Hành trang cho trẻ vào lớp 1

GD&TĐ - “Bố mẹ cần kiên trì, không được nôn nóng trong việc chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1, không nên lấy ý muốn chủ quan áp đặt cho trẻ...".

Bố mẹ cần kiên trì, không được nôn nóng trong việc chuẩn bị cho con vào lớp 1. Ảnh minh họa.
Bố mẹ cần kiên trì, không được nôn nóng trong việc chuẩn bị cho con vào lớp 1. Ảnh minh họa.

Giai đoạn lớp 1 được coi là bước ngoặt quan trọng với trẻ chuyển từ mầm non lên tiểu học. Sự thay đổi về môi trường, thời gian và đối tượng tiếp xúc sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ.

Rèn kỹ năng cần có cho trẻ

Chị Quỳnh Hương (cán bộ ngân hàng Vietinbank Hà Nội) chia sẻ, con vào lớp 1 buồn bã, khóc lóc, chưa quen trường, lớp và cách học mới khiến cha mẹ căng thẳng theo. Thực sự, con vừa bước chân vào tiểu học mà cả nhà như cuộc chiến.

Chuyên gia cho rằng, điều này vô tình tạo thêm sức ép, khiến việc đi học trở nên nặng nề. Vì vậy, trước khi con vào tiểu học, hãy chuẩn bị không chỉ cho trẻ tâm lý vững vàng, mà ngay cả người lớn.

Cô Nguyễn Thị Thương, giáo viên Trường Tiểu học Tiền An (Bắc Ninh), cho rằng, để giúp trẻ thích nghi với sự thay đổi, ban đầu bố mẹ hãy kể cho con nghe về ngôi trường mới. Đây là nơi có nhiều bạn bè, thầy cô và hoạt động học tập, vui chơi thú vị. Bố mẹ có thể đưa con đến thăm trường, cho bé làm quen với không gian, phòng học, khu vui chơi và thầy, cô giáo.

Tất nhiên, trẻ độ tuổi này mới ham thích vẻ bề ngoài như thích cặp sách mới, thích có bàn học, thích bộ đồng phục, có anh chị lớp trên đón vào trường... Nhưng đó là điều rất cần cho trẻ khi đến trường. Phụ huynh cần kích thích sự hiểu biết, lòng ham thích đi học của con, tránh làm cho trẻ sợ vào lớp 1.

Ở nhà, bố mẹ hãy nhắc đến những chuyện vui, trải nghiệm mới lạ, thú vị mà con sẽ có khi học cùng cô và bạn bè mới. Những câu chuyện ngày xưa bố mẹ học lớp 1 ra sao, thích thú như thế nào cũng gợi sự tò mò, giúp trẻ thấy được sự đồng cảm, không lạc lõng.

Ở mầm non, hoạt động chủ đạo là vui chơi, vận động, khác với tiểu học. Môi trường mới, trẻ học 7 - 8 tiết mỗi ngày, phần lớn dành thời gian ngồi nghiêm túc, tập trung trong giờ.

Khi còn học mầm non, trẻ được bố mẹ hỗ trợ trong hầu hết hoạt động nhưng vào tiểu học bắt đầu phải tự lập. Thế nên, gia đình cần tập cho con các kỹ năng tự phục vụ, bảo vệ bản thân và giao tiếp trong tập thể.

“Kỹ năng tự phục vụ là quan trọng hàng đầu ở lớp 1, thể hiện trẻ đã có sự tiến bộ vượt bậc về ý thức so với lứa tuổi mầm non. Ngay từ khi 4 - 6 tuổi, bố mẹ hãy cho con tự làm các công việc trong sinh hoạt hàng ngày như ăn uống sạch sẽ. Đó là tự xúc ăn, cất dọn khay sau khi ăn, tự biết rót nước và uống khi khát, lấy vừa đủ nước và đổ nước thừa sau khi uống, tự vệ sinh cá nhân, biết rửa tay trước và sau khi ăn, biết sử dụng nhà vệ sinh”, cô Thương nói.

Cũng theo cô giáo Thương, trẻ cần biết cách cảm nhận cơ thể và báo với người lớn khi không khỏe. Các con cũng cần được hướng dẫn cách cởi và mặc áo, đi giày thành thạo ở nhà.

Ở môi trường nào, trẻ cũng có thể gặp những nguy hiểm tiềm tàng. Do đó, bố mẹ hãy trang bị cho con kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi gặp người lạ, khi bị người khác tấn công. Bên cạnh đó là cách giải quyết vấn đề, tìm kiếm sự trợ giúp trong những hoàn cảnh nguy hiểm, cách thoát hiểm khi có cháy, bị kẹt trong thang máy hay bỏ quên trên ô tô…

Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý hướng dẫn trẻ về các kỹ năng giới tính lứa tuổi, như “Vùng đồ bơi”, “Quy tắc 5 ngón tay”… Điều này giúp con biết bảo vệ bản thân, tránh bị xâm hại.

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

Không đưa nhà trường, thầy cô ra dọa

Đối với trẻ tiểu học, thầy, cô giáo là thần tượng, là “mẫu” lý tưởng trực tiếp của trẻ. Vì vậy, khi trẻ đi học lớp 1, muốn tác động đến trẻ, phụ huynh nên thông qua thầy, cô giáo. Nên trao đổi với giáo viên để hiểu rõ hơn vì sao thầy cô lại có ứng xử như vậy với trẻ và phối hợp thống nhất cách tác động giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ.

Ví dụ ở trường cô khen về nhà mẹ cũng khen, khi con mắc lỗi cô nhắc nhở thì về nhà mẹ cũng cần nhắc nhở con. Nếu có sự mâu thuẫn giữa việc giáo dục của gia đình và nhà trường, trẻ rất dễ hoang mang không biết theo ai. Bởi vậy, cha mẹ không nên chê thầy, cô giáo trước mặt con trẻ. Điều đó sẽ gây khó khăn cho việc thầy, cô giáo cùng các vị phụ huynh rèn con.

Hơn nữa, nhiều cha mẹ thường mang thầy cô ra để dọa trẻ với mong muốn con sẽ nghe lời. “Ngoan không mẹ mách cô giáo”, “Mẹ gọi điện cho cô nhé”, “Đi học sớm không cô giáo mắng”… là những điều tuyệt đối cha mẹ không nên làm. Việc này không chỉ khiến trẻ sợ trường lớp, mà còn không tin tưởng thầy, cô giáo.

“Không đưa nhà trường, cô giáo ra để dọa trẻ, tạo lập cho con một không gian học gọn gàng, sạch sẽ, hãy để con tự lựa chọn bàn học, tủ sách theo sở thích. Từ đó con sẽ thích ngồi vào bàn học và luôn có ý thức giữ gìn, chăm chút cho góc học tập của mình”, cô Thương nói.

Ngoài ra, cha mẹ hãy “cùng con học lớp 1”. Mỗi ngày đi học, hãy quan tâm cảm xúc của trẻ khi đón con như “Ở trường hôm nay có gì vui? Điều gì làm con thích thú”… Không mắng trẻ khi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập mà nên tìm hiểu nguyên nhân và khích lệ để giúp trẻ học tốt hơn.

Lớp 1 nói riêng và bậc tiểu học nói chung là cấp nền tảng trong giáo dục phổ thông. Thành công trong học tập ở bậc tiểu học là cơ hội lớn cho trẻ thành công ở bậc học tiếp theo. Vì vậy, bố mẹ cần giải thích, động viên, khích lệ trẻ khi chuẩn bị đi học lớp 1, không dọa dẫm, trách phạt trẻ nhiều làm cho trẻ nản chí.

“Bố mẹ cần kiên trì, không được nôn nóng trong việc chuẩn bị cho con vào lớp 1, không nên lấy ý muốn chủ quan của mình áp đặt cho trẻ. Sự kỳ vọng quá lớn của các vị phụ huynh vào kết quả học tập, nhất là chỉ quan tâm đến điểm số học tập của con khi con học lớp 1 cũng là một áp lực lớn làm cho trẻ chán học”. - Cô Nguyễn Thị Thương, giáo viên Trường Tiểu học Tiền An (Bắc Ninh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ