 lần, một lần em ăn nhanh nhất cũng phải 30 phút có khi hơn tiếng đồng hồ. Ba mẹ gần như thức ròng rã ngày đêm với việc cho em ăn, chưa kể những lúc em khó chịu. Tuy nhiên, em đã khá lên từng chút từng chút những ngày sau đó, da em hồng hào lên khá nhanh dù việc đút cho em ăn vẫn còn khó khăn và việc tự bú của em chưa hiệu quả là mấy.
Những ngày này sữa mẹ rất dồi dào nên ngày nào anh Guyn cũng được ông/bà cho vào thăm em để bú. Anh bú no nê có khi quên cả ăn.
Khó khăn tiếp theo ba mẹ phải đối diện là em bắt đầu có những dấu hiệu bất ổn của 1 bé non tháng, mỗi lúc một nhiều với tần suất tăng dần, đó là: em có dấu hiệu giảm cân, đầy hơi, chướng bụng, ọc sữa và cả tím tái, quên thở. Việc ăn sữa của em càng khó khăn hơn, đích thân bác sĩ trưởng phụ trách khoa sơ sinh đút sữa bằng muỗng cho em ăn, em cũng tím tái thế nên em phải gắn lại ống xông.
Kể từ đây ba mẹ gần như thức cả đêm lẫn ngày vì việc cho em ăn, 1 tiếng rưỡi mẹ vắt sữa 1 lần, sữa vắt xong sẽ được đổ vào ống tiêm 25ml, ống tiêm được gắn vào đầu ống xông, ống tiêm phải được giữ ở độ cao vừa phải sao cho lượng sữa chảy vào dạ dày của em không nhanh quá cũng không chậm quá, một người ấp em và 1 người cầm ống xông.
Chưa hết, khi em ăn xong ống xông cần được vệ sinh sạch sẽ và bảo quản chu đáo tránh nhiễm khuẩn. Tóm lại việc em ăn bằng ống xông phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn hẳn nên gần như ba mẹ thức trắng.
Yuri nằm trên ngực mẹ.
Bên cạnh đó, thỉnh thoảng em tím tái nên luôn phải có thêm 1 người trông chừng để mắt em 24/24. Việc ăn bằng ống xông của em kéo dài ròng rã 2 tuần.
Những tưởng em sẽ khá dần lên nhưng chưa, hiện tượng tím tái của em có vẻ nặng hơn, em phải cấp cứu và thở ôxi nhiều lần, tinh thần và sức khỏe ba mẹ cũng lên xuống theo em, ba gầy rộc hẳn đi, ông bà đứng ngồi không yên, mẹ stress hẳn kéo theo một khó khăn nữa ba mẹ phải đối diện là sữa mẹ gần như mất hẳn do vừa thức đêm vừa lo lắng cho sức khỏe của em, anh Guyn cũng ít được vào thăm em hơn, anh thèm ôm mẹ bú lắm.
Một tuần sau em chính thức ăn sữa mẹ đi xin, một ngày đêm em ăn 16 cữ thì phải đến 10 cữ là sữa đi xin. Mẹ tích cực kích sữa cho em và anh Guyn. Ba đảm nhận thêm nhiện vụ bảo quản sữa đi xin, hâm nóng cho em trước mỗi cữ ăn và cả hỗ trợ mẹ trong việc kích sữa.
Một tuần sau, em bắt đầu có dấu hiệu ổn định và khá lên dù rất chậm nhưng là dấu hiệu đáng mừng, tinh thần ba mẹ cũng phấn chấn và có chút lạc quan theo, cân nặng em cũng dần tăng, sữa mẹ cũng bắt đầu khá dần. 2 ngày trước khi xuất viện em được tháo ống xông, em ti mẹ khá hơn nhưng ăn thêm bằng muỗng vẫn còn khó, thế nên ba mẹ lại tiếp tục suy nghĩ làm sao để em ăn hiệu quả hơn.
Rất may bên cạnh ba mẹ luôn có bác chuyên gia sữa mẹ nên ba đã thành công trong việc làm bộ câu sữa từ ống xông, nhờ đó em ăn sữa hiệu quả và dễ dàng hơn đôi chút, em tăng cân đều và kha khá, em đạt cân nặng 1490gr, lanh lợi và hồng hào nên bác sĩ yêu cầu xuất viện. Kết thúc 27 ngày chăm sóc kangaroo. Chưa tự tin một mình chăm em ba mẹ xin ở lại thêm nhưng không được đồng ý, thế là em xuất viện trong lo lắng của cả nhà và chuỗi ngày khó khăn vẫn chưa khép lại.
GD&TĐ - Dù điều kiện học tập có phần hạn chế nhưng, Dương Đình Thanh người dân tộc Tày vẫn sở hữu điểm số ba môn Toán, Vật lí và tiếng Anh vô cùng ấn tượng.