Hành trang tốt nhất

GD&TĐ - Tổ chức thi thử (có nơi gọi là khảo sát chất lượng) trước mỗi Kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng phổ biến. Ở nhiều địa phương, hoạt động này được sở GD&ĐT đứng ra tổ chức cho tất cả trường THPT.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cũng có địa phương không triển khai quy mô toàn tỉnh/thành, nhưng cho phép các cơ sở giáo dục chủ động xem xét, quyết định trên tinh thần không gây áp lực, quá tải cho người học. Mật độ thi nhiều hay ít cũng tùy từng trường, địa phương chứ không có quy định chung.

Nhiều tác dụng của kỳ thi này được kể ra như là: Cách để nhà trường kiểm soát chất lượng, tiêu chí để xếp lại lớp, con số để cho phụ huynh nhìn nhận về lực học của con mình… Qua kỳ thi, học sinh được củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài, tâm lý phòng thi, đánh giá khả năng bản thân… Với các cấp quản lý, nhà trường và giáo viên, kỳ thi giúp nắm bắt thêm thông tin về chất lượng học tập của học sinh để có giải pháp quản lý, giảng dạy phù hợp, từ đó nâng cao kết quả học tập của học sinh nói chung, kết quả thi tốt nghiệp THPT nói riêng.

Tuy nhiên, với ý nghĩa khảo sát, đánh giá chất lượng, cũng có ý kiến cho rằng: Kỳ thi này nếu không được tổ chức nghiêm túc sẽ mang tác dụng ngược. Khó nhất với các trường có lẽ chính là công tác ra đề. Trên thực tế, không phải trường nào cũng có đủ khả năng ra được đề thi đáp ứng đủ các yêu cầu về phân bố nội dung (theo chương/chủ đề/dạng bài tập, câu hỏi...); kỹ năng được yêu cầu, mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao); số lượng câu hỏi tương ứng... sát với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT.

Nếu đề ra quá dễ sẽ tạo tâm lý chủ quan trong học sinh; ngược lại đề quá khó sẽ tạo áp lực cho học sinh, gây lo lắng cho cha mẹ. Chất lượng đề thi thử không đáp ứng yêu cầu, không đánh giá đúng năng lực học sinh, khiến giáo viên không có được thông tin chính xác để qua đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp.

Không chỉ ra đề, khâu tổ chức thi thử cần được triển khai nghiêm túc, cẩn thận từ chuẩn bị cho đến coi thi, chấm thi, đánh giá kết quả… Bên cạnh đó, không nên tổ chức quá nhiều đợt thi thử đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo căng thẳng cho học sinh. Đặc biệt, tuyệt đối không lạm dụng việc tổ chức thi để thu tiền từ người học và cần bảo đảm nguyên tắc tự nguyện cho học sinh khi đăng ký tham gia kỳ thi này.

Hiện nay, bên cạnh thi thử truyền thống, một số địa phương đã triển khai khảo sát chất lượng học sinh theo hình thức online. Bên cạnh đó, nhiều trang trực tuyến cũng đưa ra các bài thi để học sinh thử sức trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với những bài thi này, có thể học sinh tham gia để củng cố kiến thức, kỹ năng làm bài, nhưng cũng cần hết sức chú ý bởi các đề thi có thể không được kiểm chứng và giám sát về chất lượng.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nội dung thi tốt nghiệp THPT nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, không xuất hiện nội dung kiến thức đã tinh giản. Theo nội dung đề tham khảo đã được công bố, mức độ câu hỏi nhận biết, thông hiểu chiếm đến 70 - 75%. Do đó, học sinh nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình là có thể an tâm làm bài khá tốt. Bởi vậy, một môi trường học tập lành mạnh, sự nỗ lực trong cả một quá trình mới là hành trang tốt nhất cho thí sinh trước kỳ thi sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.